Tô màu, kẻ biển và ông đồ chạy sô

TS Hán Nôm Cung Khắc Lược vừa hoàn thành bức thư pháp. Ảnh: Trung Dũng.
TS Hán Nôm Cung Khắc Lược vừa hoàn thành bức thư pháp. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Mồng bảy Tết, phố ông đồ vãn hẳn, cánh ông đồ rục rịch hạ lều. Vài cái lán đã trống, vài ông đồ bàn chuyện xuống Bái Đính cho chữ dù Ban tổ chức Hội chữ xuân quy định phục vụ nhân dân tới rằm tháng Giêng.

Vẫn tâm lý tiểu thương

Thưa vắng khách, mấy ông bà đồ chuyện vãn. Một người nhận định: “Mồng 6 còn vớt vát được ít. Từ hôm nay trở đi thì tùy duyên mỗi người, bắt tép nuôi cò thôi”. Một ông khác bảo năm nay đầu tư nhiều, từ lều lán đến giấy bút, chưa kể thời gian công sức, đến giờ mới hồi vốn. Xem ra có ý tiếc thời ngồi vỉa hè, lúc nào cũng sẵn khách đỗ xịch xe, hỏi mua chữ. Ông đồ Dương Tiến Dũng ngồi cách đó một quãng thì ví von: “Trước ngồi chợ cóc, nay lên siêu thị, trung tâm thương mại. Mà dân mình thích tiện đâu mua đó. So sánh cái chữ với cân thịt con cá thì không nên, nhưng năm nay nói chung vắng khách”.

Họa sĩ, nhà thư pháp Lê Quốc Việt nói: “Quan điểm như thế không phải của người làm văn hóa mà của cánh con buôn phe chữ. Làm văn hóa như đốt lên nén hương cho mọi người mùi thơm còn mình có thành tro tàn cũng được. Cứ nghĩ đốt ra vàng ra bạc thì vứt”. Anh khẳng định, Hội chữ đưa vào hồ Văn giúp vỉa hè Văn Miếu thoát khỏi cảnh xô bồ chợ búa, bỏ được thói quen mua chữ như mớ rau mớ cỏ “Phải thoát được cảnh người dân thuê mấy ông đồ kẻ biển, kẻ chữ phúc chữ lộc”, anh nói.

Lều của TS Hán - Nôm Cung Khắc Lược luôn đông người đứng. Họ nghe cụ nói chuyện về cái chữ, cái tâm của con người. “Hạnh phúc nằm ở tâm an nhiên, cầu chữ cũng là để tâm an”, cụ Lược nói.

“Ông đồ bản chất là ông giáo, văn hay chữ tốt, sở hữu tri thức làng xã. Cái chữ cho đi thể hiện tâm hồn, gửi gắm mơ ước cao xa. Cho nên những kẻ mang tâm lý chạy sô, nhăm nhăm bán chữ kiếm tiền không xứng đáng với danh xưng ông đồ”, anh Việt nhận định.

Khai bút kiểu “tập tô”?

Mấy hôm nay ì xèo việc các đại biểu (có quan chức cấp bộ, thành phố) khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (mồng 5 Tết) bằng cách “tô màu” lên bức thư pháp viết sẵn.

Ông Trần Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam là người phụ trách nhóm ông đồ cho chữ tại buổi hôm đó, đồng thời tham gia tổ chức lễ khai bút. Ông Chí giải thích: “Buổi lễ nhằm khích lệ tinh thần khuyến học. Năm chữ được chọn để các đại biểu khai bút là Đức - Trí - Học - Thành - Nhân cũng mang ý nghĩa đó. Các đại biểu viết quốc ngữ bằng bút lông chấm mực son, bọn tôi viết chữ Hán mực tàu. Viết xong làm lễ dâng hương”.

Theo ông Chí, các đại biểu là những người giữ trọng trách trong xã hội song không phải dân thư pháp. Cho nên việc cầm bút lông viết chữ dù có tập trước vẫn cần viết theo đường “via” chì định sẵn. Để làm sao chữ ngay ngắn, cả câu chung một kiểu thư pháp. “Bảo tô màu không đúng lắm, đương nhiên việc này cũng mang tính hình thức nhưng mục đích hướng cộng đồng quan tâm tới chữ viết, việc học hành”, ông Chí nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây chỉ là chút vụng về trong khâu tổ chức, không nên quá khắt khe. “Viết chữ trong một buổi lễ, mọi người đều muốn viết cho đẹp. Tuy nhiên, có phải ai cũng viết đẹp được, nhất là viết theo kiểu thư pháp quốc ngữ. Phía tổ chức có lý do để chọn các đại biểu (thay vì chọn các thư pháp gia) bởi đây là những người được trọng vọng, việc làm của họ mang giá trị xã hội cao, nhất là trong các hoạt động mang thiện ý như thế này”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, thời dân ta còn dùng chữ Nho thì khai bút, xin cho chữ đầu xuân là tập tục thiêng liêng, gửi gắm nhiều hy vọng cho một năm mới tốt đẹp. Nhận được chữ từ các nhà nho là điều may mắn. Bản thân các nhà nho tự chọn cho mình thời điểm đẹp để khai bút, để tạo dấu ấn đầu năm.

Ngày nay, người làm nghề viết lách như ông Quốc luôn tâm niệm tìm một thời điểm đẹp sau giao thừa để khai bút (bằng giấy bút hoặc gõ bàn phím máy tính) mong sao năm mới tốt đẹp hơn, bút lực sung mãn hơn. “Đầu năm chúng ta nên nghĩ tới những điều tốt đẹp thì hơn”, ông Quốc nói.  

Các thành viên Hội chữ xuân Ất Mùi ở Văn Miếu phản ánh: BTC tiến hành thi tuyển khắt khe mà vẫn lọt lưới các ông đồ rởm nên cảnh cho chữ sai tuy hiếm nhưng vẫn có. Họa sĩ Lê Quốc Việt, thành viên BTC, công nhận: Việc thi cử năm nay còn nhiều bất cập, mới dừng ở mức hạn chế đúng sai, chưa bàn xấu đẹp. Chắc chắn sang năm sẽ làm khắt khe hơn nên các ông đồ được ngồi hồ Văn cũng phải cố gắng rèn luyện, nếu không muốn mất suất.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.