Tính toán thiển cận

Tính toán thiển cận
TP - Lương Dũ Thúc viết trong  “Nông Cổ Mín Đàm” năm 1901: “Cách đại thương (1) là có gan làm giàu. Coi người ta phí (2) là bao nhiêu tiền bạc mà không sợ mất, là vì người ta tiên liệu đại lợi kể chi sự phí.

Chớ như người bổn quốc ta, muốn cho thấy trước mắt có lợi mới chịu làm. Nếu đem đại thương mà sánh với bán hàng bông (3) thì bán hàng bông ắt thấy lợi trước mắt, hễ mua sớm mai thì chiều thấy lợi, còn mua chiều sáng thấy.

Chớ như đại thương thì ít nữa là năm năm còn nhiều hơn là mười năm mới thấy lợi. Song so lợi dễ thấy thì là lợi ít, còn lợi mà lâu thấy thì thật lớn lắm.

Người nước nào đều có ngay gian xấu tốt, họ không phải là tiên phật chi hơn mình. Song họ làm rồi thì quen, còn người mình không làm nên cứ nghi hoặc hoài mà thôi”...

Ngay từ thời xa xưa, khi tính toán hoặc làm bất cứ công việc gì, người Việt mình tuy không phải không biết tiên liệu hoặc lo xa để đề phòng vạn sự bất trắc, nhưng nhìn chung  việc tính toán ấy… không ít thì nhiều đều vướng mắc với cái nhìn khá “thiển cận”.

Nếu lấy tâm điểm là nông nghiệp thì từ xưa cha ông ta làm lụng trồng cấy theo kiểu manh mún, phân tán, không tạo được giá trị nông phẩm lớn.

Vì với ý nghĩ “chỉ cần đủ ăn” nên khó có thêm sáng kiến nào khác, hoặc du nhập từ nơi khác những cây trồng vật nuôi có năng suất hơn để tạo được vật phẩm tốt hơn, khá hơn… nói chi xa hồi ấy các miền Bắc, Trung, Nam đều có cây trồng chủ lực của từng vùng nhưng ít ai dám đem giống tốt từ vùng này mang đến vùng khác trồng.

Hoặc nếu có thì chẳng đáng kể, vì lẽ nông dân mình theo tập quán khá cổ hủ, hay dựa vào hàng xóm láng giềng hoặc bà con họ hàng khi làm bất cứ cái gì, để khỏi phải nhọc công bận tâm với sự phát triển trong thôn làng.

Lý do vì tâm lý an phận, không dám nghĩ đến điều mới lạ, hơn nữa nếu có làm thì lại sợ thất bại, sợ người chung quanh chê cười… nên ai có hành động khác người một chút cũng kể là “tiến bộ” lắm rồi.

Lúc xưa cũng có tầng lớp phú nông với ruộng vườn cò bay thẳng cánh được lưu truyền từ thời tổ tiên để lại, nhưng các điền chủ phần nhiều chỉ lo thu vén huê lợi mùa màng, tích cóp đầy kho thóc nhờ thuê mướn nhân công với giá rẻ, làm lợi cho mình… chứ chưa hẳn họ có sáng kiến đem lại ích lợi thiết thực cho dân làng, tuy cũng có nhiều phú nông đối xử tốt với người làm công… như thế tầng lớp này cũng thỏa mãn với cái họ đang sở hữu được, chứ chưa tạo động lực tốt cho quốc kế dân sinh.

Còn nếu thử bàn về nền thương mại hoặc công nghiệp, thủ công nghiệp thì hồi ấy vẫn mãi dậm chân tại chỗ, vì chính cái nhìn thiển cận của quan chức, kẻ có vốn liếng, người có học hành đỗ đạt… không dám nghĩ dám làm điều gì mới lạ, với bao lo sợ và phập phồng không biết kết quả rồi sẽ ra sao?

Sử sách có ghi nhận là nhà tư sản dân tộc lúc ấy chỉ có Bạch Thái Bưởi, là người có chí khí và gan làm giàu, muốn vực dậy nền thương mại để giao thương với các nước khác nhưng tiếc rằng người như ông lại quá ít ỏi và hiệu quả mang lại cũng chưa nhiều, để đem nước nhà đến phú cường thịnh vượng…

Trong thời đại ngày nay, khi kinh tế đã có bước phát triển và giao thương với các quốc gia trở nên dễ dàng hơn, thì chính cái tâm lý tính toán “thiển cận” của người Việt vẫn còn đó.

Vẫn còn quá ít tầng lớp doanh nhân biết sáng tạo những cái mới để mang lại lợi ích cho đất nước, mà chỉ chứng tỏ được sự hiện hữu trên thương trường là quá đủ.

Nhiều kế hoạch được vạch ra trên giấy tờ hoặc các buổi hội thảo nhưng khi áp dụng lại thiếu thực tế, rụt rè co cụm lại khi gặp trở ngại… Chung quy cũng chỉ chưa thể xác định năng lực và tài chính, chứ hãy khoan nghĩ đến việc tạo nhiều hiệu quả cho xã hội.

Tình trạng này đã bám sâu vào nhiều ngành hoạt động khác như xây dựng, giao thông công chính… hãy thử nhìn nhiều công trình công cộng khi thực hiện xong lại bị phá bỏ hay đào bới lên, nhiều nhà máy chưa hoạt động hiệu quả đã lỗi thời… hay như ở lĩnh vực nông nghiệp, khi cây trồng nào có giá trị thì nông dân đổ xô nhau trồng trọt, rồi lúc mất giá thì ào ào chặt bỏ, nên vẫn mãi chưa xác định cụ thể sẽ trồng cây gì ổn định… tất cả đều gây lãng phí lớn về sức lực và tiền của…

(1)Buôn bán lớn

(2)Bỏ tiền của ra sử dụng

(3)Bán hoa quả bông trái

Vương Hữu Thái
Bảo Lộc, Lâm Đồng

MỚI - NÓNG