Tiếp điểm cuối cùng

Tiếp điểm cuối cùng
TP - Gã chuếnh choáng đứng dậy, bước ra khỏi quán. Cái ngạch cửa cũ rích loại nhà truyền thống ngáng ngang mũi giày. Gã đã lơ mơ nhớ phải nhấc chân lên thật cao. Vậy mà vẫn bị vấp trúng. Cú va chạm giữa chiếc giày da mòn cũ với thanh gỗ đã lên nước đen bóng chẳng có gì phải ầm ĩ, chỉ loạng choạng và chửi đổng.

> Lòng Sông
> Cái bóng ông chồng cũ

- Tiên sư nó! Giữa thời hiện đại, chất liệu xây dựng nhà cửa cũng đã hiện đại hoá, tội tình chi cứ ôm cái tàn dư lạc hậu cũ rích. Thằng quái nào thừa tiền nhưng… ngu thật.

Gã choáng chứ không bị ngã dập mũi. Mùi khét khói thuốc lá, mùi son phấn rẻ tiền, mùi cồn rượu trộn lẫn thành một thứ tuý hương quyến rũ vẫn chảy tràn qua khứu giác.

Gã đưa cả hai bàn tay lên vuốt mặt, định thần rồi lại bước qua cái ngạch cửa.

Tay nhạc công có bộ mặt thiểu não, diêm dúa trong chiếc áo chim cò, vẫn nâng cao chiếc kèn đồng sáng loáng trình tấu bài nhạc lê thê buồn nản. “Hôm nay ngày cưới em…”. Cái âm vực đau như vết dao cắt đúng trái tim, dằng dặc đuổi theo gã ra tận ngoài đường.

Bên ngoài, con đường vắng ngắt, chỉ hai hàng cổ thụ xạt xào, nghiêng ngả theo từng đợt gió cuộn về từ phương Bắc. Gã rùng mình, cái lạnh giá, tê tái chạy dọc xương sống.

Không thể nhớ mình đã rẽ trái hay sang phải ở cái ngã tư có bốn cột đèn vàng nhấp nháy. Chai rượu “nước mắt quê hương” 0,65ml-bốn lăm độ đủ quật ngã một con trâu đực, đang chuyển lưu trong từng vi ti huyết quản khiến gã buồn nôn.

Gã tựa vào một gốc cây Mù U sần sùi cổ đại. Gã bật cười khan, đưa cả hai bàn tay vỗ vỗ lên cái cục u bự chảng như lưng lão gù già xọm bán thuốc lá lẻ trước cửa nhà gã. Chắc chắn chính mấy cái cục u đeo bám trên thân đã tạo nên thương hiệu, gã ngâm nga bằng chất giọng nhừa nhựa, rệu rã “Văn thánh, Võ thánh trồng Bàng, ngó vô Xã tắc hai hàng…” mùi chua lét bỗng xộc lên, tràn qua vòm họng… mù u. Chỉ toàn nước, cái bao tử rỗng tuếch. Khối lượng tịnh của chai rượu đã chuyển hoá thành máu.

Con đường trống hoác, vàng ệch từng ngọn đèn hắt từ trên cao xuống. Gã ngồi thụp xuống, ôm gốc cây, cố nôn, nôn bằng hết mọi thứ trong người, rượu, máu, nước mắt, nỗi buồn và hình ảnh Như Nguyện. Nhưng chẳng có gì ngoài những bụm nước lõng bõng chảy tràn qua khoé miệng.

Như Nguyện! Gã than vãn cái tên người đàn bà vừa cho gã một cú đá nghịch lân. Để chơi trò tình với một thằng đại gia Thượng Hải, chủ một đường dây xuất nhập khẩu rác. Rác chính hiệu, bốc mùi thum thủm.

- Bọn Chệt giỏi, cái thứ người ta phải bịt mũi vất đi, nó cũng làm giàu được.

Gã thất tình, buồn rệu rã, nhưng không hận. Nàng đâu có tội tình gì để hận chứ? Thời buổi vật chất hoá nhân tính. Thời mà lũ con nít mẫu giáo năm, ba tuổi cũng biết được uy lực tuyệt đối của hơi đồng và khoái chơi trò bạo lực. Như Nguyện quay lưng (cái thắt đáy lưng ong thuần Việt kín đáo nhưng đầy tiềm năng sinh sản) về phía gã cũng là điều tất yếu. Một thằng đàn ông thất bại thảm hại, chỉ một sát na cuộc chơi đã trở thành tay trắng. Mất nhà, bán xe. Mất tinh thần sĩ khí. Vờ vật như ma trên đất, thì làm gì chẳng bị nàng đá đít.

- Chứng khoán chỉ số Index… con c... Ngu thì chết. Toàn thứ lừa đảo.

Gã chửi thề và quên mình cũng là thằng tháu cáy chơi bài ba con có hạng trên thương trường. Loại xuất thân dân nghèo thành thị, bị đóng sầm cửa đại học vì lý lịch đời cha. Thằng nào ngày xửa ngày xưa nói cấm có sai, thứ con nhà chùa như gã thì có nước đi quét lá đa, chứ mong quái gì chuyện làm vua.

Hết đường thì tính nước liều. Không cho đi trường học thì gã chơi trường đời. Chẳng ngờ trường đời lại khai thác được năng lực tiềm ẩn và thừa sức biến đổi bản chất con người dễ như lật một con bài. Từ một thằng học sinh hiền lành như bụt, phút chốc biến thành kẻ nổi tiếng tai quái trên mọi lĩnh vực kinh tế. Chỉ sau vài năm lăn lộn, buôn xuôi bán ngược, buôn gian bán lận, rửa bẩn thành sạch, đã cho gã được rất nhiều thứ và cũng lấy đi nơi gã nhiều thứ.

Cái gã được là tiền là ngôi biệt thự hạng sang, là xe hơi xịn, là được những vị quan chức mặc nhiên coi là kẻ trung gian tài ba cho các phi vụ, được họ tin tưởng kết nạp vào hội bù khú bài bạc ăn nhậu. Gã còn được thứ tình yêu thời thượng của nàng á hậu cuộc thi duyên dáng cấp quốc gia.

Còn những cái bị mất thì chính bản thân gã, đôi khi ngồi suy gẫm biết là có mất, nhưng cũng mù mờ chẳng rõ bị mất cái gì và cũng cóc cần suy tính được thua, mất còn làm gì cho mệt.

Ngồi một lúc, chẳng nôn ra được cái ký ức nhờm tởm bám dính trong đầu. Gã bám cả hai bàn tay vào lớp vỏ cây xù xù, nâng cả người dậy. “Không nôn được thì tau đái…”. Gã lầm bầm rồi kéo khóa quần. Từng giọt nước âm ấm bật ngược lại từ gốc cây, làm ướt một vạt lớn trên chiếc quần Jean cứng đờ.

- Tiên sư cái gốc cây cũng biết chơi đểu.

Gã vừa rùng mình trong cảm khoái tuôn trào, vừa lắc chim trước khi nhốt nó vào lại trong cái quần ướt nhẹp.

“Hôm nay ngày cưới em…”. Giọng gã khàn đục, nhễu nhại. Con đường vẫn vắng tanh. Gã lại suýt ngã vì vấp phải một cái rễ cây vồng nổi vắt ngang vỉa hè.

- Đi trên vỉa hè cũng bị tông, đời sao lắm cạm bẫy vậy nhỉ?

Gã lại cười hăng hắc. Mà cũng tại mình ngu. Cái quan không đi lại đâm quàng bụi rậm. Con đường nhựa láng o, trống tuênh, vàng ệch, chẳng có anh cảnh sát giao thông nào cầm dùi cui nửa trắng nửa đen hòa quyện quyền lực bất nhị. Cả thế giới hỗn độn người xe chạy ngược chạy xuôi cũng bốc hơi hết rồi, trông thật sướng mắt.

Tội gì không xuống đó mà đi cho sướng.

Gã nghĩ và làm. Một quầng sáng loà, tiếng rin rít rợn người, cả thân hình nồng nặc mùi rượu, mùi chua lét, mùi ảm đạm thểu não bị bắn tung lên nhanh hơn tốc độ ánh sáng.

Cô nàng y tá trẻ măng, cười tươi như hoa. Vừa tháo cuộn bột to tướng bó quanh chân gã, vừa nói:

- Chú may thật đấy.

Gã chẳng hiểu cô ta ám chỉ điều gì:

- Ừ thì may, tinh thần người Việt mình là sự lạc quan mà. Lúc nào, dù vui hay buồn, hoạ hay phúc… chuyện gì cũng dính liền với một chữ may.

Đến lượt cô y tá bửng lững:

- Chú nói chi…cháu chẳng hiểu?

Gã cười:

- Tui đâu có nói tiếng Tàu, sao lại không hiểu?

Cô y tá cũng bật cười:

- Nếu chú nói tiếng Tàu thì cháu chắc chắn sẽ hiểu.

Gã thở dài:

- Vâng, bây giờ tiếng Tàu thịnh hành lắm, người người, nhà nhà đổ xô đi học. Cô không hiểu được nó mới lạ. Mà cho tui hỏi tí nhé… tui nằm đây bao nhiêu lâu rồi, lúc nào mới được xuất viện hả cô?

Cô y tá nhẩm tính một lúc:

- Dạ chín tháng, mười ngày, và hôm nay xuất.

Gã trầm tư:

- Bằng thời gian sống một bào thai à.

Cô y tá:

- Vâng, một cuộc tái sinh ngoạn mục.

- Tui đã một lần chết rồi sao?

Cô y tá cắt xong lớp bột bó, dọn tất cả vào chiếc xô nhỏ:

- Chắc chắn là vậy. Không ai có thể sống sót sau một cú bay như vậy.

Gã hoàn toàn không có chút khái niệm gì về từ Bay của cô nàng. Có thật là gã đã bay trong cái quầng chói loà đột hiện bằng vận tốc ánh sáng của đêm hôm ấy hay không.

Có lẽ đúng như cô y tá nói, gã nhớ là đã bay lên thật, mọi cảm giác nôn mửa, buồn chán cũng bay mất. Gã thấy mình hình như nhẹ tênh như chim, nên dang rộng đôi tay…

Một tháng sau ngày diễn ra vở thoại kịch, ngớ ngẩn buồn cười của gã bệnh nhân với cô y tá xinh đẹp trên nền phông trắng toát ấy. Gã bắt đầu thấy có sự biến đổi kỳ lạ, mọi cảm thức về quá khứ chẳng bao giờ quay trở lại ám tưởng tâm trí.

Chết! Đúng là cú nằm bất động chín tháng mười ngày. Một cuộc tái sinh ngoạn mục. Gã cám ơn cô y tá xinh đẹp trắng tinh như thiên thần đã lột lớp kén thạch cao cho gã hoá thành người, chữ Người phải viết hoa thật đẹp mới đúng nguyên nghĩa.

Lần đầu tiên gã thấy sợi dây là lúc tình cờ gặp lại Như Nguyện. Nàng vẫn đẹp mê hồn, cái thắt đáy lưng ong gã từng ôm choàng qua, nâng bổng nàng lên ngang tầm những nụ hôn cháy bỏng, vẫn còn y nguyên đường nét cũ. Nàng đang tươi cuời bước ra khỏi chiếc Toyota đen thui, láng bóng, đủng đỉnh điệu đàng đi vào ngôi biệt thự sang trọng nằm thênh thênh trên thảm cỏ nhung mượt xanh.

Sợi dây trong suốt như pha lê, được móc theo chiều thẳng đứng, chạy qua bờ lưng trần thon nuột trắng ngần, xuyên mái tóc cài những viên kim cương sáng loá và vút thẳng lên bầu trời chói nắng. Nàng lúc này như một đám mây hồng kiêu sa, lộng lẫy.

Một thứ kỹ xảo điện ảnh? Gã lại hỏi thầm và chẳng thể nhìn thấy điểm tận cùng của sợi dây. Tiếp điểm cuối cùng. Có thể mình dùng từ không chuẩn khi gọi nó là điểm cuối, biết đâu nó lại là điểm khởi đầu và điểm cuối cũng có thể là điểm bắt đầu, khởi từ vô chung đến tận cùng vô thuỷ. Gã thích phản bác nguỵ biện.

Không thể nhìn thấy gì ở khoảng không cao vút vô tận. Nhưng gã lại thấy rất rõ ràng cái tiếp điểm ở eo lưng Như Nguyện. Một nút thắt hình cánh bướm thật đẹp.

- Tại sao lại có sợi dây kết nối nàng với phía trên cao kia nhỉ?

Cả cuộc tình gần mười năm, từng làm gã chết lên, chết xuống, chỉ còn một câu hỏi dửng dưng, vô vị.

Những ký ức gã vẫn sờ mó được. Nó mang hình thù một cái túi bóng trong suốt, chứa đầy tạp chất của hơn ba mươi năm sống. Sự thành công nằm chung với cái thật bại, những nỗi buồn trộn lẫn với niềm vui, quá khứ song trùng hiện tại. Tự tâm, gã không muốn chui lại vào bên trong cái túi rác bốc mùi nồng nặc. Dù chính rác đã cướp đi Như Nguyện của gã.

Gã không cảm thấy buồn chán, tuyệt vọng như mỗi lần trước đây khi phải sống trong căn nhà nhỏ bé của gia đình.

Bữa cơm tối thật lặng lẽ.

Cả gia đình, ừ thì bây giờ gã lại có quanh chiếc bàn tròn thô mộc cha, mẹ và đứa em gái trạc tuổi Như Nguyện.

Cha, người đã phải trả nợ đời bằng những năm tù dài dằng dặc, đủ biến một trí thức sắc sảo lịch lãm thành một kẻ trì độn, lặng lẽ an phận như bóng ma. Cứ nhìn đứa con trai, vẫn với một ánh mắt đầy nghiêm khắc lẫn xót thương.

Vẫn, là vì trước kia, khi gã chưa bị tai nạn trên thương trường, trên con đường đêm vắng ngắt, vẫn ngạo nghễ hỉ hả Toa-Moa với các vị quan chức hét ra lửa. Cha đã nhìn gã bằng ánh mắt ấy. Không có gì thay đổi. Gã nghĩ, cha mình đã bị thiểu năng ánh mắt nhìn đời.

Mẹ so đũa, gắp bỏ vào chén gã những thứ ngon nhất. Thỉnh thoảng lại giấu tiếng thở dài lúc quay mặt xới cơm.

Cô em gái đang làm việc cho một công ty nước ngoài, sắp đính hôn với một thằng xếp Tây cao non hai mét, vẫn cắm cúi ăn cho xong bữa, không hề biểu lộ chút cảm xúc nào khi đối diện người anh trai thất bại từ A đến Z. Từng bay từ cõi sống qua cái chết, từ cõi chết về lại cuộc sống và trở thành một triết gia bí ẩn câm lặng chỉ với nụ cười nửa miệng.

Cái nửa miệng còn lại để cắm cúi nuốt hết những gì mẹ gã dồn vào cái chén đầy ứ. Gã đã ăn hết những tình thương, nghiêm khắc, trìu mến, lúc gã ngẩng đầu nhìn lên. Nó lại xuất hiện, 3 sợi dây trong suốt đi xuyên qua cái mái nhà cũ mục, nối vào lưng những người thân của gã. Bây giờ thì gã không còn cho là mình bị quáng mắt, nó quá rõ ràng.

Gã đứng bật dậy, đẩy mạnh chiếc ghế đẩu, quày người chạy thật nhanh ra bên ngoài, không kịp nhìn thấy ánh mắt ủ rũ của cha, thấy vết hằn lo âu trên khuôn mặt mẹ và nụ cười buồn nản của cô em gái.

- Để xem điểm tận cùng nó ở đâu.

Gã nói vọng vào bên trong, trước lúc ngẩng đầu nhìn lên cái mái nhà cũ mục. Gã chợt nhớ mình đã hứa với lòng hàng ngàn lần phải sửa sang lại và lần nào cũng lần khất cho đến bây giờ nó vẫn còn nguyên cũ mục.

- Không chỉ ba sợi dây từ nhà mình…

Gã ngạc nhiên tự nhủ lúc nhìn thấy hàng triệu hàng tỷ, sợi dây từ dưới mặt đất vươn thẳng lên. Lúc này không còn chói nắng, gã nhìn thấy thật rõ những sợi dây trong suốt như pha lê, nằm trong một bàn tay mũm mĩm của một đứa trẻ thơ đang xoè ra che kín cả bầu trời. Bất chợt gã cúi gập người. Những nghiêm khắc, trìu mến, buồn đau, mất mát, rượu, máu, nước mắt… ào ạt tuôn qua khoé miệng.

Truyện ngắn của Nguyên Quân

“Những sợi dây trong suốt như pha lê, nằm trong một bàn tay mũm mĩm của một đứa trẻ thơ đang xoè ra che kín cả bầu trời”. Những sợi dây tựa như dây điều khiển con rối? Hay những sợi dây số phận? Biểu tượng thật đa nghĩa. Nhưng có thể, nó là một an ủi cho nhân quần, đang phải vật lộn với cuộc sống chứa đầy các bi kịch cá nhân, như nhân vật của truyện ngắn này.

Tiếp điểm cuối cùng ảnh 1

Nguyên Quân, tên thật là Bùi Tự Tạo. Sinh sống ở Huế. Đã in các tập thơ Tĩnh vật đêm, Viết bên hộ thành hào, Thơ tự chọn,... Ở văn xuôi anh có Vòng tay tượng trắng in năm 2006; Hoạt phố (2011).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG