Tìm thấy tác phẩm “Việt Nam Quốc sử bình diễn ca” của Phan Bội Châu

Tìm thấy tác phẩm “Việt Nam Quốc sử bình diễn ca” của Phan Bội Châu
"Việt Nam Quốc sử bình diễn ca" của cụ Phan Bội Châu sau gần tám mươi năm lưu lạc, sẽ được xuất bản năm 2005. Điều khá đặc biệt là tập bình diễn ca này được những người từng sống với cụ Phan ghi nhớ và chép lại...

Theo PGS.TS sử học Chương Thâu, nguyên cán bộ Viện Sử học Việt Nam, người đã có hơn 50 năm nghiên cứu về Phan Bội Châu, thì Việt Nam Quốc sử bình diễn ca (1927), thực chất là bản diễn ca chữ Nôm của bản Việt Nam Quốc sử khảo- chữ Hán đã được xuất bản ở Nhật Bản từ năm 1909.

GS cho biết: “Trong những năm cuối đời, khi bị giam lỏng ở Bến Ngự, Huế, cụ Phan đã đem tác phẩm Việt Nam Quốc sử khảo dịch ra tiếng Việt theo thể văn vần song thất lục bát, cũng gồm đủ 10 chương như nguyên bản chữ Hán”.

Năm 1929, cụ Phan công bố trên báo Tiếng Dân nhưng mới đăng được một kỳ thì bị Tây kiểm duyệt bỏ, nên toàn bộ tác phẩm này chưa được công bố.

GS Chương Thâu bắt đầu nghiên cứu Phan Bội Châu từ năm 1956, khi còn là giảng viên Khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Ông cho biết, năm 1967, có dịp về Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) ông may mắn được gặp cụ Nguyễn Văn Vinh lúc đó là giáo viên cấp II và cụ Nguyễn Thị Sinh là vợ sau của cụ Vương Thúc Oánh - vốn là con rể cụ Phan, là những người thuộc nhiều đoạn trong Việt Nam Quốc sử bình diễn ca.

Trong vở ghi chép “Thơ, văn Phan Bội Châu” của cụ Nguyễn Văn Vinh có chép trọn một tiết của chương thứ năm cuốn Việt Nam Quốc sử bình diễn ca dưới đầu đề “Dân trí nước ta thật đáng thương”.

Cụ Nguyễn Thị Sinh thì chỉ nhớ được một phần ở tiết của chương thứ sáu về những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm thất bại để đọc cho GS Chương Thâu chép như Triệu Ẩu, Phùng Hưng, Lý Bí, Mai Hắc Đế, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị. Đoạn sau cụ quên.

Và cũng năm đó, GS Chương Thâu tin chắc một điều rằng, Việt Nam Quốc sử bình diễn ca của cụ Phan sẽ không mất, bởi cụ Vinh có cho biết một nhà giáo là Vương Kính, ở Sa Nam (Nam Đàn) cũng sưu tầm được nhiều chương, đoạn của tác phẩm này. Nhưng vào thời gian đó ông Vương Kính đang đi dạy xa nhà nên GS Thâu không tìm gặp được.

GS Vương Lộc - cán bộ công tác ở Viện Ngôn ngữ học về hưu, hiện sống ở khu tập thể Thành Công - Hà Nội, là anh trai của nhà giáo Vương Kính cho biết: Khoảng năm 1973, GS được ông Vương Kính cho hay có sưu tầm được nhiều chương, đoạn bình diễn ca từ những người từng có thời gian sống với cụ Phan, những lão thành cách mạng như cụ Phan Đình Đồng, Hồ Sĩ Thiệu, Lê Văn Thông... nhưng cần thẩm định thêm để khẳng định đó là tác phẩm của cụ Phan Bội Châu.

Nhân đi tìm tư liệu về cụ Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng Dân, GS Vương Lộc đã tình cờ đọc được bài “Độc sử cảm ngôn” ký tên Phan Bội Châu (ngày 18/7/1929). Đem về đối chiếu lại bài này với cuốn Việt Nam Quốc sử khảo đã được GS Chương Thâu phiên dịch ra tiếng Việt (NXB Giáo dục, 1962), GS Vương Lộc nhận ra đây là một đoạn diễn ca của Việt Nam Quốc sử khảo.

Từ đấy khẳng định cụ Phan Bội Châu đã diễn ca cuốn Việt Nam Quốc sử khảo của mình bằng chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Từ đây ông Vương Kính có dịp để so sánh, đối chiếu giúp khớp lại từng chương, đoạn mà mình sưu tầm được để hoàn thiện cuốn Việt Nam Quốc sử bình diễn ca. GS Vương Lộc cho biết, đã có nhiều người dân thuộc những chương, đoạn dài của Việt Nam Quốc sử bình diễn ca. Và chính họ đã giúp tác phẩm này được tìm lại một cách khá đầy đủ, trọn vẹn.

Ông Vương Kính, 70 tuổi, hiện sống ở thị trấn Sa Nam (Nam Đàn) ngoài đi dạy còn sáng tác thơ, văn. Theo ông, một điều hết sức thú vị là cụ Phan đã trực tiếp diễn Nôm, biến một tác phẩm văn xuôi thành một tác phẩm văn vần, được viết theo thể song thất lục bát, gồm 4.181 câu. Tác phẩm đề cập nhiều vấn đề lịch sử, địa dư, kinh tế, xã hội... có quan hệ đến Quốc sử. Nhiều trang viết lý thú, kết hợp chặt chẽ giữa diễn với bình nhằm tuyên truyền, giáo dục, động viên mọi người đứng lên diệt thù, cứu quốc.

Gần đây ông Vương Kính đã có nhã ý chuyển lại toàn văn bản Việt Nam Quốc sử bình diễn ca cho Tạp chí Huế xưa và nay để công bố ở Huế, nơi tác phẩm quan trọng này của cụ Phan ra đời (nhưng chưa hề được xuất bản).

Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế - Tạp chí Huế xưa và nay đã có kế hoạch cùng với Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế xuất bản cuốn Việt Nam Quốc sử bình diễn ca trong năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày mất của cụ Phan Bội Châu (1940-2005).

“Giới thiệu Việt Nam Quốc sử bình diễn ca, chúng ta hết sức mừng khi có trong tay mình một tập bình diễn ca quốc sử của Phan Bội Châu khá đầy đủ và trọn vẹn mà lâu nay lưu lạc, thất truyền. Mừng hơn khi thấy trước khối lượng tác phẩm vốn đã rất đồ sộ của cụ Phan nay có thêm một tác phẩm văn - sử giá trị” - ông Vương Kính nói.

Người làm công trình Phan Bội Châu Toàn tập như GS Chương Thâu cũng mới chỉ sưu tầm được chưa đầy một phần ba tác phẩm Việt Nam Quốc sử bình diễn ca. GS tâm sự, ông đang chờ đợi được thưởng thức toàn văn tác phẩm này do ông Vương Kính sưu tầm và lưu giữ bấy lâu nay sắp xuất bản.

MỚI - NÓNG