Tiểu thuyết tình ái Trung Quốc thoái trào

Tiểu thuyết tình ái Trung Quốc thoái trào
Tiểu thuyết tình ái là một điểm nóng của tiểu thuyết Trung Quốc trong nhiều năm qua mà những khái niệm tương quan là "tiểu thuyết tình yêu", "tiểu thuyết sắc tình", "tiểu thuyết hôn nhân và tình yêu" v.v...
Tiểu thuyết tình ái Trung Quốc thoái trào ảnh 1

Xuân Thụ - một trong những đại diệncủa thế hệ các nhà văn 8X Trung Quốc.

Loại tiểu thuyết này quan tâm, chú ý tới xung đột cơ bản giữa tình yêu và luân lý, tình yêu và hôn nhân, tình yêu và đạo đức, tình yêu và dục vọng, tình yêu và tình dục, tình dục và đạo đức, dục vọng và nhân tính...

Khai thác tính dục

Trước đây mấy năm, một số nhà văn thuộc thế hệ 8X được gọi là "nhà văn của tiểu thuyết dục vọng hoá" do họ sốt sắng khai thác tầng dục vọng của nhân tính rồi hoà trộn với ảo tưởng kim tiền ở thời đại thương nghiệp.

Những choáng váng về mặt tinh thần và âm thanh huyên náo của dục vọng nảy sinh ở những tác gia trẻ cùng lúc với làn sóng thương nghiệp là hành động phản kháng trọng đức khinh tình, trọng đức khinh dục vọng, trong văn học thời những năm 50-60 và cũng là biểu hiện trực tiếp tâm thái nôn nóng trước kinh tế thị trường trong tiểu thuyết. Sáng tác dục vọng hoá sau đó còn được giới lý luận diễn dịch thành "sáng tác thân thể".

Lối tự sự bằng thân thể đã được buông thả chẳng khác gì con bạch tuộc tung hết vòi, mọi cảm quan đều được thả lỏng với tính chất "toạ chi" trong không gian tự do trước đây chưa hề có. Nói "toạ chi" bởi vì trong tiểu thuyết thân thể dục vọng hoá ấy, mức dục vọng đã vượt cả khả năng vốn liếng của tự thân tác giả. Điển hình nhất là nhóm tác giả viết về "nửa dưới thân thể" xuất hiện sau đó ít lâu, họ đã đẩy sáng tác thân thể tới mức độ tận cùng, tách rời hẳn với nội dung xã hội rộng lớn, thậm chí vượt qua cả lý luận tiềm ý thức của Freud khi phân tích tinh thần.

Ở số truyện này, tiềm ý thức biến thành ý thức tính dục trần trụi, chỉ còn lại nội dung tính dục, thân xác là trên hết, tính dục là trên hết, thay thế cho tính phong phú của văn học. Phải thừa nhận đó là một sự phát hiện về thân thể sau nhiều năm bị che đậy, song bản thân thân thể là da thịt và hàm lượng nội tại của da thịt, chỉ có mức độ.

Nội hàm thực sự của da thịt không phải là bản chất của tính người. Viết về thân thể và do đó dẫn tới viết về nửa dưới của thân thể tuy trở thành mốt được ưa chuộng, thậm chí rất kích thích bạn đọc, nhưng nguồn thân xác có hạn ấy không thể khiến nhà văn cứ viết mãi được, vì vậy loại sáng tác dục vọng hoá này tất nhiên dần dần thoái trào.

Sự trở về

Tiểu thuyết tình ái năm 2005 dường như đã chứng tỏ sự thoái trào đó, mặc dù dấu vết của dục vọng vẫn còn. Thân xác cũng thường xuyên có mặt nhưng đã bị một số tiểu thuyết tình ái kêu gọi tình cảm chân thực, theo đuổi tình yêu chân chính dần dần làm cho nhạt nhoà. Sự chuyển hướng này trong sáng tác của nhà văn nữ càng nổi bật.

Sáng tác của Phương Phương, Nghiêm Ca Linh, Trì Tử Kiến, Tu Nhất Qua, Cầu Sơn Sơn, Kiều Diệp, Trương Tuệ Mẫn, Diệp Mai... đã vượt ra khỏi ảnh hưởng của sáng tác về dục vọng, tái hiện tình cảm chân thực trong những tác phẩm viết về hôn nhân, gia đình và tình yêu. Trong số những nhà văn nữ kể trên, Tu Nhất Qua và Kiều Diệp là hai nhà văn trẻ, có thực lực, mới nổi lên vài năm gần đây. Tác phẩm của họ có nhiều góc cạnh, xung đột gay cấn, éo le nhưng đều toát lên tình cảm chân thành ấm áp giữa người và người (Có một loài cây lá đỏ về mùa xuân của Tu Nhất Qua, Sưởi ấm của Kiều Diệp).

Sáng tác  về đề tài tình ái của nhà văn nam cũng có những sắc thái mới tương tự các nhà văn nữ, nhân vật chính gắng vượt khỏi bùn lầy của cuộc sống, vươn tới tinh thần thuần khiết và cao thượng trong khi dục vọng vật chất tràn ngập đời sống như hiện nay. Truyện Cây gỗ xấu hổ của Tôn Xuân Bình, Thành phố của hạt gạo của A Ninh, Nữ tài xế taxi của Y Hướng Đông, Vũ khúc Hungary của Dư Trạch Dân... là những tác phẩm kêu gọi sự chân thành và tốt đẹp như thế.

Có thể nói tiểu thuyết tình ái Trung Quốc sau khi phá rào tìm kiếm nét mới thì nay đã bắt đầu trở về nhà.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.