Tôi không mang sứ mệnh gì khi viết văn

Tôi không mang sứ mệnh gì khi viết văn
TP - Doris Lessing được nhà phê bình Irving Howe gọi là “nhà khảo cổ về các mối quan hệ con người” và “nhà sử thi” trong tuyên bố trao giải Nobel Văn học 2007. Nhưng nữ văn sĩ cho biết, bà viết văn là lựa chọn tự nhiên, không mang bất cứ sứ mệnh nào.
Tôi không mang sứ mệnh gì khi viết văn ảnh 1
Nữ văn sĩ Doris Lessing trong vòng vây báo chí sau khi nhận tin đoạt giải Nobel

Trong trích dẫn của mình, Viện Hàn lâm Thụy Điển miêu tả bà như “nhà sử thi của những trải nghiệm phụ nữ, người với sự hoài nghi, lòng nhiệt huyết và khả năng nhìn xa trông rộng đã đưa nền văn minh bị chia cắt này ra khảo sát kỹ lưỡng”. Bà có nghĩ điều đó đã gần nắm bắt được nhiệm vụ viết văn của mình?

Ồ, thực sự tôi không biết họ nghĩ gì khi viết thế. Ý tôi là họ phải đối mặt với một số lượng và phạm vi rất lớn các tác phẩm. Tóm tắt được nó hẳn là điều kinh khủng.

Vậy bà có nghĩ mình mang một sứ mệnh nào đó khi viết văn chứ không chỉ là kể ra các câu chuyện?

Hoàn toàn không. Đừng quên rằng chúng ta đã có rất, rất nhiều ví dụ không đúng về nhà văn như là kỹ sư của tâm hồn.

Vậy bà để cho độc giả tự tìm thấy sứ mệnh trong các tác phẩm của mình?

Độc giả hình thành nên ý kiến của họ và nhà văn chấp nhận nó. Nếu họ cảm thụ hoàn toàn sai những gì bạn viết thì quả thật bạn cũng không thể làm được gì.

Bạn không thể sau đó đưa ra một tuyên bố nói rằng: “Này, điều đó chẳng đúng chút nào. Tôi muốn nói đến những thứ khác”. Không, không, bạn viết và sau đó độc giả tạo nên những gì họ muốn.

Giải thưởng Nobel sẽ khuyến khích hàng triệu người đến với tác phẩm của bà. Vậy với những ai chưa từng đọc tác phẩm của bà thì họ nên bắt đầu từ tác phẩm nào?

À tôi sẽ gợi ý một vài điều mà có thể khiến anh ngạc nhiên, đơn giản bởi tôi biết những bạn trẻ thích nó. Đó là Đứa con thứ năm. Một truyện phiêu lưu tên là Mara và Dan mà các bạn trẻ ưa thích… Rồi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, Cỏ hát, vẫn còn sống động. Có lẽ họ nên thử thế.

Sức viết của bà thật phi thường và tôi tin rằng một số người sẽ băn khoăn làm thế nào mà bà có thể sản sinh ra nhiều tác phẩm đến vậy. Phải chăng bà có niềm đam mê công việc không ngừng nghỉ? Hay chỉ là có quá nhiều câu chuyện để kể? Điều gì đã buộc bà làm việc như thế?

Ồ, tôi tự buộc tôi. Tôi chẳng làm gì khác. Tôi không có một đời sống xã hội phong phú và tôi bị hạn chế bởi các điều kiện khác. Anh biết đấy, nếu không thế tôi sẽ phung phí cuộc sống của mình vào vui chơi, thứ tôi rất giỏi bởi tôi là một con người xã hội bẩm sinh.

Về các phong cách mà bà viết. Bà vận dụng gần như mọi thứ, trừ thơ. Đó là sự lựa chọn ý thức để thử và mở rộng các thể loại hay chỉ là các hình thức mà bà cần sử dụng để biểu đạt mình?

Không, khi tôi có một ý tưởng, một câu chuyện, hay gì đó trong tâm trí thì nó phải tìm lấy sự biểu đạt hợp lý. Bạn biết đấy, tôi không thể nói, “Mình sẽ viết một tác phẩm hiện thực 50 ngàn từ”.

Câu chuyện quyết định tôi sẽ phải viết nó thế nào. Câu chuyện quyết định các hình thức kể nó. Cho nên tôi đã viết rất nhiều phong cách khác nhau, nếu bạn muốn gọi nó như thế, bởi vì tôi viết rất nhiều câu chuyện khác nhau. Đó không phải là vấn đề muốn thử cái này hay cái kia.

Có lẽ việc sử dụng những phong cách phi truyền thống đã khiến cho mãi đến tận bây giờ Viện Hàn lâm Thụy Điển mới quyết định trao giải Nobel cho bà?

Tôi nghĩ có lẽ thế, những người trong Ủy ban Nobel luôn không thích cái mà họ gọi là “Khoa học giả tưởng”. Theo tôi nghĩ, đó là một cái tên rất sai lầm mà họ đã sử dụng, nhưng có lẽ họ đã bị rối trí bởi những cuốn như Những hồi ức của một người sống sót (Memoirs of a Survivor) hay Chỉ dẫn cho cuộc tấn công xuống địa ngục (Briefing for a Descent into Hell).

Dường như có rất nhiều người vui mừng với sự lựa chọn này. Tiếng reo hò đã nổi lên vang dội khi  Horace Engdahl thông báo tên của bà.

Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn anh.

Đăng Ngọc
Lược dịch theo Nobelprize.org

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.