Tôi làm giám khảo Hoa hậu ASEAN 2005

Tôi làm giám khảo Hoa hậu ASEAN 2005
Khi thí sinh Philippine, Jhezarie Javier bước vào... Tôi chủ động hỏi cô đầu tiên. Tôi nói : Jhezarie Javier xin chào cô. Cô có nghĩ rằng thời gian là kẻ thù của sắc đẹp hay không ?

Kết thúc ngày trực tiếp phỏng vấn thí sinh, Ban tổ chức có mời các thành viên  giám khảo dự tiệc chiêu đãi (ngoài một số bữa được mời, các thành viên giám khảo phải tự lo ăn uống). Bữa tiệc là một cuộc hội ngộ thân mật, mọi người hỏi han nhau về gia đình, về các sở thích v.v…

Suốt bữa tiệc, bà Khin Myint Myint, giám khảo Myanmar trở thành nhân vật trung tâm. Bà từng là Hoa hậu Myanmar từ năm 1961, đã từng đi dự thi Hoa hậu Thế giới cùng năm. Thú thật, hôm đầu tiên gặp bà, tôi hoàn toàn không tin khi được giới thiệu bà từng là hoa hậu. Tôi sợ người ta nghe nhầm, hay mình kém tiếng Anh nên nghe nhầm! Nhưng khi hỏi lại, biết bà không những là cựu hoa hậu mà còn là một nhân vật nổi tiếng và có thế lực ở Myanmar.

Trong suốt thời gian phỏng vấn các thí sinh, bà rất có cảm tình với Thảo Hương, thí sinh Việt Nam. Bà bảo tôi: Cô ấy đẹp quá, da trắng thế ! Cuộc phỏng vấn trực tiếp của Ban giám khảo với từng thí sinh kéo dài gần một ngày. Các thí sinh ở một phòng riêng tầng trên, có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt, không cho một ai vào. Cả 8 thí sinh ngồi đợi ở đó. Mười vị giám khảo được phát mỗi người một tập phiếu chấm điểm có 8 tờ, mỗi tờ dành cho một thí sinh, với các thang điểm: trí tuệ: tối đa 40, tối thiểu: 30; điểm nhân cách: tối đa 30, tối thiểu 20; điểm sắc đẹp, tối đa: 30, tối thiểu: 20.

Các giám khảo phải ghi tên mình ở đầu phiếu điểm và ký tên vào cuối tờ phiếu. Các thí sinh lần lượt từng người được mời vào  phòng chấm (căn phòng này chỉ có Ban giám khảo và từng thí sinh được mời vào, ngồi trên một chiếc ghế, ngoài ra không một ai được ra vào). Giám khảo Thái Lan đề nghị có phiên dịch câu hỏi cho hai thí sinh Việt Nam và Thái Lan nhưng bị gạt ngay. Các thí sinh và giám khảo phải tự hỏi và tự trả lời bằng tiếng Anh.

Từng thí sinh được mời vào. Thí sinh đầu tiên là Hoa hậu Indonesia. Mười giám khảo, mỗi người hỏi một câu. Câu hỏi của mỗi giám khảo được thí sinh trả lời và cả mười vị giám khảo đều nghe và tự mình đánh giá. Giám khảo ai muốn hỏi gì thì hỏi không quy định hay hạn chế lĩnh vực nào.

Đêm trước, tôi đã tự chuẩn bị sẵn cho mình mấy chục câu hỏi, nhờ anh Thắng, một Việt kiều ở Indonesia soạn ra tiếng Anh cho chuẩn và tập phát âm cho chính xác… Mỗi thí sinh, tôi chỉ hỏi một câu. Các giám khảo khác, có người hỏi hai ba câu một thí sinh. Nhiều thí sinh toát mồ hôi, dù phòng làm việc máy điều hoà rất mát.

Tôi chú ý nhất là thí sinh của Việt Nam. Giám khảo Malaysia hỏi Thảo Hương: Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, thấy các vị đàn ông ngồi gác đùi uống cà phê, hoặc đánh cờ ở các quán còn phụ nữ  thì cặm cụi làm việc thật vất vả, cô (Thảo Hương) có cách gì để thay đổi điều đó không? Thảo Hương trả lời đại ý: Thực ra, đàn ông Việt Nam rất cần cù, họ làm việc để nuôi cả gia đình, họ yêu thương vợ con, điều mà bà thấy có lẽ chỉ là bề ngoài, là sau những giờ làm việc vất vả họ nghỉ ngơi, thư giãn bằng tách cà phê hay ván cờ…

Tôi làm giám khảo Hoa hậu ASEAN 2005 ảnh 1
Ban giám khảo đang làm việc

Giám khảo Singapore hỏi tiếp Thảo Hương cũng về chủ đề này: Tôi thấy nhiều phụ nữ Việt Nam  sang Singapore để lấy chồng, phải chăng đàn ông Việt Nam không tốt? Thảo Hương trả lời đại ý: Theo tôi thì đàn ông Việt Nam nhiều người rất tốt, những phụ nữ Việt Nam sang Singapore lấy chồng phải chăng đàn ông Singapore đẹp trai hơn!

Các thành  viên Ban giám khảo vỗ tay tán thưởng trước câu trả lời có phần dí dỏm của thí sinh Việt Nam. Gặp nhau trên chuyến bay về Việt Nam, Thảo Hương kể với tôi rằng, các thí sinh đều nói giám khảo Việt Nam hỏi khó quá! Hương kể, hôm phỏng vấn về thí sinh Malaysia khóc, bảo không trả lời được câu hỏi của giám khảo Việt Nam vì khó quá. Thảo Hương hỏi khó như thế nào? Thí sinh Malaysia kể lại. Thảo Hương cười, thì có gì là khó. Hỏi thủ đô Singapore ư? Ai cũng biết Singapore làm gì có thủ đô. Nói đúng hơn, thủ đô Singapore chính là Singapore City. Dễ ợt thế mà cũng không trả lời được!

Thí sinh Malaysia lau nước mắt: ồ, thế mà mình không nghĩ ra!

Mỗi thí sinh sau khi trả lời xong các câu hỏi của 10 thành viên giám khảo, ra một lối khác, vào một phòng khác ngồi, không được ra ngoài.

Khi thí sinh Philippine, Jhezarie Javier bước vào, cô cúi chào rất lịch thiệp và nói: Các vị trong ban giám khảo có khoẻ không ạ?

Tôi chủ động hỏi cô đầu tiên. Tôi nói: Jhezarie Javier xin chào cô. Cô có nghĩ rằng thời gian là kẻ thù của sắc đẹp hay không?

Jhezarie Javier hướng về phía tôi, với nụ cười rất tự tin. Cô nói: Cảm ơn ngài về câu hỏi mà tôi cho là rất hay. Thưa ngài và Ban giám khảo, theo tôi thì thời gian không là kẻ thù của sắc đẹp. Theo thời gian nhan sắc của người phụ nữ có thể tàn phai nhưng cùng theo thời gian thì vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nhân cách, vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ, ngày càng đẹp hơn nếu ta biết tự hoàn thiện bản thân mình…

Cả Ban giám khảo vỗ tay. Ông Shulano – Trưởng Ban giám khảo nói: Câu hỏi rất hay và câu trả lời cũng rất hay. Ngày phỏng vấn này là 60% điểm còn 40% dành cho thí sinh trình diễn và trả lời câu hỏi đêm chung kết.

Bữa tiệc chiêu đãi sau khi kết thúc ngày phỏng vấn, tôi gần như không ăn được gì vì các món ăn dân tộc Indonesia hoặc là rất cay, hoặc là rất chua, hay rất mặn so với khẩu vị của tôi. Đêm ấy, tôi đói, không ngủ được và nằm nghĩ về khái niệm thời gian và sắc đẹp.

Tôi nghĩ đến bà Khin Myint Myint đầu tiên. Bà từng là Hoa hậu Myanmar và đi thi Hoa hậu Thế giới năm 1961. Năm nay bà 63 tuổi. Thú thật, tôi không thấy một dấu vết nào của vẻ đẹp thiếu nữ ở bà của hơn 30 năm trước. Bà đưa cho chúng tôi xem tập ảnh chụp năm 19 tuổi, năm bà đoạt vương miện Hoa hậu Myanmar, cả ảnh bà đi thi Hoa hậu Thế giới… Chúng tôi ngắm cô gái xinh đẹp, trẻ trung và hiền dịu qua những tấm ảnh bà đưa. Quả thực, hồi ấy, bà có vẻ đẹp của một cô gái Á Đông thật quyến rũ. Bà nói, ngày ấy vòng eo của bà là 59. Bây giờ… tôi nhìn bà và ước vòng eo gấp đến 3 lần.

Suốt gần 1 tuần làm việc với bà trong Ban giám khảo, tôi ngày một có cảm tình với bà hơn. Dù bây giờ bà là chủ một hệ thống khách sạn vào loại bậc nhất ở Myanmar, một người giàu có, nổi tiếng và quyền lực, nhưng trông bà lúc nào cũng hồn nhiên. Bà có những nhận xét thông minh, dí dỏm và luôn là một người nhã nhặn. Bà giới thiệu với tôi chồng bà, con trai bà (cùng đi), trông họ đều khoẻ mạnh và tràn trề hạnh phúc. Bà có một cô thư ký luôn ở bên cạnh, rất xinh đẹp, nói tiếng Anh rất thạo. Thời gian đã làm mất đi vẻ đẹp bên ngoài, nhưng ngược lại, thời gian đã cho bà một vẻ đẹp về trí tuệ, về tài năng, về nhân cách… Tôi cố tìm một nét buồn nào trên gương mặt bà khi bà đứng trước những cô gái trẻ trung xinh đẹp nhưng không hề nhận thấy… Vẻ đẹp của bà, chính là vẻ đẹp của thời gian...

 (Còn nữa)

Bài 1: Ba tiêu chí và con số 11

MỚI - NÓNG