Tôi đã bị khai trừ khỏi Hội VHNT tỉnh Nam Định

Tôi đã bị khai trừ khỏi Hội VHNT tỉnh Nam Định
TPCN -  Tình trạng mất đoàn kết trong ban lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định từ lâu đã được dư luận trong giới biết đến (được hé mở một phần trên TPCN số 39 và 42/2004).
Tôi đã bị khai trừ khỏi Hội VHNT tỉnh Nam Định ảnh 1
Nhà văn Lê Hoài Nam

Gần đây, sự việc có những diễn biến mới, theo phản ánh  của nhà văn Lê Hoài Nam trong thư  gửi Toà soạn được trích đăng dưới đây.

Chúng tôi mong nhận được thêm những thông tin khách quan, trung thực từ bạn viết , nhất là từ các cơ quan chức năng ở Nam Định và tin tưởng rằng Hội VHNT Nam Định sẽ sớm có được sự ổn định, đoàn kết có lợi cho công việc sáng tạo của hội viên. TPCN

Nam Định ngày 18 tháng 4 năm 2006

Kính gửi báo Tiền Phong Chủ nhật

Tôi là: Lê Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Nam Định.

Gần 1 tháng nay ngày nào tôi cũng nhận được những cú điện thoại của bạn bè cùng giới và những người quan tâm đến văn học cả nước nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng, hỏi về việc tôi đã bị khai trừ ra khỏi Hội VHNT Nam Định như thế nào.

Suy nghĩ đắn đo mãi, tôi thấy cần thiết phải kính nhờ ban biên tập báo Tiền Phong chủ nhật thông tin việc này lên báo để không phụ lòng những ai quan tâm đến tôi.

Tôi xin trình bày trung thực các sự kiện dẫn đến việc tôi bị khai trừ như sau:

Nếu không có gì trục trặc thì Đại hội VHNT Nam Định lần thứ 6 đã diễn ra vào tháng 6/2004. Đầu tháng 3 năm đó, sau khi đã cùng Ban lãnh đạo chuẩn bị một số khâu cho Đại hội, tôi, nhà thơ Phạm Trọng Thanh, cây bút viết văn Nguyễn Danh Khôi có giấy của Nhà xuất bản Quân đội và Bộ tư lệnh Hải quân mời tham dự trại sáng tác văn học ở Bãi Cháy-Quảng Ninh.

Được khoảng nửa thời gian dự trại thì tôi nhận được điện của một số bạn bè làm văn ở Nam Định: “Anh phải về ngay. Ông Trịnh Quang Khanh (Chủ tịch Hội) và một số người đang đánh xe về thị trấn Liễu Đề quê anh mua tài liệu gì đó kiện cáo anh”.

Tôi không lo ngại về tin đó vì tự nghĩ, ở quê tôi chẳng có tài liệu gì gây hại cho tôi cả. Ông nội tôi là nhà Nho. Bố mẹ tôi được tặng Huân chương và Huy chương Kháng chiến. Tôi có 1 anh trai là liệt sỹ, 1 anh trai là thương binh đánh Mỹ.

Nghĩ vậy nên chờ đến tháng 4, kết thúc trại sáng tác, tôi mới trở về cơ quan. Tôi về hôm trước, hôm sau ông Trịnh Quang Khanh cho họp ban thường trực hội (gồm chủ tịch Trịnh Quang Khanh, phó chủ tịch Lê Hoài Nam, ủy viên thường trực Phạm Trọng Thanh).

Tại cuộc họp này, ông Trịnh Quang Thanh nêu vấn đề là tôi bị hội viên tố cáo cái tội cách đây 34 năm, tôi đi bộ đội có đào ngũ về nhà một thời gian. Ông chìa cái giấy đó cho tôi xem.

Trong giấy báo đó ghi rõ tháng 8/1970 tôi đào ngũ trong trường hợp đi chữa bệnh ở quân y viện. Tôi rất bất ngờ vì lúc ấy mới biết có cái giấy đó.

Sau này thì tôi biết ông Khanh cùng một số người đã xuống Liễu Đề và có cái giấy đó từ ông Ngô Xuân Kiên, nguyên là xã đội trưởng ở quê tôi ngày xưa. Tôi cố nhớ lại các tình tiết rồi trình bày trong ban thường trực.

Chuyện như sau:

Năm 1968, mới 16 tuổi, đang học phổ thông, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tháng 8/1970, đơn vị tôi đang đóng quân ở xã Hải Lý, Hải Hậu thì tôi bị viêm amiđan, sốt rét kéo dài (vì trước đó tôi học đặc công ở trong rừng).

Đơn vị cho tôi đi Quân y viện 203 ở huyện Duy Tiên, Hà Nam. Do bác sĩ mới ra trường non tay nghề cắt amiđan bị sót, phải cắt lại lần thứ 2. Mất nhiều máu, cơ thể suy sụp, tôi phải nằm viện khoảng 3 tháng.

Đúng dịp đó tôi nhận tin một anh trai tôi có giấy báo tử và một anh trai nữa chưa có giấy báo tử nhưng người cùng đơn vị báo là đã hy sinh (thực ra người anh này bị địch bắt, sau Hiệp định Paris tháng 2/1973 mới được trao trả).

Gia đình có chuyện mất mát đau thương như thế, tôi xin ra viện về nhà điều trị tiếp bệnh sốt rét. Tôi ở nhà khoảng hơn 1 tháng thì ông Bí thư Đảng ủy xã xuống nhà giục tôi phải về đơn vị ngay. Ông cho biết đơn vị tôi sắp lên đường đi chiến đấu.

Tôi khoác ba lô xuống đơn vị thì ít ngày sau, đơn vị tôi hành quân vào tuyến trong. Thấy tôi ốm yếu, lại có tang, lãnh đạo đơn vị cho qua mọi chuyện.

Tháng 7/1974 tôi được xuất ngũ về địa phương. Kết thúc thời gian này tôi được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng 3, và sau này Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất.

Tháng 11/1974 tôi theo học lớp bồi dưỡng giáo viên cấp II, BTVH của Ty Giáo dục tỉnh Nam Hà. Năm 1976 ra trường về dạy cấp II BTVH ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Nghĩa Hưng. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tôi được gọi tái ngũ về quân chủng Hải quân tháng 9/1978.

Do có thành tích, tôi được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, được đi học trường sỹ quan chính trị Hải quân, rồi lại được đi học Trường viết văn Nguyễn Du khóa II (cùng ở Hải quân đi học với tôi có nhà thơ Trần Đăng Khoa).

Tốt nghiệp, tôi lại trở về quân chủng Hải quân công tác, với quân hàm Thượng úy.

Đầu năm 1987, Ban tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo Hội VHNT Hà Nam Ninh cử cán bộ ra tận Bộ tư lệnh Hải quân đặt vấn đề xin cho tôi chuyển ngành về Hội.

Được chấp nhận, về Hội VHNT Hà Nam Ninh, tôi làm thư ký tòa soạn Tạp chí văn nghệ Hà Nam Ninh đến tháng 7/1989 thì được Đại hội VHNT Hà Nam Ninh lần thứ 3 bầu làm Phó chủ tịch Hội, kiêm tổng biên tập Tạp chí. Tôi giữ hai cương vị ấy 16 năm liền.

Tôi trình bày “lý lịch” của tôi như thế nhưng ông Trịnh Quang Khanh cứ khăng khăng yêu cầu tôi phải từ chức Phó chủ tịch Hội. Tôi không chịu.

Ông Trịnh Quang Khanh liền cho ban kiểm tra của Hội làm thủ tục kết tội tôi. Rồi ông triệu tập Ban chấp hành xét kỷ luật tôi. Hôm đó các thành viên trong Ban chấp hành phản ứng quyết liệt.

Họ yêu cầu chuyển đơn kiện tôi sang ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét vì tôi là cán bộ do Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy mất gần 1 năm, đi 6 tỉnh để kiểm tra vụ việc của tôi rồi mới có kết luận.

Tháng 5/2005, Ban thường vụ Tỉnh ủy họp ra quyết định kỷ luật cảnh cáo Đảng đối với tôi, với những khuyết điểm xoay quanh việc kê khai lý lịch không khớp với thực tế.

Cùng cuộc họp đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng ra quyết định cảnh cáo Đảng đối với ông Trịnh Quang Khanh về vụ việc ông Trịnh Quang Khanh lợi dụng việc làm cuốn sách “Nam Định chào đón SEA Games 22”, để biển thủ 36 triệu đồng. Trong quyết định, Thường vụ yêu cầu Ban chấp hành Hội phải thu hồi số tiền đó sung vào công quỹ.

Ngay sau khi 2 người cùng nhận quyết định kỷ luật Đảng, ông Trịnh Quang Khanh lại triệu tập họp Ban chấp hành Hội để làm 2 việc:

- Bỏ phiếu cách chức Phó chủ tịch Hội đối với tôi.

- Bỏ phiếu để ông Trịnh Quang Khanh không phải đền số tiền 36 triệu mà ông đã biển thủ (anh em bình luận việc này Ban chấp hành Hội VHNT Nam Định đã ngồi lên trên luật pháp).

Ban chấp hành có 11 người, ông Trịnh Quang Khanh lôi kéo được 6 người bỏ phiếu, nghĩa là đa số. Nhiều hội viên đã phản ứng rất mạnh vì Ban chấp hành Hội VHNT Nam Định đã làm trái với Nghị định 88 của Chính phủ: Khi thay Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội phải báo cáo và được phép của Chủ tịch UBND tỉnh. Không những thế, ông Trịnh Quang Khanh còn tự tay thu hồi con dấu Phó chủ tịch Hội của tôi; tiện thể ông thu luôn con dấu Tổng biên tập của tôi mà không hề xin phép Chủ tịch UBND tỉnh và Cục Báo chí, Bộ Văn hóa – Thông tin. Ông cho người giật tấm biển chức danh treo trước cửa phòng tôi. Kể từ đó tôi bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Tất cả các cuộc họp của Hội tôi đều không được mời.

Những hội viên ủng hộ tôi kéo sang Tỉnh ủy, UBND tỉnh kêu về việc này nhiều lần. Ban tổ chức Tỉnh ủy đã có công văn (lần thứ nhất) do ông Trần Ngọc Quảng là trưởng ban lúc bấy giờ ký, phủ định những việc làm sai trái của ông Trịnh Quang Khanh và một số người trong Ban chấp hành đối với tôi. Đồng thời Ban thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định lập 1 ban chỉ đạo Đại hội VHNT Nam Định lần thứ 6, do ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Phó ban là 2 ông: Nguyễn Đức Nhật, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy và Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ. Mặc dù đã có ban ấy, ông Trịnh Quang Khanh vẫn tiếp tục truy kích tôi thêm một nấc thang nữa. Ngày 13/2/2006 ông Trịnh Quang Khanh lại triệu tập Ban chấp hành, thao túng để những người cùng phe với ông bỏ phiếu khai trừ tôi ra khỏi Hội mà không báo cáo gì với ban chỉ đạo.

Cũng trong cuộc họp ấy, họ bỏ phiếu khai trừ cả cây bút văn xuôi Nguyễn Danh Khôi và kỷ luật khiển trách nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Anh Khôi bị khai trừ vì tội phanh phui vụ biển thủ 36 triệu mà thủ phạm là ông Trịnh Quang Khanh lên báo. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh bị kỷ luật chỉ vì anh bảo vệ tôi đến cùng.

Trước tình hình đó, ngày 3/3/2006, Ban thường vụ Tỉnh ủy họp rồi ra thông báo (do Phó Bí thư Phạm Hồng Hà ký) nêu rõ:

1. Việc Ban chấp hành Hội VHNT tự ý cách chức Phó chủ tịch đối với tôi là sai nguyên tắc. Yêu cầu tập thể Ban chấp hành và từng cá nhân phải nghiêm túc kiểm điểm. Khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh thì tôi vẫn là Phó chủ tịch Hội và đương nhiên vẫn là hội viên.

2. Đồng ý để ông Trịnh Quang Khanh không tham gia ứng cử Đại hội 6.

3. Điều tôi sang công tác ở cơ quan khác (khi tôi nhận quyết định sang làm việc ở Hội Chữ thập đỏ thì chức vụ của tôi vẫn được ghi là Phó chủ tịch Hội VHNT Nam Định).

Tưởng như thế là kết thúc mọi việc, chỉ còn bắt tay vào Đại hội.

Nhưng chiều ngày 23/3/2006, Ban chấp hành Hội VHNT họp để chuẩn bị Đại hội thì một số ủy viên Ban chấp hành thắc mắc tại sao đồng chí Lê Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội không được mời.

Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó ban chỉ đạo đại hội liền đưa ra một văn bản có tên là 117 và ông nói theo quy định của văn bản này, đồng chí Lê Hoài Nam đã chuyển sang công tác ở cơ quan khác thì không còn giữ cương vị Phó chủ tịch Hội VHNT nữa.

Anh em chất vấn tiếp: ừ thì cứ cho là đồng chí Nam không còn làm Phó chủ tịch nữa, vậy còn chức ủy viên Ban chấp hành do Đại hội toàn thể bầu ra thì sao.

Ông Tiệp không trả lời (trong thực tế thì nhiều người vẫn làm quản lý ở một cơ quan nhà nước lại kiêm lãnh đạo một hội đoàn thể. Chẳng hạn như ông Trịnh Quang Khanh hồi được bầu làm Chủ tịch Hội VHNT thì ông vẫn giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin kia mà).

Sau đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ dạo đại hội kết luận nhiều việc; riêng đối với việc của tôi, ông kết luận như sau:

“Đồng chí Lê Hoài Nam, kể từ ngày 20/3/2006 vẫn là Phó chủ tịch Hội VHNT. Sau ngày 20/3/2006, tỉnh điều sang công tác ở cơ quan khác thì tùy nội bộ các đồng chí xử lý”.

Nói xong ông Tuấn và các ông trong Ban chỉ đạo lên xe về. Ông Trịnh Quang Khanh giữ Ban chấp hành lại bỏ phiếu khai trừ tôi ra khỏi Hội. Đây là lần thứ 2 tôi bị khai trừ.

Như vậy, ngày 20/3/2006 tôi vẫn là Phó chủ tịch Hội VHNT Nam Định nhưng chỉ 3 ngày sau tôi đã bị khai trừ ra khỏi Hội. Cho đến nay thời gian đã qua đi gần 1 tháng, tôi vẫn chưa hiểu trong 3 ngày ấy tôi đã phạm tội tày đình gì???

Đại hội VHNT Nam Định lần thứ 6 diễn ra từ ngày 5 đến 7/4/2006. Tôi không được mời. Ngay cuộc họp đảng viên vào buổi chiều ngày đầu tiên của Đại hội, người ta cũng không nói gì với tôi, mặc dù lúc đó tôi vẫn là Bí thư chi bộ cơ quan Hội VHNT (trước đó tôi đã sang Đảng ủy khối xin được bàn giao chức danh Bí thư nhưng lãnh đạo Đảng ủy khối trả lời tôi phải làm Bí thư đến sau Đại hội mới được bàn giao).

Vì không được dự Đại hội nên trong Đại hội diễn biến như thế nào, tôi không được biết…

Kính thư.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.