“Tóe ra một bãi cười”*

“Tóe ra một bãi cười”*
TP - Ai chẳng từng cười và mục kích sự cười. Trong rất nhiều cái cười tôi đã gặp, xin thưa có những trường hợp như thế này.

Trên phố Nguyễn Công Trứ - Hà Nội đêm ấy, chả biết có cái xe tải nào đó chạy qua vô ý để vãi ra mặt đường một lớp than cám. Trời mưa, than cám biến thành lớp bùn nhão nhoét. Người đi xe đạp, xe máy qua đây, hầu hết bị trượt ngã.

Người ngã nhẹ thì chỉ lem luốc áo quần như vừa bước dưới ao bùn lên. Người ngã mạnh thì còn rất đau nữa. Ấy vậy mà trên hè phố, một nhóm người đủ cả nam phụ lão ấu tụm lại kẻ đứng người ngồi đợi xem người  ta ngã để rồi cùng nhau…cười !

Cứ một người bị ngã là cả đám rú lên cười, rất khoái trá vô tư. Tôi đèo vợ bằng xe máy, thấy xe lượt trượt, chuếnh choáng, đã thận trọng đi rất chậm, nhưng cũng bị đổ xe và bị… cười!

Trong lúc hai vợ chồng bò dậy giải quyết hậu quả, chứng kiến thêm mấy người bạn đường cũng bị cười như chúng tôi vậy. Không biết đêm ấy- dù bấy giờ đã khuya khuya- cái đám người trên hè phố còn kiên trì ngồi bao lâu nữa đợi xem người ta ngã để mà cười!

Một trưa ở công viên Thống Nhất, tôi đang thả bộ, bỗng thấy ồ lên tiếng cười của một nhóm người đang ngồi trên hai chiếc ghế đá ven hồ. Hóa ra họ cười một người mất trí.

Người này tuổi trung niên, da đen nhẻm, đầu tóc rối bù, mặc chiếc áo cộc tay rách, không mặc quần. Người mất trí cứ tồng ngồng tự nhiên nhi nhiên giữa thanh thiên bạch nhật, đi được vài bước lại nhảy lên một cái, mỗi lần nhảy cơ thể lại rung rung, lật bật… Và mỗi lần như thế, đám người trên ghế đá lại ồ lên tiếng cười!

Một chiều ở bến xe phía nam Hà Nội, chuyến xe khách Hà Nội – Nam Định sắp chuyển bánh. Một cô gái trẻ trung mặc váy đầm xúng xính bước lên xe. Vội vã, lúng túng thế nào cô vướng ngã chổng kềnh bên bậc xe, mấy trái cam quýt trong túi xách tung ra lăn lông lốc. Thấy vậy, đám hành khách trên xe cười rộ. Tất nhiên cô gái không may ấy đã ngượng ngùng, càng ngượng ngùng hơn!

Và một lần trên đường phố, có chàng trai đi xe đạp đụng độ chiếc xe khác, cặp lồng cơm treo trên ghi đông văng ra, vung vãi trên mặt đường những cà pháo, rau muống, đậu phụ, nước canh. Thấy cảnh ấy, một số người đạp xe qua… nhoẻn cười tươi!

Chỉ xin nêu vài ví dụ vậy thôi, chứ cái sự cười trước hiện tượng tương tự, na ná như thế, chúng ta từng bắt gặp không hiếm.

Một sinh viên Bungari, chứng kiến cảnh người đi đường ngã và người xung quanh cười, đã nói với tôi: “Gặp cảnh này, người chúng tôi không bao giờ cười. Người Việt Nam hay cười thật, vui tính thật!”.

Ca dao có câu: Làm người có miệng, có môi/ Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười. Còn có cái cười chua chát, cay đắng, “cười ra nước mắt”,  còn có cái cười phê phán - “chê cười”.

Nhà phê bình văn học Nga U. Gurannic từng viết cả một cuốn sách lấy tiêu đề “Cái cuời - vũ khí của kẻ mạnh”. Nhà văn Nguyễn Tuân đã thống kê mấy chục kiểu cười biểu thị thái độ, tình cảm khác nhau rất tinh vi của con người, từ cười ruồi, cười khẩy, cười tủm đến cười sằng sặc, cười sặc sụa…

Từ điển tiếng Việt hiện đang lưu hành đã ghi đến 30 mục từ “cười”. Các Mác thì đã nói, cái cười (hài kịch trong văn học- nghệ thuật) là để kết thúc cả một giai đoạn lịch sử thương đau, nhân loại “rời bỏ quá khứ một cách vui vẻ”.

Như vậy, mới hay cái cười thật đa dạng,phong phú và… phức tạp. Biết khóc, biết cười có dễ đâu!Trong một hoàn cảnh xã hội biến động phức tạp, sự vô cảm rất dễ “phát huy” trở thành cái ác .

* Thơ Việt Phương

Nguyễn Trung Thu

MỚI - NÓNG