Nhà văn Natalie Babbit:

Tôi tìm cảm hứng từ những câu hỏi

Tôi tìm cảm hứng từ những câu hỏi
TP - "Nhà Tuck bất tử", cuốn sách nhận nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi, vừa được xuất bản ở Việt Nam. Tác giả kể về bí mật sáng tạo của mình, không xa rời thế giới tuổi thơ là bao.

Khi còn bé bà muốn lớn lên làm gì?

Khi chưa đi học thì tôi muốn làm cướp biển, bắt đầu đi học lại muốn làm thủ thư. Đến năm lớp bốn, có được quyển Alice ở xứ sở thần tiên và Alice qua tấm gương soi, tôi chắc chắn mình muốn thành người vẽ tranh minh họa truyện trẻ em.

Khi nào bà nhận ra mình muốn thành nhà văn?

Tôi thậm chí không nghĩ đến chuyện viết lách. Chồng tôi đã viết truyện cho quyển sách (minh họa) đầu tiên của tôi, nhưng rồi ông ấy không muốn viết nữa, và thế là tôi phải bắt đầu tự viết. Dù sao, cũng phải có câu chuyện rồi mới có thể vẽ hình minh họa được chứ.

Kỷ niệm tuổi thơ bà thích nhất?

Những lúc cùng chị gái nằm cuộn tròn rúc vào người mẹ, nghe mẹ đọc truyện.

Hồi còn đi học bà học dở nhất môn nào?

Số học. Hình như giờ là môn toán thì phải.

Và giỏi môn nào nhất?

Nghệ thuật và kế đến là Tiếng Anh.

Bà tìm nguồn cảm hứng sáng tác ở đâu?

Tôi chủ yếu viết về những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp của mình từ hồi học cấp một đến giờ.

Nhân vật nào trong các tác phẩm  giống bà nhất?

Những nhân vật chính trong tất cả những truyện dài đều giống tôi, nhưng tôi nghĩ Winnie Foster trong Tuck Everlasting (Nhà Tuck bất tử) là giống tôi nhất.

Bà làm việc hiệu quả nhất vào sáng sớm hay đêm khuya?

Không phải hai thời điểm đó, thật sự là vậy. Tôi gần như hoạt động hiệu quả nhất vào khoảng giữa ngày.

Nhân vật tưởng tượng mà bà yêu thích nhất là ai?

Đương nhiên Alice trong Alice ở xứ sở thần tiên và Alice qua tấm gương soi.

Bà sợ điều gì nhất?

Tôi có một nỗi sợ hãi mà chúng ta vẫn thường gặp khi còn nhỏ và đến giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh, đó là sợ bị bỏ rơi.

Bà muốn độc giả nhớ nhất điều gì về những cuốn sách của mình?

Những câu hỏi không lời đáp.

Bà sẽ làm gì nếu không cầm bút nữa?

Dành thời giờ chơi trò giải ô chữ và các trò khác, và luyện chơi những bản nhạc hay ngày xưa, trên dương cầm.

Điều gì ở bà khiến độc giả ngạc nhiên nhất nếu họ biết được?

Có lẽ là việc tôi tin rằng viết sách là điều khác xa với việc trở nên quan trọng. Thứ quan trọng nhất mà ta có thể làm là trở thành thầy cô giáo. Còn với những người cũng viết lách như tôi, tôi luôn tin rằng cả họ và tôi nên dừng viết trong vòng 50 năm.

Có quá nhiều sách hay mà chẳng có đủ thời gian đọc hết. Nhưng giới nhà văn chúng ta cứ cho ra hoài. Dù sao chăng nữa, chúng tôi chỉ có thể hy vọng ít nhất độc giả cũng sẽ tìm được chút thời giờ để đọc sách.

Natalie Babbit sinh 1932 ở Danton, Ohio, Mỹ. Hiện sống ở Rhode Island. Tác giả nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi. Tác phẩm The eyes of the Amaryllis và Nhà Tuck bất tử hai lần được dựng phim. Cuốn mới nhất của bà là Jack Plank Tells Tales (2007).

Natalie Babbit lựa chọn lối viết giản dị - như khao khát cuộc sống bình thường của mỗi thành viên trong gia đình Tuck bất tử. Phần kết không hẳn hoàn hảo nhưng bao hàm ý nghĩa sâu xa về cuộc sống và cái chết. Vượt qua những vòng hào quang lấp lánh của sự trường sinh, cuộc sống bình thường mới là điều đáng trân trọng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.