Tìm mẫu Quốc phục, sẽ dễ dàng hơn?

Tìm mẫu Quốc phục, sẽ dễ dàng hơn?
TP - Sau hơn 10 năm tìm tòi, họa sĩ - nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ khai trương triển lãm trang phục dân tộc tại Thành cổ Hà Nội, cuốn “Lịch sử trang phục Việt Nam” của ông cũng sắp ra mắt.

Dự án được Quỹ Ford Grants tài trợ 3.000 USD. Đây có thể là gợi ý để hình dung về Quốc phục VN, phác nên mẫu Quốc phục phù hợp với những hội nghị quốc tế cũng như lễ hội lớn của quốc gia.

Trò chuyện với Tiền Phong, ông Vũ nói:

Hồi làm nghiên cứu sinh ở Đức, tôi thấy những tư liệu thuộc lịch sử nước mình, họ lại có, trong khi mình mải miết tìm, chẳng hạn tài liệu về trang phục dân tộc. Họ lưu trữ rất tốt tài liệu liên quan lịch sử VN từ TK 16 - TK19.

Nhiều tài liệu phương Tây ca ngợi Thăng Long rất ghê, thậm chí ví với Venice. Họ khen mà ta lại không thấy, nên ta phải đi tìm.

Năm vừa rồi tôi đã công bố hình ảnh và mô tả kinh thành Thăng Long trên mặt đất, do người phương Tây vẽ hiện đang triển lãm tại Điện Kính Thiên (Thành cổ HN). Những tài liệu đó đủ cho ta thấy tầm vóc kinh đô Thăng Long.

Thưa ông, cuốn “Lịch sử trang phục Việt Nam” chính xác khi nào ra mắt?

Cuối năm nay. Khoảng 1.200 trang và 600 hình ảnh.

Tìm mẫu Quốc phục, sẽ dễ dàng hơn? ảnh 1
Ông Trịnh Quang Vũ

Ông chỉ được tham vấn khi người ta dựng tượng đài nhân vật nào đó, chứ không có vai trò trong chuyện trang phục nói chung hoặc Quốc phục nói riêng?

Đấy là chuyện của lãnh đạo. Một thời kỳ, chúng ta phản đế phản phong, nên chống luôn cái áo the khăn xếp. Đấy là áo năm thân, vua và thường dân mặc giống nhau, chỉ khác nhau về họa tiết thôi.

Khoảng cách vua chúa và dân chúng không ghê gớm như người ta tưởng. Thời Lý có áo choàng vạt, thực ra cũng từ áo năm thân mà ra, phân biệt tầng lớp bằng dài hay ngắn tính từ dưới đất lên. Dài là quý tộc.

Gần đây, có nhiều ý kiến về việc chuẩn bị quốc phục cho đại biểu dự APEC cuối năm nay tại VN. Theo ông, nếu có, quốc phục phải như thế nào?

Trước đây, tôi có xem một mẫu áo do cô Minh Hạnh làm, hơi buồn cười vì lấy mẫu áo long bào. áo này mặc khi lâm triều, rất dài, có sóng dưới gấu, rồi đến long mã và phía trên là rồng. Bây giờ ta làm va-rơi, ngắn đi, cái hoa văn sóng nó lại kéo lên trên, thế là hỏng rồi.

Mặt khác, nó là áo của vua, dùng cho các nguyên thủ thì không phù hợp.  Mà chúng ta làm cái gì dính đến trang phục truyền thống cũng có “vấn đề”. Đêm hội Long Trì đấy, vua gì mà như địa chủ, ngồi sập, tam đa. Vừa rồi, xem Ngọn nến hoàng cung, lại gặp vua Bảo Đại rót trà từ cái ấm như ở chợ Đồng Xuân hay Bát Tràng. Thật tủi cho phim cổ trang VN.

Trong sách của ông có phác lại nghi chế vi hành của vua chúa VN. Ông có thể cho biết một số chi tiết?

Đoàn vi hành rất dài, voi ngựa, cờ, lọng, và có thể đến hàng nghìn người. Hãy tưởng tượng đời Lê Hoàn, nhà vua vi hành thế nào nhé: Bên tả 500 quân, bên hữu 500 quân, 600 lá cờ (tiền quân, trung quân và hậu quân mỗi thứ 200 lá), có cờ mở đường, cờ khóa đường, cờ long, cờ phượng, cờ tứ phương, cờ ngũ hành, cờ nhị thập bát tú, cờ vân cẩm…

Sau Lê Hoàn, nghi chế vi hành của các vua còn phức tạp hơn. Triều Nguyễn vi hành nhiều voi, trên bành voi có lính cầm giáo phóng hỏa, súng thần công, trải thảm Ba Tư…

Ông có nghĩ tranh cãi sẽ xảy ra khi sách phát hành?

Tôi chia ra từng thời kỳ và chứng minh từng thời kỳ người ta mặc cái gì, mặc như thế nào. Chứng minh bằng văn bản thì dễ, nhưng bằng hình ảnh mới quan trọng. Thật may mắn, tôi có được bia chạm khắc phù điêu hoặc trang phục. Và một điều không thể thiếu, là cứ liệu khảo cứu từ những ngôi mộ vua cho đến vương phi, quận chúa.

Mộ cổ nhất là của Quận chúa Trần Thị Ngọc Dung, khai quật cách đây 50 năm ở Thanh Hóa. Sau đó là mộ Vua Lê Dụ Tông. Dù mục nát, nhưng tôi đã giải mã được.

Thời Hùng Vương, tôi cũng có thể phác họa. Thời ấy họ đã dùng vàng, ngọc, hổ phách, vải thêu. Cuốn sách này tôi đã bảo vệ đề tài cấp Bộ, không chỉ là trang phục, vì làm trang phục không thôi thì đổ ngay. Nó còn là dân tộc học, khảo cổ học, văn bản học, quan chế học, tôn giáo.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG