Tố tranh giả không khó, nhưng…

Bức “Dư âm phố cổ” của họa sĩ Phạm An Hải vẫn được treo trong nhà nhưng đã xuất hiện tranh làm giả. Ảnh: P.A.H.
Bức “Dư âm phố cổ” của họa sĩ Phạm An Hải vẫn được treo trong nhà nhưng đã xuất hiện tranh làm giả. Ảnh: P.A.H.
TP - Thị trường mỹ thuật Việt Nam gần đây liên tiếp rộ lên nghi ngại tranh thật, tranh giả mỗi dịp triển lãm, đấu giá hoặc do họa sĩ phát hiện đứa con tinh thần bị làm nhái. Người trong nghề thẳng thắn, chẳng khó điểm mặt chỉ tên, nhưng dẹp nạn tranh giả lại không đơn giản.

Liếc qua là biết

“Những bức tranh trở về từ châu Âu” cuối năm ngoái khiến giới hội họa xôn xao vì có 15/17 bức là hàng nhái, hai bức bị mạo danh. Tranh của các danh họa Việt Nam thời trường Mỹ thuật Đông Dương luôn bị làm giả nhiều nhất. Một số tác giả đương đại cũng lần lượt lên tiếng vì phát hiện tranh mình bị nhái như Đặng Xuân Hòa, Trần Lưu Hậu. Gần nhất hôm 9/8, họa sĩ Phạm An Hải đưa lên mạng xã hội thông tin bức Dư âm phố cổ là tranh chép, còn hai bức của tác giả khác bị tẩy xoá tên và mạo danh Phạm An Hải.

Nổi tiếng với tài dùng tiếng lóng rất duyên, Hoàng Phượng Vỹ nêu thực trạng “nhiều người đeo mặt nạ đi đâu cũng rao giảng về nhân cách, tình yêu văn hóa nhưng khi  mặt nạ rơi xuống hóa ra lại đồng loã với gia đình văn hóa khác làm tranh giả. Nhiều gia đình họa sĩ con cháu chép tranh, có hoạ sĩ khi mất đi vẽ nhiều hơn lúc sống”. Anh cũng nói thêm, tác giả bị chép tranh nhiều khi cũng chỉ im lặng tê tái chứ không “Ngô Tất Tố”, thành ra góp phần làm thị trường hội họa Việt Nam đóng băng.

Ồn ào tranh thật tranh giả ở thị trường Việt Nam không mới mẻ, nhưng lẽ nào chuyện phân định lại bất khả thi? “Người làm nghề chép tranh cho bảo tàng ngày xưa là đều có nghề, rất tinh tế và kỹ lưỡng không chỉ chép đúng tinh thần còn làm được cả màu thời gian, nên mắt thường đôi khi khó phân biệt. Còn bây giờ những kẻ làm tranh giả Việt Nam kiếm tiền xổi, loạng choạng, cẩu thả nên chỉ cần liếc qua là biết”, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ nói.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam đồng tình: “Thế giới có hẳn nghề chế tác tranh giả rất chuyên nghiệp. Thê thảm là người làm tranh giả ở Việt Nam trình độ quá thấp, làm tổn thương đến danh dự các danh họa, họa sĩ đương đại Việt Nam. Vừa qua lại có chuyện bức tranh được cho là Tô Ngọc Vân chép lại để học tập Van Gogh. Tranh chép ai lại ký tên vào, hơn nữa bậc thầy như Tô Ngọc Vân tại sao vẽ cái đầu gối cũng không xong. Anh em trong nghề nhìn vào ai cũng biết là giả”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Lơ là thẩm định

Hoàng Phượng Vỹ nhắc tới việc cần dũng khí lên tiếng khi phát hiện tranh giả-cả tác giả lẫn người mua. “Người mua tranh nên đến gặp chuyên gia thẩm định ở bảo tàng, hoặc mua trực tiếp từ tác giả, nếu tác giả đã mất thì còn con cháu thay vì đến các gallery”, anh nói. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích, người mua (rủng rỉnh ít tiền và yêu thích nghệ thuật, chưa nói đến đại gia hay giới trung và thượng lưu) ước ao mua được tranh thật, vì con đường  ngắn nhất và chuẩn xác nhất là gặp trực tiếp tác giả. “Bao nhiêu năm nay chính các gallery bán tranh giả cho nên mới hình thành thị trường tranh giả Việt Nam, không có cách gì dọn dẹp sạch một chốc một nhát được”, Lương Xuân Đoàn nói.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh mỹ thuật là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất ở Việt Nam. “Tâm lý thế hệ các bạn từ 7X trở đi luôn bị đè nặng, bởi không gian sáng tạo luôn trong trạng thái thấp thỏm bị ăn cắp bản quyền. Nhà nước cần sớm vào cuộc hình thành luật dành cho lĩnh vực văn học nghệ thuật”, họa sĩ Đoàn nói. Ông cũng nhấn mạnh thêm giám định mỹ thuật cần chuyên nghiệp, muốn vậy phải quan tâm tới đào tạo chuyên sâu.

Người mua không hoàn toàn tin tưởng ở sự bảo chứng của gia đình các danh họa, có thể cậy đến hội đồng thẩm định. Tuy nhiên lâu nay cả người bán lẫn người mua đều bỏ quên bước thẩm định này. Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật từng được thành lập nhưng sớm giải tán vì không có ai gõ cửa. Nhiều nhà chuyên môn có đề xuất đưa trung tâm này trở lại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm quản lý. Tuy nhiên Cục trưởng Vi Kiến Thành nhắc lại sự tồn tại của Trung tâm giám định văn học nghệ thuật thuộc Cục Bản quyền tác giả. Hơn nữa, trung tâm dịch vụ công khó có thể nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, nên việc này cần cân nhắc. Ông cũng lưu ý nếu phát hiện tranh giả cần báo ngay cho quản lý thị trường, công an phường, thanh tra văn hoá hay Cục Bản quyền tác giả, trường hợp không giải quyết thỏa đáng có thể khởi kiện.

Họa sĩ Thành Chương từng rất rốt ráo trong vụ phát hiện tranh chép, giả mạo từ châu Âu của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, tuy nhiên nay ông chỉ thở dài “buông”. “Tôi bây giờ chẳng bận lòng về chuyện đó nữa. Sự thể hai năm rõ mười rồi, bắt tận tay day tận mặt, đầy đủ nhân chứng vật chứng kể cả kết luận của hội đồng thẩm định rồi nhưng không ai động đậy. Thành ra tôi chẳng buông cũng chẳng xong”, Thành Chương nói. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng nhắc tới sự thật nhức nhối về đường dây tranh giả ở Việt Nam chuyển qua châu Âu và “được bảo kê”  an toàn mấy chục năm nay nhưng chưa có căn cứ giải quyết. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.