Tôi đi mua ngọc ở Vân Nam

Tôi đi mua ngọc ở Vân Nam
TP - Vua Tần đã từng phái sứ giả đem quốc thư sang, gặp vua Triệu Huệ Văn Vương, nói nước Tần tình nguyện đổi 15 toà thành lấy viên ngọc bích của họ Hoà rất quý của nước Triệu. Mà viên ngọc họ Hòa thì được tìm thấy ở vùng Vân Nam thuở xa xưa ...

Không biết tự bao giờ, thủ phủ Côn Minh của Vân Nam được coi là vương quốc của các loại đá quý.

Thiên hạ nhiều người biết chuyện Lạn Tương Như, trong đó kể rằng năm 273 trước Công nguyên Vua Tần phái sứ giả đem quốc thư sang nước Triệu gặp vua Triệu Huệ Văn Vương nói nước Tần tình nguyện đổi 15 toà thành để lấy viên ngọc bích của họ Hoà rất quý của nước Triệu. Mà viên ngọc họ Hòa thì được tìm thấy ở vùng Vân Nam thuở xa xưa ...

Hội hoa Quốc tế được tổ chức ở Côn Minh, thủ phủ Vân Nam khép lại chưa được bao lâu, thì bên cạnh những lời khen còn kha khá những lời xầm xì, cả những đơn kiện của khách nước ngoài gửi cho chính quyền Vân Nam, phiền trách rằng du khách trong thời gian du hý ở hội hoa cũng như du lịch ở đây mua phải rất nhiều đồ trang sức làm bằng đá quý là đồ rởm!

Mà ở Côn Minh, ở Đại Lý lẫn Lệ Giang có nhan nhản hàng ngàn cửa hiệu của hàng chế tác lẫn bán đồ trang sức bằng đá quý như thế! Chúng tôi được người phụ trách của tour du lịch khuyến cáo rằng, nếu muốn mua ngọc thì phải tới các cửa hàng của Viện khoáng sản Vân Nam thì mới tránh được đồ rởm.

Bởi Viện được chính quyền cũng như Chính phủ Trung ương giao cho công việc quan trọng này vừa thu được nguồn ngoại tệ lớn vừa giữ được danh dự cho Vân Nam nói chung và cả Trung Hoa nữa.

Một công ty chế tác lẫn thẩm định ra đời do Viện trưởng Trần Văn Cao phụ trách. Một đội ngũ chuyên gia và thợ chế tác đá quý vùng Vân Nam và nhiều tỉnh lân cận được mời về Viện làm việc.

Tôi đi mua ngọc ở Vân Nam ảnh 1
Viện trưởng Trần Văn Cao

Chúng tôi đã  may mắn có một cuộc gặp ngắn với Trần Viện trưởng. Đó là một người đàn ông rất khó đoán tuổi, khuôn mặt có những nét kỳ dị bí hiểm.

Qua câu chuyện với Trần tiên sinh, tôi biết thêm Trung Quốc hay nhiều vùng châu lục mênh mông là thế nhưng tạo hoá chỉ ban riêng cho vùng núi Vân Nam giáp với Miến Điện thứ đá quý mà thiên hạ vẫn gọi là ngọc ít đâu sánh được.

Khuôn mặt của Viện trưởng càng thêm bí hiểm, là ông hạ giọng bật mí cho chúng tôi rằng, sở dĩ thiên hạ bây giờ thiên về chơi ngọc bởi giá trị chữa bệnh và công dụng của ngọc đối với sức khoẻ. Ngọc càng tốt, tỷ lệ các nguyên tố vi lượng trong đó như đồng chì bạc vàng kẽm kiếc hay côban gì đó... càng cao.

Vùng cổ vùng cổ tay và cả vùng ngực nữa có những huyệt đạo được thường xuyên tiếp xúc với những nguyên tố vi lượng ấy nên rất có lợi cho sức khoẻ! Chưa kể tâm lý của khách hàng rằng từ ngày mua ngọc đeo ngọc thấy tự nhiên hên hẳn ra về đường làm ăn, công danh?!

Chính vì để bảo vệ lẫn bảo đảm thứ trang sức quý ấy và tôn trọng khách hàng, những món đồ của các công ty do Viện bán ra đều được bảo hành chung thân. Khách sau một thời gian chơi, nếu muốn đổi thứ đồ khác thì đem đến đây kèm giấy bảo hành suốt đời là được đổi món mới hay món khác ngay. Chỉ phải thêm vào đó thứ phụ phí nhỏ khách hàng!

Câu chuyện về ngọc vẫn không dứt theo chiều xe về Đại Lý, thủ phủ xa xưa của nước Nam Chiếu.

Chị Vương Tú Liên, người bổn địa Côn Minh phụ trách đoàn tour cho hay chị đã có dịp tới khu khai thác ngọc quý có tên là Thẩm Tòng cách Côn Minh khoảng 800km giáp với Miến Điện. Khai thác bên phía Trung Quốc cũng có mà đấu thầu bên phía Miến Điện cũng có...

Những hầm sâu mấy chục mét hun hút trong lòng đất. Ngày ngày như thế đưa lên những mét khối đá. Ai biết trong khối đá xù sì vuông vức kia chứa ngọc nhưng giá của mỗi khối sù xì như thế là hàng vạn tệ. Ai may người ấy trúng.

Có một anh nhà nghèo rớt, hoàn thành nghĩa vụ quân sự về không kiếm được việc làm, phẫn chí tìm về Thẩm Tòng tìm ngọc. Qua một thời gian dài bươn bả sức lực đã cạn kiệt định trở về quê nhà với hai tay trắng thì sáng đó dưới hầm sâu trục lên một khối đá.

Như có quỷ thần xui khiến anh chàng buột miệng ra giá hơn người khác 6 vạn tệ! Khi hét giá thì tỉnh, nhưng khi khối đá được bửa ra thì anh ta suýt ngất.

Ngọc không có một mảy nhưng người ta tìm thấy trong đó có mấy con sâu đá thời cổ đại đã hoá thạch đã hàng triệu năm. Bên Hồng Kông mua mấy con sâu ấy mấy trăm vạn tệ. 

Bữa sau từ Lệ Giang trở về, đoàn tour lại ghé qua Thái Lệ Cung Châu bảo là một công ty lớn của Viện khoáng sản Vân Nam. Năm ngoái tại công ty đã diễn ra một sự kiện làm chấn động Vân Nam và cả Trung Hoa.

Có lẽ để góp phần quảng bá cho khách du lịch đến Vân Nam cũng như nhằm thu hút những tay du lịch quốc tế lẫn trong nước luôn nặng lòng với loại bảo vật này. Sau một thời gian dài bắt tay vào việc, những người thợ khéo tay nhất vùng Vân Nam đã chế tác thành công bức tượng Phật Tổ Như Lai nguyên khối bằng ngọc bích, còn gọi là phỉ thúy.

Chỉ đạo việc chế tác này là Đại sư Vi Trường Hải, nổi tiếng ở Côn Minh. Toàn bộ tượng và bệ đều được làm bằng thứ ngọc phỉ thúy nổi tiếng của Vân Nam.

Đặc biệt là bệ và tượng được chế tác bằng ngọc nguyên khối. Bệ cao 2,1m. Phần tượng cao 4,12m. Trọng lượng của tượng lẫn bệ là 18,3 tấn. Đức Phật ngồi tĩnh toạ trong tư thế tay phát ấn rất sống động toát lên sinh khí bình an sáng láng.

Tôi thầm nghĩ, đây có lẽ là thứ Trung Hoa Quốc Bảo, lý do thì chưa phải là lời người giới thiệu rằng bức tượng Phật Tổ Như Lai bằng ngọc phỉ thuý này lớn nhất Trung Quốc và có lẽ cũng lớn nhất thế giới?

Mà bởi thử nhẩm một con tính, chỉ một mẩu mặt đá hoặc một cái vòng trọng lượng mấy chục gram loại xoàng (chứ đâu có được như loại phỉ thuý đang toát lên vẻ hồn cốt sáng láng thiêng liêng của bức tượng kia) đang bầy dưới lớp kính trong văn vắt đã có giá non ngàn rưỡi tệ (tương đương với gần ba triệu đồng Việt Nam). Chao ôi thử quy mười tám phẩy ba tấn ngọc ấy ra tiền thì chả phải quốc bảo thì là cái chi?

Ngọc chỉ là ngọc dù đắt đến mấy, pho tượng ngọc kia nếu không có thủ tục nhập thần thì sẽ chưa có được hiệu ứng linh thiêng và không có giá trị trấn yểm lẫn phù hộ cho công ty với Viện lẫn tỉnh Vân Nam ăn nên làm ra. Vậy nên ngày khai thần nhập tượng, bên này gọi là khai quang mới là một ngày hội của dân thủ phủ Côn Minh và du khách.

Hơn 100 vị đại lão hoà thượng chắc thuộc loại tầm cỡ được mời về để làm lễ trong một ngày một đêm. Bây giờ tượng được đặt ngay lối cửa chính của công ty. Một lối đi từ cửa chính dẫn vào vị trí đặt tượng thẳng tăm tắp gọi là đường chính đạo rộng khoảng 3 mét nhưng độc đáo được lát tuyền loại kính dầy dễ đến hai mươi phân. Phía bên dưới lớp kính, du khách có thể ngó thấy vô số những mẩu ngọc thạch nhiều mầu được đặt rải rác đủ các tư thế.

Có điều đường chính đạo sang thế đẹp vậy nhưng khách không được giẫm lên mà phải đi men để vào bái yết Đức Phật. Vái xong, tôi kính cẩn hướng cái ống kính máy ảnh không phải chính diện mà chỉ dám  chênh chếch về phía bức tượng thì bất đồ cánh tay như cứng ngắc lại.

Khuôn mặt lạnh ngắt của một người đàn ông cao to kế bên như nhắc bảo tôi rằng ở đây, trong cửa hàng này có rất nhiều vệ sĩ mặc thường phục. Mệnh lệnh ban ra cho mọi người rằng ở đây không được phép chụp ảnh, kể cả bên ngoài mặt tiền của công ty cũng vậy!

Để làm chi vậy? Kể cũng lạ! Tại một quầy không xa pho tượng bao nhiêu chợt ồn ào... Thì ra một ông bạn trong đoàn trong lúc lựa mấy mặt nguyệt hình Phật Bà Quan Âm do sơ ý lỡ đánh rơi xuống mặt kính sứt một mảnh tẹo. Cô bán hàng bắt ông bạn phải lấy. Ông bạn cự rằng do sơ ý với lại ngọc gì mà mới rơi khẽ đã vỡ?! Ồn ào một hồi rồi cũng yên, ông bạn đành cắn răng bỏ ra bốn trăm tệ để thửa cái thứ không muốn ấy.

... Rời vương quốc ngọc Vân Nam, trong túi tôi trĩu hai cái lọ cắm bút lông màu thạch lựu mà ông bạn sành ngọc đã thẩm định hộ trước khi mua đây là đá thật 100%. Giá mỗi thứ là 260 tệ. Khi trả tiền, tôi hỏi cô bé má hồng hồng viết biên lai rằng sao không có giấy bảo hành chung thân thì cô cứ cười cười rồi lắc đầu...

Cái màu hồng phấn trên má cứ dậy mãi lên. Được lẫn lãi là cái màu ấy chăng?

Kỳ I: Đệ nhất cảnh quan

Kỳ III: Người cổ quái làm sống dậy một nền văn hóa 

MỚI - NÓNG