Tin tưởng ở hiện tại và tương lai

Tin tưởng ở hiện tại và tương lai
TPCN - Tôi làm việc ở báo Tiền Phong từ năm 1976, đến năm 2006 này là chẵn 30 năm, trong đó có 20 năm (từ 1985) theo dõi phần văn học nghệ thuật...
Tin tưởng ở hiện tại và tương lai ảnh 1

Với tuổi trẻ, chẳng có vùng nào là vùng cấm, họ muốn thử sức trên mọi lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất nhưng cũng khó khăn nhất là văn chương.

Tôi đồ rằng, có lẽ phải đến 90% những người trẻ từng ngồi trên ghế nhà trường đã ôm mộng văn chương và nếu tính số người đã hơn một lần... làm thơ thì hẳn phải tròn trịa 100%?

Tuy rất gần gũi với thơ nhưng truyện ngắn có những đặc trưng riêng, những khó khăn riêng khiến người ta ngại ngần hơn khi cầm bút. Điều này gần như là một đặc tính Việt: mấy ngàn năm văn chương truyền miệng và hơn một ngàn năm văn viết Hán - Nôm, người ta quen với thơ, thích thơ, sùng bái thơ hơn là văn xuôi.

Truyện ngắn (theo nghĩa hiện đại) chỉ manh nha vào cuối thế kỉ XIX cùng với sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ và thực sự có hình hài với những tác phẩm hiện thực của Nguyễn Công Hoan trong tập “Kép Tư Bền”  (1935).

Nhưng chạy đà dài thì cú nhảy càng ngoạn mục: chỉ trong khoảng hơn chục năm (tính đến 1945), văn học ta đã có những “cây” truyện ngắn đặc sắc, vừa phong phú, vừa lực lưỡng với giọng điệu không thể lẫn: Thạch Lam, Nam Cao, Nguyên Hồng,  Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tam Kính, Kim Lân...

Từ cái nền rất vững ấy, truyện ngắn Việt Nam tiếp tục phát triển qua hai cuộc chiến tranh cho đến ngày nay, thời kì nào cũng có những tên tuổi đáng chú ý: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Lê Vĩnh Hòa, Nguyễn Thi, Anh Đức, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê,  Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh...

Một thoáng “hồi cố” như vậy để thấy rằng, khi một bạn trẻ cầm bút viết truyện ngắn, dù tự giác hay không, anh ta (chị ta) đã được thừa hưởng phần “hương hỏa” của bao lớp người đi trước.

Điều đó giải thích tại sao những tác phẩm thường là đầu tay của một tên tuổi lạ lẫm được đăng tải trên Tiền Phong cũng có cái vẻ chững chạc đáng ngạc nhiên. Nhiều tác giả trẻ, chỉ qua một cuộc thi, đã trở thành những tên tuổi được bạn đọc mong đợi. Đó là trường hợp của các nhà văn Ngô Tự Lập, Nguyễn Thị Thu Huệ, Huỳnh Thạch Thảo, Trần Văn Thước...

Đề tài nào được các tác giả truyện ngắn trên Tiền Phong quan tâm nhất? Tất nhiên là tình yêu! Cái thứ tình cảm vô hình và dường như phù phiếm này chưa bao giờ thôi ám ảnh, hành hạ loài người, nhất là những người trẻ.

Có lần, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Văn nghệ, tôi đã phát biểu không do dự: tình yêu cũng mang tính thời sự, như chính trị, kinh tế và mọi cung bậc tình cảm khác.

Chúng ta ngày hôm nay yêu nhau khác nhiều lắm với thời cha mẹ, ông bà ta. Chỉ khác thôi, không ai dám so sánh hơn kém. Đừng tưởng ông bà mình lúc nào cũng rụt rè, rón rén:

Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay  chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng sẵn lối nhưng chưa ai vào.

Đôi khi các cụ cũng sấn sổ, “đi tắt”, thẳng băng hơn cả thơ... Vi Thùy Linh bây giờ:

Gặp đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này: có lấy anh không?

Nhưng dù sao, qua các truyện ngắn trên Tiền Phong, cũng có thể thấy nhìn chung, tình yêu thời hiện đại đậm màu sắc dục hơn những gì ta được đọc trong quá khứ. Như trường hợp Nguyễn Thị Thu Huệ chẳng hạn?

Huệ xuất hiện từ cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ 2 (1992 - 1993) do Tiền Phong và Trường viết văn Nguyễn Du tổ chức, đoạt giải Nhì. Ngay lập tức, Huệ được bạn đọc và các nhà làm sách chú ý.

Những tập truyện ngắn của Huệ như “Hậu thiên đường”, “Nào ta cùng lãng quên”... liên tiếp ra đời rồi được in đi in lại, tuyển đi tuyển lại. Nguyễn Thị Thu Huệ cùng một loạt tên tuổi khác như Võ Thị Hảo, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy... làm nên cái gọi là “Khuynh hướng thiên nữ” trên văn đàn mươi năm lại đây.

Các truyện ngắn của họ, hoặc đậm hoặc nhạt, đều có đề cập đến vấn đề tính dục. Đề cập thẳng thắn, công khai, không rào đón, che đậy nhưng vẫn biết tự giới hạn. Đây chính là một sự thay đổi, thậm chí là một bước tiến của văn học ta, trong xu hướng phản ánh hiện thực một cách ngày càng sâu sắc...

Thôi không dẫn các tác giả thành danh, chỉ dẫn một vài tên tuổi còn lạ lẫm có trong tập sách này. Một Đỗ Doãn Hoàng sành sỏi trong thể bút kí nhưng còn thưa thớt trong truyện ngắn. Hoàng có lối dựng truyện bề bộn chi tiết, hơi văn ngang tàng tưởng như tuỳ tiện nhưng vẫn giằng níu liền mạch bằng mối tình của một anh Nguyện - chị Hoa nào đó.

Đôi bạn này không thể đi với nhau đến hết cuộc đời chỉ vì sự ghen tuông, đôi khi thật vô lối, của anh đàn ông, sự ghen tuông được chính tác giả, cũng đàn ông, đồng tình “Tôi, con một ông lão họ Đinh, người dân tộc Mường, không sao hình dung được, người ta lại có thể kẹp hai quả trứng vào một cái bánh mì, dùng cho một bữa sáng...”!

“Tình yêu ban trưa” của một tên tuổi lạ khác, Nguyễn Tân Cảnh, lại có sự lọc lõi pha hài hước, nhưng nhìn chung là một cái nhìn bi quan về hôn nhân và phụ nữ. Cái cảnh anh đàn ông đi ăn vụng về nhà bỗng dưng sinh ghen tuông gằn hắt vợ mới thật oái oăm “Một lần anh hỏi: Với chồng em, em cũng xử sự như vậy à? Nàng cười ngất: Anh điên không, anh đâu phải chồng em... Anh tưởng đó cũng là chuyện vu vơ, nhưng đêm lại về ở với vợ anh mới thấy lòng bị xáo động. Nửa đêm, lúc vợ đang ngủ say, anh bỗng ngồi bật dậy trong bóng tối, nhìn mãi gương mặt vợ chìm trong bóng tối, tự hỏi vợ mình có tình nhân không, vợ mình có làm như thế với người đàn ông nào không...”.

Nhân vật đàn ông ở đây, và nhiều truyện khác, thật là thảm hại! Nhưng các nhân vật nữ, của những cây bút nữ, lại có những phương diện khác. Hãy lấy một truyện của Đỗ Hoàng Diệu, cây bút đương gây ồn ào bằng những truyện ngắn quá sex của mình.

“Tình chuột” của Diệu có vẻ “hiền lành” hơn rất nhiều so với “Bóng đè” của chính cô, nhưng cũng khác xa cái thuở cô được giải trong cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ nhất (1991).

Nhân vật cô gái (em) sao mà yếu đuối, bất lực, buông thả một cách tội nghiệp, thậm chí đáng giận. Nhưng đặt cạnh những nhân vật đàn ông (anh, Phừng và một lũ chuột khác) cô vẫn khả thủ hơn nhiều, đáng thương chứ không đáng ghét, thậm chí không đáng bị lên án.

Kẻ bị lên án là đám đàn ông kia và những gì hậu thuẫn cho họ. Đỗ Hoàng Diệu bắt đầu với một truyện ngắn khá nhẹ nhàng trên Tiền Phong và cô đã âm thầm sống và viết, chọn cho mình một cách để nổi lên trên biển người, biển văn đầy bất trắc nhưng cũng rất công bằng.

Có thể coi sự trở lại của Diệu với “Bóng đè”, “Tình chuột”... là một show khá ngoạn mục, chỉ lo những sự tung hứng quá mức của một đám các “nhà” thích chăn dắt, vì những động cơ ngoài văn học, rất dễ làm hỏng một ngòi bút còn ít kinh nghiệm với sự nổi tiếng?

Truyện ngắn trên Tiền Phong không tự giới hạn ở những sáng tác đầu tay. Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Đức Tiến, Trần Thùy Mai..., cả Nguyên Hồng thời hai mươi (trong Di cảo) cũng không phải là khó gặp trên tờ báo của tuổi trẻ.

Trẻ, không thể là quá khứ, trẻ bao giờ cũng thuộc về tương lai. Viết về tuổi trẻ chính là một sự tin tưởng ở hiện tại và tương lai. Đấy là điểm chung hội tụ các cây bút thuộc nhiều thế hệ cùng có mặt trong cuốn sách đầu tiên này và hi vọng còn nhiều cuốn khác nữa.

 22/11/2005

MỚI - NÓNG