Tôi được học lại lịch sử từ ông Ẩn

Tôi được học lại lịch sử từ ông Ẩn
12 giờ 20 phút hôm nay, 9-12, 12 tập phim Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn sẽ lần lượt phát sóng trên kênh HTV9 dẫn dắt người xem khám phá cuộc đời của một trong những điệp viên tài ba, bí ẩn nhất lịch sử VN.

>> "Điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn

Tôi được học lại lịch sử từ ông Ẩn ảnh 1

Phim mở màn với hình ảnh một VN thanh bình, trên màn ảnh hiện ra cảnh những vị khách nước ngoài đang trầm ngâm đứng trước những bức ảnh chiến tranh trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Ống kính máy quay quét qua những hình ảnh kinh hoàng về vụ thảm sát Mỹ Lai khiến người xem không khỏi rùng mình. Một quá khứ bi thảm ùa về. Chiến tranh là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra và đã biến cuộc đời bình thường của nhiều con người trở thành không- bình- thường. Phạm Xuân Ẩn là một trong số đó, ông đã sống cùng lúc hai cuộc đời mà cuộc đời nào cũng rất thật, rất người.

- Một đạo diễn nữ như chị sao lại chọn đề tài khá hóc búa-phim tài liệu tình báo - và một nhân vật không chịu nói về mình như Phạm Xuân Ẩn để làm phim?

Tôi được học lại lịch sử từ ông Ẩn ảnh 2

- Đạo diễn Lê Phong Lan: Ý tưởng làm bộ phim tài liệu về Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn xuất phát từ lòng ngưỡng mộ tôi dành cho ông. Tôi được nghe nhiều người nói về nhân vật huyền bí này và cũng đã đọc nhiều cuốn sách, bài báo viết về ông. Cách đây nhiều năm, khi đạo diễn Philips Noyce sang VN để tìm hiểu làm bộ phim Người Mỹ trầm lặng, ông đã tìm đến ông Phạm Xuân Ẩn và cả hai đã cùng nhau đi chọn cảnh.

Chính ông Ẩn là người khiến Philips Noyce thay đổi quyết định chọn một người VN thủ vai một cô gái Việt thay vì chọn một nữ diễn viên người Ấn Độ như dự định ban đầu. Tất cả những điều đó đã khiến tôi càng tò mò muốn tìm hiểu nhiều hơn về ông Phạm Xuân Ẩn. Từ đó trong đầu tôi bắt đầu hình thành ý tưởng kịch bản, giai đoạn này mất đến 2 năm trời.

- Chỉ hình dung Phạm Xuân Ẩn qua những trang giấy, qua lời nói của người khác đến khi trực tiếp đối diện với một nhà tình báo tài ba bằng xương bằng thịt, chị có sợ mình không đủ sức để vẽ lại chân dung của ông bằng hình ảnh hay không?

- Ngay từ đầu gặp ông tôi đã bị “khớp”, “khớp” không phải vì ông là một nhà tình báo mà vì ông là một nhà báo. Buổi đầu tiên gặp mặt, tôi không dám đề cập đến chuyện làm phim, chuyện công việc của ông mà chỉ bắt đầu bằng những đề tài đời thường như chuyện chăm sóc chim hoa cá cảnh-những thứ ông rất thích.

Dần dần qua những câu chuyện như vậy ông mới bắt đầu kể cho tôi nghe những gì tôi cần tìm hiểu. Cuộc đời của ông đã trải qua những gì phức tạp nhất nên giờ đây có thể nói mọi thứ ở ông đã đạt đến mức độ giản dị nhất, chính sự giản dị đó của ông đã khiến tôi cảm thấy tự tin hơn để hoàn thành bộ phim.

- Mượn toàn bộ sự kiện lịch sử của đất nước để nói về nhân vật chính, lấy cái chung để nói về cái riêng thật là một ý tưởng độc đáo?Vì sao chị chọn cách thể hiện như vậy?

- Nếu chỉ nói về một người tình báo hoàn hảo rất khó vì trong thời điểm làm phim xã hội cũng chưa thực sự cởi mở với vấn đề này. Bộ phim lại liên quan đến nhiều bí mật quốc gia, có thể ảnh hưởng đến cuộc đời người thân của những nhân vật được nhắc đến trong phim nên việc tiếp cận với các tài liệu, nhân vật cực kỳ khó. Hơn nữa, theo tôi, trong bất cứ cuộc chiến tranh dân tộc nào, đằng sau chiến công của một người đều có chiến công của nhiều người. Một người làm tình báo thì cả gia đình cũng làm tình báo.

- Năm năm trời làm phim, những khó khăn nào chị đã trải qua?

- Tài liệu về Phạm Xuân Ẩn nhiều nhưng phần lớn do người nước ngoài viết nên không có nguồn kiểm chứng, nhiều thông tin về phía VN chưa được giải mật, bản thân nhân vật lại không muốn nói gì nhiều về công việc của mình, hơn nữa sức khỏe của ông cũng không cho phép nên không dưới 10 lần đoàn phim ôm máy đến rồi phải về không.

Nhờ sự ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình của gia đình ông, Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng và những người bạn nước ngoài như giáo sư Larry Berman-tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo, đoàn phim mới có được những thước phim tư liệu quý giá, trong đó có nhiều tư liệu chưa từng công bố về chiến tranh VN, hình ảnh về tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, buổi chào cờ của ông Phạm Xuân Ẩn tại Tổng cục 2, cảnh kho lưu trữ hồ sơ những nhân viên tình báo VN...

- Nhiều lần tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, chị học được những gì từ ông?

- Thú thật trước khi làm phim này kiến thức lịch sử VN của tôi rất lơ mơ nhưng từ khi gặp ông tôi như được học lại lịch sử lần nữa, học thật sự bởi ông có cách nói chuyện rất tuyệt vời, đi thẳng vào trí nhớ người khác, bất cứ điều gì ông nói ra đều có kèm dẫn chứng đầy đủ.

- Phim đã làm xong, có điều gì khiến chị hối tiếc ? Dự án tiếp theo của chị là gì?

- Trước khi mất, ông hứa với tôi 3 điều, thứ nhất giúp đoàn phim thông tin từ phía Mỹ, thứ hai giúp thêm thông tin cho nội dung phim, ví dụ về các trận đánh, các mốc lịch sử và cuối cùng là sẽ nói về bản thân và những chiến công của ông. Tiếc là ông không kịp hoàn thành lời hứa đó.

Tôi đang bắt tay làm 6 tập phim về chiến dịch Mậu Thân 1968 và bộ phim về chân dung một vị tình báo mà hiện tại cho phép tôi được giấu tên nhân vật.

Màn hình đang chiếu tập cuối cùng Ký ức về người anh hùng, ống kính chĩa vào ông Phạm Xuân Ẩn đang nằm yên trên giường bệnh, quanh người ông chi chít các dây truyền, nhà tình báo-nhà báo lừng lẫy một thời đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc giờ đây không thoát được quy luật khắc nghiệt của tạo hóa.

Tôi thoáng thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má đạo diễn Lê Phong Lan. Năm năm tiếp xúc với nhân vật, vậy mà đến khi ông qua đời, Lê Phong Lan vẫn không có tấm hình nào chụp chung với ông, có lẽ đây mới là điều chị hối tiếc nhất.

Theo Hương Nhu
Người Lao động

MỚI - NÓNG