Tiếng vọng Đông Sơn

Tiếng vọng Đông Sơn
TP - Cuộc trưng bày từ nay đến trung tuần tháng Sáu tại Bảo tàng Lịch sử VN, nhân 85 năm nghiên cứu văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa cách đây 2.000 năm, có tên Tiếng vọng Đông Sơn.
Tiếng vọng Đông Sơn ảnh 1
Trống đồng Đông Sơn

Có 100 hiện vật mới sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử sau cuộc trưng bày năm 2004, chủ yếu là đồ đồng, gốm mang nặng sắc thái của Đông Sơn cổ điển cùng nhiều hiện vật bất ngờ.

Đó là cây đèn hình người, hình hươu, hình voi ở di tích làng Vạc; những chiếc trống đồng trang trí hoa văn hình người kéo thuyền, kiểu dáng và hoa văn khác lạ chưa hề có trong phổ hệ trống đồng VN, tìm thấy ở Tây Nguyên mà theo TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN - là “khác lạ so với ba trung tâm trống đồng Vân Nam - Quý Châu, Quảng Đông - Quảng Tây và Bắc VN”; những thạp đồng có chân trổ thủng, những con dao găm hình người; những bộ công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức của Đông Sơn phía Bắc hòa quện với di vật Đông Sơn phía Nam đem đến cái nhìn mới về văn hóa Đông Sơn.

Tiếng vọng Đông Sơn ảnh 2
Cây đèn vũ trụ tượng voi

Những năm 30 của thế kỷ trước, các nhà khoa học quốc tế nghi ngờ tính bản địa của văn hóa Đông Sơn, thậm chí học giả Thụy Điển O.Janse cho rằng văn hóa Đông Sơn du nhập từ văn hóa Hy Lạp khi ông tìm thấy chiếc đèn hình người ở Lạch Trường- Thanh Hóa với nhiều yếu tố nhân học khiến ông liên hệ với thần rượu nho trong thần thoại Hy Lạp.

Nhưng bằng khảo cổ học, VN chứng minh Đông Sơn là văn hóa bản địa, đỉnh cao chói sáng của người Việt cổ và lõi vật chất tạo nên nhà nước Âu Lạc. Cây đèn hình người trên mình voi tìm thấy ở làng Vạc - Nghệ An như một mô phỏng vũ trụ, đồng thời mô tả lễ hiến sinh, điều có thể thấy trong lễ đâm trâu ở Tây Nguyên còn lại đến ngày nay.

“Trên thế giới đang có những cuộc hồi hương của cổ vật. Chẳng hạn Trung Quốc ra sắc lệnh mua cổ vật bằng mọi cách mọi giá. Khi Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng sáp nhập thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, và thành lập Bảo tàng Cổ vật Phương Đông, tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ có những cuộc hồi hương như thế”.

TS Phạm Quốc Quân -

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Vẫn còn nhiều tranh luận về trống đồng Đông Sơn xoay quanh vai trò của nó, cách chế tác, cách gõ…

TS Phạm Quốc Quân nói, trống đồng Đông Sơn và các hiện vật có mặt tại cuộc trưng bày đều đẹp, nguyên vẹn, một phần do được hàn gắn đôi chút làm cho vững vàng hơn. Bảo tàng Lịch sử không cho phép đồ phục chế hay những hiện vật bị sửa chữa xuất hiện tại triển lãm.

Phòng trưng bày cũng giới thiệu bộ sưu tập gốm đặc sắc với ảnh hưởng qua lại giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh - một nền văn hóa nổi tiếng ở miền Trung VN, tương đương với Đông Sơn. Tháng Bảy tới là dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu Sa Huỳnh.

Bởi thế, khi Tiếng vọng Đông Sơn kết thúc vào tháng Sáu, Bảo tàng Lịch sử VN sẽ mở triển lãm hiện vật Sa Huỳnh. Và cuối năm là trưng bày mũ đại triều vừa được phục hồi - một loại hình di vật mang tính cung đình.

Tháng Năm tới, Bảo tàng Lịch sử tổ chức một hội thảo nhỏ về Bãi Cọi (tức Bãi Phôi Phối - Nghi Xuân - Hà Tĩnh) để nhận định vị trí của Bãi Cọi là thuộc văn hóa Sa Huỳnh, thuộc Đông Sơn hay là khu đệm giữa Sa Huỳnh và Đông Sơn.  

MỚI - NÓNG