Tinh thần Quảng Bá sao đây? - TPCT

Tinh thần Quảng Bá sao đây? - TPCT
TP - Vui vẻ chấp nhận và khắc phục khó khăn, chỉ vì cái tên gọi âm vang “Quảng Bá”! Thế mà hai khoá học qua, học viên vẫn chỉ tập trung học ở Trụ sở Hội Nhà văn, còn việc ăn ở thì… khắp mọi nơi mà không là Quảng Bá! Một số bạn văn than rằng muốn được là học viên Quảng Bá cơ!
Tinh thần Quảng Bá sao đây? - TPCT ảnh 1
Học viên lớp bồi dưỡng viết văn khóa 1

Mấy hôm nay, điện thoại tôi thỉnh thoảng lại reo lên tín hiệu những cuộc gọi hoặc tin nhắn. Ấy là từ các bạn đang theo học khoá 3 Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam vừa khai mạc trung tuần tháng 6/2009. Các bạn san sẻ niềm vui được “tiếp tục truyền thống trường viết văn Quảng Bá” ngày xưa.

Vâng, Trường Quảng Bá (sau đó là Trường Viết văn Nguyễn Du) là tên gọi thiêng liêng, tự hào của giới sáng tác văn học cả nước. Từ những ngày cam khổ chiến tranh, nơi đây đã là “lò” đào tạo ra biết bao nhà văn, nhà thơ tài năng và cả anh hùng! Nhiều người đã là rường cột của nền văn học nước nhà trong thời điểm hiện tại.

Năm 2007, Hội Nhà văn Việt Nam có ý khôi phục lại mái trường truyền thống ấy với tên gọi mới: Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Tôi được may mắn tham dự khóa 1 năm ấy. Hôm nay, từ những thông tin của bạn bè khóa 2 và khóa 3, chợt bâng khuâng đôi điều cảm nghĩ.

Như đã nói, Hội Nhà văn Việt Nam khôi phục lại lớp học ấy, là nhằm ý nghĩa tiếp tục “nối dài” tinh thần, truyền thống văn học từ những thế hệ trước. Và cũng vì nôn nóng thực hiện ý tưởng tốt đẹp ấy mà Hội đã triệu tập học viên khoá 1 khi cơ sở Trung tâm chưa kịp hoàn thiện khâu xây dựng. Anh chị em ở xa Hà Nội tụ về bỗng dưng trở thành… “lang thang cơ nhỡ” giữa thủ đô đến cả tuần lễ! Nhưng mà lại là niềm vui của mọi người, vì ai cũng cảm thông sự “nóng vội” này!

Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tranh thủ sử dụng gấp gáp khoảng 10 phòng tàm tạm ở được (chỉ bắt vội điện nước, chưa có trang thiết bị, thang máy, điều hoà, bàn ghế…) để giải quyết chữa cháy cho khoảng 20 học viên thuộc diện “đặc biệt khó khăn”. Số còn lại thì… tùy nghi di tản!

Tôi được may mắn là một trong số được ở tại Quảng Bá. (Xin mở ngoặc nói thêm về việc nhanh chóng bắt được tạm thời điện nước ấy là nhờ những cuộc điện đàm giữa nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - với đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội - Hai người là bạn học cùng khóa Quảng Bá ngày xưa).

Như đã nói, vì cơ sở chưa hoàn chỉnh, gặp mùa nắng nóng, lại leo lên leo xuống tầng 5 tầng 6 bằng cầu thang bộ, anh chị em quả thật là… bở hơi tai! Tội nhất các… “cụ” cao tuổi và ốm yếu. Tội nhì là các nữ sĩ “liễu yếu đào tơ” (lại còn có nữ sĩ bụng mang dạ chửa nữa kia)! Thế mà mọi sinh hoạt, giao lưu, học hành vẫn “thoải mái, nhẹ nhàng”, vui như ngày hội!

Phải “kể khổ” thêm cái khoảng ở thì Quảng Bá mà học tận Hào Nam! Đường đi về hai vòng đâu chừng… 20 cây số (!). Trong số anh chị em ở đây có 8 người mang theo xe máy. Hằng ngày giải quyết được cho 16 người đi về, số còn lại “chịu khó” đón xe buýt!

Các anh bên Thường trực, Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam sang thăm, chỉ trỏ cho biết đây chính là nơi đặt “đại bản doanh” trường Quảng Bá xưa. Nhưng cảnh sắc đã khác xưa rồi. “Thương hải biến vi tang điền” mà! Trước còn thoáng rộng, hoang sơ, nay đã chi chít nhà tầng nhà hộp. Trước, ngợp mắt những vườn đào vườn quất, nay lác đác đôi vuông đất hẹp ngẩn ngơ lạc lõng giữa phố phường! Trước, thoả sức dạo bước bên sóng nước Hồ Tây, nay thèm chút gió mát lành giữa bốn bề ngột ngạt v.v…

Nhưng mà với chúng tôi lại có niềm vui khác. Ấy là cảm giác mình đang được ở trên đất Quảng Bá, hít thở không khí ngày xưa lớp đàn anh đã thở, đắm hồn trong không gian ngày xưa cha chú đã từng…

Cảnh sắc xung quanh dẫu khác nhưng mặt đất dưới chân và bầu trời trên đầu vẫn là trời đất ấy. Một cảm xúc truyền lan ấm áp, êm đềm như luồng điện nhẹ gây gây trong tâm trí khiến ai cũng sẵn sàng chấp nhận khó khăn.

Vạn sự khởi đầu nan! Chúng tôi vui vẻ chấp nhận và khắc phục khó khăn, chỉ vì cái tên gọi âm vang “Quảng Bá”! Thế mà hai khoá học qua, học viên vẫn chỉ tập trung học ở Trụ sở Hội Nhà văn, còn việc ăn ở thì… khắp mọi nơi mà không là Quảng Bá! Một số bạn văn than rằng muốn được là học viên Quảng Bá cơ!

Nghĩa là họ muốn được ở, được học tại nơi phát tích ra cái đời sống tâm linh của một bộ phận quan trọng thế hệ văn học Việt Nam hiện đại. So ra thì chúng tôi đã được diễm phúc, may mắn hơn họ nhiều!

Một ngôi nhà tranh nhỏ của bà bủ Nguyễn Thị Gái ở Hạ Hoà – Phú Thọ, một xóm núi Mỹ Yên nơi nhà cụ bà Tạ Thị Vệ ở Đại Từ - Thái Nguyên, một ấp Đồi Cháy (xóm Cầu Đen) ở Tân Yên- Bắc Giang (nơi sau này nhà văn Nguyên Hồng quay trở lại sinh sống trọn đời)… đều được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam trang trọng xây bia lưu niệm một thời sơ tán kháng chiến và đều được ghi nhận là di tích lịch sử văn hoá, văn nghệ.

Đó chính là thể hiện cái cảm, cái nghĩa, cái tình, cái “tâm linh” của truyền thống Việt. Vậy, một góc đất thiêng Quảng Bá kia cũng là một “thánh địa” để những người cầm bút cả nước ao ước muốn tìm về!

Ba khóa học qua, có người tham gia hai khóa, thậm chí ba khoá liền! Điều này nói lên rằng ngoài nhu cầu học hỏi còn có cả nhu cầu “tâm linh” như đã nói.

Trong tưởng tượng của chúng tôi như vẫn còn thấy trên những nẻo đường Yên Phụ, Âu Cơ, Xuân Diệu… và các ngõ ngách ra vào khu Quảng Bá vẫn còn thấp thoáng đâu đó bóng dáng những Đốc Hồng (Nguyên Hồng), những Nguyễn Xuân Sanh… phụ trách trường, những nhà văn nhà thơ đáng kính từ đó ra đi, và cả những lãnh đạo cấp cao quan tâm đến thăm trường lớp của những ngày xưa cũ…

Ông bà ta có câu “sự bất quá tam”. Vâng, cái gì khó khăn trắc trở mấy thì cũng không đến nỗi để quá ba lần! Ba khóa rồi, “tinh thần Quảng Bá” sao đây?

Thời buổi cơ chế thị trường, ai cũng hiểu. Hội Nhà văn Việt Nam dùng Trung tâm Văn hoá nơi Quảng Bá - Hồ Tây làm dịch vụ là chính đáng. Nhưng có lẽ nên bố trí cho những khoá bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du do Hội tổ chức được ở và học tại chỗ thì ý nghĩa được nhân lên bội phần.

Biết rằng, áp lực rất lớn đối với Hội Nhà văn Việt Nam là mỗi khoá số lượng đăng ký dự học luôn quá tải với khả năng giải quyết của cơ sở Quảng Bá. Tuy nhiên, cũng không phải là không có cách xử lý, chí ít là đối với các hội viên đi học. Tôi tin Hội sẽ có phương án, không để anh chị em phải đợi chờ lâu.

MỚI - NÓNG