Tính dục - “lằn ranh đỏ mong manh”

Tính dục - “lằn ranh đỏ mong manh”
TP - "Cà phê sách tháng 3" do Cty sách Phương Nam tổ chức tại TPHCM chiều 28/3 thu hút nhiều nhà văn và độc giả quanh các tác phẩm của Vương Tiểu Ba- “ông vua viết về tính dục” của Trung Quốc.

Các tác phẩm của ông vừa ra mắt độc giả VN là: Tiểu thuyết Thời hoàng kim, Tình yêu thời cách mạng, Hồng Phất chạy trốn trong đêm và nhiều tạp văn

Tính dục - “lằn ranh đỏ mong manh” ảnh 1

Sự nghiệp gói gọn khoảng 5 năm, ngày 11/4/1997, Vương Tiểu Ba đột ngột gục chết trước màn hình máy vi tính vì bệnh tim ở tuổi 45.

Vương Tiểu Ba sinh 1952 tại Bắc Kinh trong một gia đình trí thức. Năm 1968 trong Đại Cách mạng văn hóa, ông phải về lao động ở vùng nông thôn tỉnh Vân Nam, năm 1971 chuyển đến Sơn Đông làm giáo viên rồi trở về Bắc Kinh, làm việc tại một nhà máy nhỏ. Những giai đoạn này đều được ông phản ánh trong các tác phẩm.

Gửi tham luận từ Hà Nội, nhà văn Lưu Sơn Minh cảm thán Gian hùng thay, Vương Nhị! (tên nhân vật của Vương Tiểu Ba):

“Đến tận khi cầm cuốn Thời hoàng kim tôi mới biết tên biết mặt một “anh” Vương Tiểu Ba. Lâu nay, mình cứ chỉ luôn miệng nhắc nào là Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, nào là Giả Bình Ao, Dư Hoa… Đến nay vớ được Vương Tiểu Ba, không thể không xem”.

Cái sự hài hước đặc biệt của Vương Tiểu Ba quyến rũ người đọc, hay nói cách khác bằng hài hước, ông phản ánh sự “chống hài hước”. 

Nhà văn Nhật Chiêu tâm đắc với tiểu thuyết Hồng Phất chạy trốn trong đêm: “Hồng Phất làm đơn xin tự tử vậy mà chỗ này duyệt, chỗ kia đòi phê rất lằng nhằng như nhân vật của Kafka đi tìm tội của mình mà không thấy tội đâu”.

Nhà thơ Inrasara thì nhấn mạnh tình huống phải viết kiểm điểm vì chuyện “lăng nhăng” giữa Vương Nhị và cô Dương trong Thời hoàng kim: “Cái quan hệ rất riêng tư ấy bị đưa lên sân khấu kiểm điểm từng cặp từng cặp như xem tiết mục văn nghệ”. Trong bản kiểm điểm, người ta còn không cho họ nói là làm tình mà phải nói là “gây án”!

Truyện ngắn Tình êm như dòng nước của Vương từng được dựng thành phim Đông cung Tây cung với bối cảnh là câu chuyện trong một đêm giữa nhà văn trẻ đồng tính và viên cảnh sát cũng có vấn đề về giới tính. Phim bị cấm chiếu tại Trung Quốc, đạo diễn Trương Nguyên bị bắt giam… nhưng sau đó Đông cung Tây cung vẫn gây được ấn tượng mạnh tại LHP Cannes 1997.

Đạo diễn Lê Hoàng phản biện: “Chuyện của ông cũng bịa nhiều, tư tưởng chỉ đọng ở vài câu thôi. Tôi cứ sợ là người ta đã nói cả rồi, làm cả rồi và qua lâu rồi mà bây giờ chúng ta còn tung hô”…

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh không đồng tình: “Ý nghĩa lằn ranh đỏ mong manh đề cập ở đây là làm thế nào viết về tính dục mà không thô, nói thẳng được mà vẫn hay. Ý anh nói tác giả đã chết 10 năm rồi sao giờ mới moi lên để tung hô chăng? Có những người chết lâu rồi tác phẩm mới được lục lại và bán rất chạy”.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: “Lằn ranh mong manh ở đây theo tôi là phải làm sao để văn chương trau chuốt và đẹp hơn. Tôi không thích cách viết trần trụi như thơ của Đỗ Kh…”.

Viết về tính dục nhưng Vương Tiểu Ba không bị “mất bình tĩnh” kiểu văn học linglei, không cố du nhập tinh thần khoái hoạt của tình dục trong văn học phương Tây để tạo ra những khoái cảm nhân tạo gượng ép.

Một độc giả chia sẻ rằng lâu nay chúng ta… ăn chay lâu quá, viết nhiều về tính dục không phải là giải pháp mà là một cách phản ánh mong muốn được giải phóng tư tưởng, sống đúng bản năng.

Dịch giả Lê Thanh Dũng người đã dịch các tác phẩm của Vương Tiểu Ba gửi đến một tuyên ngôn của Vương Tiểu Ba khá giản dị: “Ngoài văn học ra, tôi không biết ở đâu người ta có thể tiếp nhận những ý nghĩ kỳ cục của tôi. Dựa vào văn học có thể tìm cho mình một chỗ đặt chân trong đám người của mình. Có chỗ đặt chân rồi là có thể tấn công cái đám đó”.

MỚI - NÓNG