Tóc đỏ áo đỏ

Tóc đỏ áo đỏ
TP - Mười sáu tuổi. Con gái ương ương chín. So với bạn bè tôi là đứa lớn trước tuổi. Lớp đệm mút tôn bầu ngực vổng lên. Cặp mông tròn mẩy càng nổi rõ đường cong thiếu nữ. Trống ngực tôi chộn rộn khi đi qua đám con trai. Tôi làm bộ tỉnh bơ nhưng từng tế bào đang rung lên. Phải mất năm hay mười phút nhịp thở mới trở về bình thường như một hoạt động vô thức.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hôm nay là thứ Sáu của tháng Năm. Thời điểm học sinh lớp mười chúng tôi đã có quyền lên kế hoạch cho kì nghỉ hè xen kẽ những giờ học thi. Nó là giai đoạn nước rút cho những đứa muốn phấn đấu danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Nhưng cũng chẳng là gì với đám suốt ngày lêu lổng trên mạng.

Thất bại. Tôi lại thất bại trong kì thi học sinh giỏi. Tôi sẽ không được lên nhận giải trước toàn trường trong lễ bế giảng năm học. Điều đó có nghĩa những lời trầm trồ ngợi khen, những tràng pháo tay sẽ không dành cho tôi. Tôi không phải là đứa tham vọng. Nhưng tôi đã hy vọng, hết sức hy vọng vào kết quả cuộc thi lần này. Vốn kiến thức văn học kha khá.

Một bài thi không đủ chỉn chu song đủ cho tôi mơ tưởng ra cảnh được đứng trước toàn trường, nhận giấy khen từ tay cô hiệu trưởng... Bố mẹ mừng rỡ như mỗi khi chị gái lại đạt giải nhất một cuộc thi ở trường. Cảm giác đổ vỡ tựa như tôi vừa đánh rơi một cái bình quý xuống nền đá. Vỡ toang. Một cảm giác chống chếnh trên tay dần xâm chiếm từ đầu đến chân tôi như người bị ngấm lạnh bắt đầu lên cơn sốt.

Tôi bần thần trở về nhà. Không gặp ai cả. Tôi cũng không muốn gặp ai lúc này. Tôi đổ phịch xuống giường. Cái gương tủ quần áo chiếu rõ cái mặt dài thượt, nặng trịch. Cơ mặt tôi xệ xuống. Cái mồm méo đi. Tôi khóc.

Trong gia đình, tâm tư mỗi người là một con ốc tự bó mình trong cái riêng vỏ gai góc. Tôi là đứa con gái mới lớn. Tôi có những vấn đề không thể tự nói ra. Tôi khát thèm được chia sẻ. Nhưng đó là một điều xa xỉ, tôi không dám nghĩ đến.

Bố mẹ không chấp nhận những suy nghĩ vỡ lòng của tôi. Chị gái có thể nói với tôi hàng giờ về tâm sinh lí trong quyển sách chị đọc được nhưng lại gạt phắt tâm tư tôi hé ra. Câu trả lời tôi luôn biết trước là:

- Biết rồi. Chúng mày ẩm ương lắm cơ.

Tôi đóng vội tâm tư của mình lại.

Mỗi lần vấp ngã, tôi tự tìm đủ lí do kéo mình đứng dậy. Tôi khóc chán rồi thôi. Tôi nhảy. Không phải là nhảy mà là vùng vẫy trong nhạc rock. Đắm mình vào thế giới của rock&roll. Tôi trút bỏ nỗi chán chường. Mệt nhoài, lăn ra ngủ. Trước khi buông trôi quá khứ ngày hôm nay, tôi kịp nghĩ “ngày mai sẽ khác”.

Tất cả lắng lại thành một khoảng trống. Tôi cố giấu nó đi bằng nụ cười luôn trên môi. Và thỉnh thoảng lôi nó ra gặm nhấm như một cái thú. Cái thú giống như người ta thích ngắm hoàng hôn. Dù hoàng hôn luôn làm họ mơ hồ buồn.

Thứ Sáu là một ngày không còn sớm nhưng cũng chưa quá muộn để bắt đầu việc gì. Một ý nghĩ loé lên trong đầu. Tôi bật dậy. Đến trước gương túm bộ tóc là tài sản thừa kế lớn nhất từ mẹ trên hình thức của tôi. Họ ngoại nhà tôi có bộ tóc đẹp nổi tiếng cả thị xã.

Chị gái tôi thì không được như bên ngoại. Chị giống bố nhiều hơn. Bởi thế chị hay tị nạnh với tôi chuyện nơ cài tóc. Bố mẹ cắt tóc cho tôi đúng một lần từ hồi hai tuổi. Lên mười sáu tuổi, tóc tôi dài chấm gót, đen và dày như tấm nhung. Ai cũng muốn đụng tay, vuốt cào, tấm tắc khen. Tôi sẽ cắt tóc.

Tôi mở cổng ra khỏi nhà. Hoàng ngồi nghễu nghện trên xe Attila đợi sẵn. Nhà nó mới phất lên vì tiền đền bù đất làm đường. Hoàng nhuộm tóc vàng hoe, vuốt keo bọt cho tóc chổng lên tạo đường bờm ngựa theo kiểu cổ động viên holigan. Mặc đồ jean. Trông nó ra dáng một hotboy mới nổi.

Một buổi tối, trời run run rét. Hoàng chở tôi đi. Tôi vòng tay ôm ngang bụng thằng bạn nối khố theo thói quen. Ngực tôi cứng lên. Tôi giật mình, rụt tay về. Hoàng dừng xe... Qua lần áo phao tim nó thậm thịch đập trên ngực tôi.

Thị xã của một tỉnh mới tách ngổn ngang như một công trường. Các con đường đang thi công bụi mù trời mù đất. Nó thay da đổi thịt cả khu phố. Những ngôi nhà như mọc ra từ cây gậy và cái nón của Chử Đồng Tử. Người ta sướng lên trông thấy.

Hoàng đưa tôi đến Salon Việt Mới. Tay thợ nhấc bộ tóc vốn là điểm khiến tôi tự tin nhất về bản thân. Ngắm nghía rồi chậc lưỡi:

- Tóc đẹp thế này cắt tiếc lắm.

Tôi cáu giận như con hổ bị vuốt râu, khiến anh ta phải lúng túng. Anh nín thinh, đưa nhát kéo ngọt lịm gọt niềm tự hào của tôi. Một túm tóc sượt qua cánh tay làm tôi thót mình!

Tóc ngắn củn, ở gáy để mấy cái đuôi lòng thòng như râu ngô thò ra khỏi bắp. Hai tiếng “xong rồi” đập vào tai. Tôi vội ra khỏi quán như sợ bị đuổi. Tôi sụp xuống đất khóc hu hu như đứa trẻ bị đánh đòn. Tôi muốn bị bố mẹ đánh đòn hơn là được “tuỳ mày thích làm gì thì làm”.

Tôi lục lọi trí nhớ, tìm một bàn tay nâng mình dậy. Trí nhớ là một khoảng trống trắng xoá! Mỗi lần qua đó tôi cố công ném một hòn đá qua bờ bên kia. Hòn đá rớt nhẹ như cái lá chênh chao mãi cho đến khi tôi không còn cảm nhận được nó nữa. Tưởng như con hổ, con hươu nhảy qua cũng rơi xuống như thế.

Tôi không kể lại cảm giác này với ai. Tôi sợ bố mẹ quát mắng, cứ mắng chán rồi nói buông thõng “Tuỳ mày, thích làm gì thì làm.” Tôi ngại lũ bạn cười chê. Cả thế giới này không ai hiểu tôi hết! Tôi nghĩ thế.

Bố mẹ tôi choáng năm giây khi nhìn thấy bộ dạng mới lột của tôi. Tôi bị mắng một trận tơi bời. Tôi không khóc như mọi lần. Cái mặt lì ra như đã chai. Một cảm giác trống rỗng. Tôi thấy mình là con số không.

Tôi gắt ầm lên:

- Có ai nghe con nói không?

Rồi bỏ chạy ra ngoài. Dưới chân tôi mặt đường mềm nhũn. Tiến lên phía trước một bước, lớp đất sau gót sụt xuống. Khoảng trống rộng thêm.

Tháp phát sóng của đài truyền hình nằm trên đồi cao. Dưới chân tháp là một vườn hoa nhỏ. Nơi nghỉ chân lí tưởng của những người đi thể dục. Điểm ưa thích của những người muốn ngắm nhìn thị xã đang thay đổi từng ngày. Hôm qua, khu khách sạn chín tầng đang xây còn là khối bê tông thô kệch. Hôm nay, nó đã chui cổ vào cái áo mầu hồng. Trông nó hoan hỉ hẳn lên.

Tôi ngồi xuống ghế đá đối diện với cái ô tròn trồng toàn hoa cúc vàng. Người đàn ông đen đúa, mắt trắng dã trừng trừng nhìn tôi. Mọi người gọi ông ta là Chi cụt.

Từ hàng chục năm nay, ông ta lang thang đầu đường xó chợ nhặt nhạnh những thứ còn ăn được của người ta bỏ đi. Qua hàng bánh chưng rán, ông Chi cụt nhặt lá bánh dùng răng nhằn những hạt nếp còn dính lại. Người bán hàng có thương tình cho một miếng bánh là ông ta cứ quay lại đều đều làm khách ăn phát ớn. Đuổi không đi. Vì lẽ đó, mấy bà hàng quà không ai cho ông ta cái gì nữa.

Ông Chi cụt không có gia đình. Sau cái chết của ông Quyết điên, người đồng hành thâm niên, ông Chi cụt chỉ còn lại một mình. Nhiều người nói hai thằng điên giờ còn lại một thằng. Có người nói điên đâu, điên gì mà còn biết ghẹo gái xinh, đi qua con bán hương đầu chợ mắt như mèo thấy cá.

Điên mới ngồi phơi giống giữa ngã tư đường thế chứ. Này, ghẹo gái đấy, khôn như mõ ý. Vào lúc này, những dư luận đã nghe không còn khiến tôi có ác cảm với ông. Ông ta cười với lũ trẻ. Chúng chạy toán loạn. Tôi nhận thấy trong điệu cười ấy niềm mến thương và cô độc.

Ông ta nhìn về phía tôi. Rồi lùi lũi quay đi.

Nỗi sợ hãi phải sống một mình đưa tôi quay về nhà. Trời tối om. Bố mẹ cảm nhận sự có mặt của tôi bằng tiếng động. Tất cả vẫn yên lặng. Tôi về phòng như một cái bóng.

Vì kiểu tóc bắp ngô, tôi tự đặt tên chứ các nhà tạo mẫu tóc còn chưa đưa ra trong catalo, tôi và Hoàng giận nhau vài ngày. Hoàng muốn tôi là mẫu “tiểu thư” cổ điển. Tôi phá cách. Trông tôi ngầu hơn bất kì đứa nào có tiếng. Con trai thích cái mới nhưng lại là kẻ bảo thủ cực hữu với bạn gái mình.

Kiểu tóc mới đưa tôi lên hàng “hot girl” ở trường. Tôi đi qua những cái nhìn hiếu kì. Mặt lạnh lùng. Tưởng tôi được đẽo gọt từ đá. Nó làm tôi thấy mình khác với các bạn. Tôi đi giữa những gương mặt quen thân mà thấy cái gì cũng lạ lẫm như lần đầu tiên. Cảm giác trống vắng lấp đầy sự cả thẹn tuổi dậy thì.

Cô giáo chủ nhiệm không trách mắng tôi. Cô ngồi lặng, nhìn tôi một hồi. Ánh mắt u sầu như buổi chiều mùa đông. Cảm giác lầm lỗi ứ lên cổ. Mấy ngày liền, nghĩ đến tôi vẫn còn áy náy.

Một thân hình su-mô lừng lững tiến đến trước mặt tôi, theo sau là một lũ con gái nanh nọc. Chúng sừng sộ vây quanh như muốn xé tôi ra nuốt chửng.

- Đồ khỉ. Mày nhìn đểu bà hả?

Không đợi câu trả lời của tôi. Nó tung ra cú đá cầu vồng. Tôi lanh lẹ né được. Nó ra đòn. Tôi đỡ đẹp như một cuộc trình diễn võ thuật. Được một lúc, nó đứng im, chống tay vào bụng thở dốc. Nếu bây giờ tôi ra đòn. Tôi sẽ hạ gục nó, làm vậy phỏng ích gì. Tôi nghe kể chiều nào nó cũng chặn đánh một đứa.

Tôi không muốn là đối thủ của nó. Tôi phủi tay đứng nhìn. Nó đứng thẳng dậy, quay đầu bỏ đi. Nhưng hành động này lại độc tôn tôi lên vị thế người hùng của những kẻ yếu từng bị su-mô bắt nạt, trước mắt những đứa kéo đến xem.

Tôi đến đâu, chúng nó cũng nhìn tôi như một kẻ rơi tõm từ sao Hoả xuống. Tóc đỏ. Áo đỏ… Ngày hôm sau, tôi thấy trời nóng hơn. Sân trường chói mắt vì tóc đỏ, áo đỏ… Có đứa lẽo đẽo theo tôi xin địa chỉ để đi làm kiểu đầu bắp ngô. Chúng chạy theo mốt thời thượng.

Đầu tuần sau, nhà trường phải chấn chỉnh trang phục học sinh, bắt buộc mặc đồng phục. Nhờ đó cơn sốt áo đỏ mới hạ hỏa.

Tiếng động cơ rú. Tiếng hú của những đứa tự cho mình là “hot”, lẫn với nhau, chói vào tai, thứ âm thanh ghê răng. Những con mô-tô đời mới phóng bạt gió. Chúng lại tổ chức đua xe. Tôi ngồi sau xe Hoàng. Phải dùng hết sức để bám tôi mới không bay ra khỏi xe.

Tôi ân hận vì vòi Hoàng cho ngồi sau bằng được. Gió mạnh quá. Cắt mặt tôi lúc này chắc không ra một giọt máu. Tôi nhận ra mình vẫn còn muốn sống nhưng không dám nghĩ tiếp đến điều đó vào lúc này.

Hoàng bị chèn vào taluy dương. Khi tôi và nó kịp nhận ra cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động thì hai tay đã đeo còng số tám. Hoàng khóc lóc, van vỉ chú công an đừng bắt về đồn. Tôi sực tỉnh. Chưa hiểu ra cơ sự là thế nào cũng khóc theo. Khóc to hơn nó. Khóc như một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ. Tôi sống rồi, tôi chỉ nghĩ được có vậy. Trong đêm ấy, bố mẹ đến làm thủ tục, đón tôi về.

Trong sự im lặng, tránh va chạm của gia đình, tôi nhớ day dứt một điệu cười, điệu cười mến thương và cô độc kia.

*

* *

Mười sáu tuổi, tôi không thể đứng vững trên đôi chân của mình nếu đằng sau là một khoảng trống. Tôi đã bước qua tuổi tròn đầy nhất của thời học sinh. Tôi tự cho là thế. Thỉnh thoảng tôi vẫn cố ném một hòn đá qua bờ bên kia…

Gió lùa qua thung lũng, chạy trên vạt đồng. Gió là tiếng cười của núi. Hít một hơi dài tôi ngửi thấy mùi của gió. Tôi căng ra. Đôi chân không còn đứng vững. Tôi bay lên như quả bóng…

Tóc đỏ áo đỏ ảnh 2
 

Tóc đỏ áo đỏ - Một câu chuyện có vỏ ngoài như bưng ra từ một phóng sự về tuổi teen sa ngã ở trang báo nào đó, nhưng bên trong ngầm ẩn một nỗi đau, không còn là nỗi đau lứa tuổi hay thế hệ, như người ta hay nói, mà là nỗi đau thế sự.

Cũng cần lưu ý đến giọng điệu của truyện ngắn này. Nó trực diện, hay còn có thể gọi là huỵch toẹt. Nó không làm duyên làm dáng với câu chữ. Nó đi thẳng vào tâm trí người đọc. Nó làm người ta, sau khi lo sợ, thấy cảm thương với một lớp người mới chập chững vào đời mà “đôi chân không còn đứng vững. Tôi bay lên như quả bóng…”.

Tuệ Minh hiện sống và làm việc tại Bắc Kạn, cô tốt nghiệp khóa 8, Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình (ĐH Văn hóa Hà Nội). Có thể coi đây là một cây bút mới gây hy vọng.

Truyện ngắn của Nguyễn Tuệ Minh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG