Tò mò "thiên đường ngầm" bí mật ở chùa cổ Hà Nội

Tò mò "thiên đường ngầm" bí mật ở chùa cổ Hà Nội
Chùa Cầu Đông (Hà Nội) từng là cơ sở cách mạng, có hầm bí mật giúp đỡ cán bộ Việt Minh; nay cửa hầm còn lưu lại tại gian thờ Mẫu.

Chùa Cầu Đông nằm trên phố Hàng Đường (Hà Nội), chưa biết được xây dựng từ năm nào. Trải qua nhiều biến thiên dời đổi, với bao tăng ni trụ trì luân chuyển, ngôi chùa vẫn giữ được quy mô, kiến trúc, diện mạo uy nghiêm và ẩn chứa bao câu chuyện của những thân phận con người.

Chùa cổ trong phố cổ

Chùa Cầu Đông hiện nay ở số 38 phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo lịch sử, chùa được xây dựng từ đời Lý. Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên thành Thăng Long. Vua cho xây dựng nhiều đền đài, cung điện và chùa theo hình mẫu Hoa Lư như tháp Báo Thiên, chùa Nhất Trụ, Cầu Đông... Lúc bấy giờ chưa có chợ Đồng Xuân mà chợ chính là chợ Cầu Đông, nằm ở phố Hàng Đường, lấy tên cái cầu phía Đông thành, vượt qua sông Tô Lịch, từ Nhị Hà vào qua phố Nguyễn Siêu.

Chùa Cầu Đông có tên Đông Môn Tự tức là chùa Cửa Đông của thành Thăng Long và chùa cũng gần Cầu Đông trên dòng sông Tô, bên cạnh có khu phố Cầu Đông nổi tiếng của thành Thăng Long. Chùa Cầu Đông được Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung tu bổ nên trong chùa có tượng thờ. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Thái sư và Linh Từ Quốc Mẫu.

Chùa Cầu Đông thờ Phật theo dòng Tào Động, là một trong năm phái thiền của Phật giáo Việt Nam. Sách Thiền phả của phái Tào Động chép, niên hiệu Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông 1676 - 1679, nhà vua ra lệnh đuổi tăng ni, tu thì vào rừng, không được ở nơi nhân dân đông đúc. Khi ấy có vị sư Tổ là Thân Dung hòa thượng, vị Tổ thứ 2 của phái Tào Động, pháp hiệu Tông Diễn Đại Tuệ Thiền đã về Thăng Long làm bài biểu dâng lên vua.

Hòa Thượng dâng lên một chiếc hộp nói là trong hộp đựng Ngọc Minh Châu. Vua mở hộp ra xem thì chỉ thấy bài biểu đại ý nói nếu người nào cũng biết giữ ngũ giới thập thiên thì trong nước không còn đao binh, trộm cướp.

Sư cụ Thích Đàm Toàn chỉ vị trí căn hầm tại dưới ban thờ Mẫu trong chùa Cầu Đông
Sư cụ Thích Đàm Toàn chỉ vị trí căn hầm tại dưới ban thờ Mẫu trong chùa Cầu Đông.

Nhà vua xem xong giác ngộ, thỉnh Tổ trụ trì chùa Báo Thiên và Khán Son, hằng tháng những ngày trai thì vào triều giảng kinh cho vua chúa nghe. Một người vú của nhà vua quê phường Hòe Nhai giác ngộ, đã đứng ra xây dựng chùa Hồng Phúc, mời nhà vua đứng đốc công và thỉnh Tổ trụ trì. Sau khi xây dựng chùa xong, số tiền cúng tiến vẫn còn lại nhiều nên Tổ trụ trì đã đem xây dựng lại chùa Cầu Đông.

Dấu tích căn hầm bí mật

Trong chùa có gần 60 pho tượng, quan trọng nhất là 3 pho tượng cổ Tam thế thể hiện ở 3 thời: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong Phật điện có pho tượng Tuyết Sơn, còn gọi là tượng ông "nhịn ăn để mặc", tượng được tạc theo kiểu áo buông lửng trên vai để lộ tấm thân gầy guộc. Tượng Di Lặc, còn được gọi là ông "nhịn mặc để ăn", to gần bằng người thực, khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ, bụng phệ, thể hiện sự no đủ, hoan hỷ.

Trải qua thời gian hàng trăm năm tồn tại, 6 pho tượng đắp thổ ở điện thờ bị hư hỏng nặng. Nhà chùa đã phải xây tháp ở sân chùa để nhập tượng, đồng thời thỉnh 6 pho tượng gỗ để thờ tự.

Sư trụ trì chùa Cầu Đông hiện nay là Tỳ Khiêu ni bồ tát giới Thích Đàm Toàn, 80 tuổi, người đã có thời gian hơn 40 năm trụ trì ngôi chùa này.

Theo lời sư Cụ, chùa Cầu Đông từng là cơ sở cách mạng có hầm bí mật giúp đỡ cán bộ Việt Minh hoạt động, nay cửa hầm còn lưu lại tại gian thờ Mẫu. Có thời kỳ chùa Cầu Đông đã bị một số gia đình vào để sinh sống, cả Tam Quan cũng biến thành cửa hàng buôn bán. Nhưng hiện nay, cảnh quan chùa đã được khôi phục.

Sư kể, đất chùa rất linh thiêng, thời kỳ chiến tranh, bom đạn ác liệt, nhà cửa bị san phẳng, thế mà ngôi chùa vẫn tĩnh tại, ngày đêm vang tiếng mõ tụng kinh niệm Phật. Hầm bí mật có hai đường thông ra phố Chả Cá ngày nay và có một đường đi thẳng ra tận bến sông Hồng.

Trong hầm có một ống thông hơi thẳng ra phía trước cửa, nay là chỗ thờ quan Nam Dinh. Tăng ni, bộ đội và cả người dân khi ấy cùng chung một hầm trú ẩn, tránh bom đạn... Trải qua các lần sửa chữa, làm đường, đặt cầu cống, các lối đi này dần bị vùi lấp. Nay chỉ còn lại cửa hầm là dấu tích.

Theo Kienthuc

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.