Tôi không mang cái giải đặt vào trang viết

Tôi không mang cái giải đặt vào trang viết
TP - Trần Thị Hồng Hạnh im lặng khá lâu sau khi đoạt giải Nhất một cuộc thi văn chương ở TPHCM khiến nhiều người không khỏi lo lắng về sức sống của giải thưởng.
Tôi không mang cái giải đặt vào trang viết ảnh 1
Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh

Nhưng mới đây, chị đã khiến bạn đọc bất ngờ khi lần lượt cho ra đời hai tập sách. Bên cạnh đó là vài kịch bản phim truyền hình đang chờ bấm máy. Hiện chị đang làm báo. Văn - báo - kịch truyền hình, nhiều người gọi đùa chị là nhà văn "3 trong 1".

Sau Bài học đầu tiên được giải, chị lần lượt cho ra hai tập sách. Xin hỏi, giải thưởng có tạo thêm động lực cho chị?

Giải thưởng là một giấy thông hành cho tôi rộng đường hơn vào chốn "trường văn trận bút" và cũng có gây đôi chút rắc rối khó chịu vì những lời đàm tiếu này nọ.

Giải thưởng đúng là một trong những động lực để tôi tiếp tục viết lách nhưng không phải là yếu tố quyết định. Tôi nghĩ chẳng ai mang cái giải thưởng đặt vào trang viết của mình cả.

Nếu Bài học đầu tiên không đoạt giải Nhất, thậm chí không đoạt giải gì, thì thời điểm đó, chị sẽ thế nào?

Hồng Hạnh lúc đó sẽ tiếc nhất là không có được năm chục triệu đồng, chỉ vậy thôi, rồi tiếp tục sống đời của một người làm báo. Nếu nói là tôi chưa từng mong mình được giải Nhất thì là nói dối. Nhưng, tôi cũng đủ tỉnh táo để không hy vọng quá đáng, vì Bài học đầu tiên phê phán mặt trái của ngành giáo dục, chưa chắc người ta chịu trao giải thưởng cho tôi! Lúc đó tôi nghĩ vậy.

Chị nhìn nhận các cuộc thi văn học hiện nay như thế nào? Nó có ý nghĩa gì đối với những cây viết trẻ? Chị có định tham gia thi nữa hay không?

Các cuộc thi là một loại "thuốc kích thích" lành mạnh cho sự phát triển của văn học. Đi thi, nhà văn có giải: vừa có tiền, vừa có tiếng. Ban tổ chức được bản thảo, in sách bán được vì công chúng quan tâm đến. Nhà truyền thông có đề tài để viết báo. Độc giả có thêm một kênh lựa chọn.

Tôi chưa dự định thi thố lần nữa. Tại vì… tôi vừa mới viết xong Quái vật, người cứ như trống rỗng, viết không nổi nữa. Viết văn không giống viết báo, viết báo cứ bấm nút là viết khi có đề tài, khi bị sếp giục… Còn viết văn, không ai giục mình được, cũng không viết theo đơn đặt hàng được.

Liệu có phải văn chương không đủ sức "níu chân" nên buộc chị phải chuyển sang lĩnh vực khác?

- Năm 2005 là một bước ngoặt với Hồng Hạnh, đang là một cô giáo, tháng 7 chị được một tờ báo ở TPHCM nhận vào làm. Tháng 9, giải thưởng Văn học tuổi 20 lần III (do Hội nhà văn TPHCM cùng một NXB và một tờ báo tổ chức) được công bố. Hồng Hạnh đoạt giải Nhất với tập "Bài học đầu tiên".

- Vừa in "Chuyện của nhóc Bill", mới đây nhất là "Quái vật" (NXB Văn học và Công ty sách Bách Việt ấn hành).

- Kịch bản "Mùa hè sôi động" đã được dựng thành phim, dự định phát sóng tháng 7 năm nay. Hồng Hạnh đang có 2 hợp đồng viết kịch bản khác.

Văn chương là cõi riêng, là nơi để tôi tự thương mình, để tôi sống với những mơ màng, khát vọng, trông đợi của mình. Làm sao mà bỏ! Viết kịch bản là một niềm đam mê khác của tôi.

Điện ảnh rất thú vị và có sức mạnh chia sẻ đặc biệt. Truyền hình là một kênh thông tin hữu hiệu. Tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của tôi về cuộc sống và con người thông qua những hình tượng nhân vật trong phim và mong tìm thấy sự đồng cảm của khán giả với mình.

Tôi nghĩ, một tác phẩm không có tính nhân văn, không hướng đến con người, không vì con người mà viết (trong đó có con người là chính bản thân tác giả nữa) thì không nên công bố, không nên in ấn làm gì cho tốn giấy, mỗi cuốn sách ra đời là một cây rừng bị đốn đi, nên đừng in những quyển sách không có tính nhân văn, không biết yêu thương con người!

Chị từng phát biểu: "Tôi cần bạn đọc. Việc đưa tác phẩm lên blog khiến cho tôi thấy hứng thú", rồi chị lại in sách. Chị thấy có điểm gì khác nhau giữa văn học mạng và văn học truyền thống?

Nếu đã là một tác phẩm văn học thực sự thì dù chuyển tải nó đến người đọc bằng bất cứ phương thức nào vẫn là văn học. Còn không phải văn học thì mãi mãi là không phải.

Có tác phẩm hay và có sáng tác dở, có cái sẽ tồn tại được với sự thử thách của thời gian, có cái được tung hô nhất thời nhưng không ai muốn đọc lại. Hãy để thời gian làm công việc sàng lọc của nó.

Tôi ủng hộ sự đa dạng. Tại sao cứ bắt nhà văn này phải viết giống nhà văn kia và tại sao phải chỉ có một cách thức phát hành là in trên giấy?

Nhiều người gọi đùa chị là nhà văn "3 trong 1", chị còn là người vợ, người mẹ nữa. Chị thu xếp mọi việc như thế nào?

Gom ba nhà thành một nhà, gọi chung là "nhà công việc". Còn người vợ - người mẹ chung một "rọ", gọi là "gia đình". Tôi cố gắng phân chia thời gian cho hợp lý. Ví dụ như, khi con ngủ thì hãy làm nhà công việc chẳng hạn. Thu ngắn lại những buổi cà phê, gặp gỡ bạn bè, tán chuyện linh tinh. Chỉ dành thời gian cho chồng, con và cho công việc thôi.

Cái kiểu như thế cũng ít nhiều ảnh hưởng, làm mình ít bạn. Nhưng thôi, được này phải mất kia. Đành hỏi han bạn bè qua email thôi. Nghĩ cũng tệ nhỉ?

Chân thành cảm ơn chị.

Hồ Huy Sơn
thực hiện

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.