Tôi xem nhạc Việt ở San Jose

Tôi xem nhạc Việt ở San Jose
TP - Đầu mùa hè, lần đầu tôi xem một chương trình ca nhạc Việt Nam trên đất Mỹ. Tại thành phố San Jose thung lũng hoa vàng, nơi rất đông người Việt sinh sống. Hầu như tuần nào San Jose cũng có show.

> Ngọc Hân xinh đẹp khi lần đầu làm ca sĩ
> Méo mó showbiz Việt

Ca nhạc hay tạp kỹ?

Khán giả chương trình Ru tình- Trịnh Công Sơn (7/4/2013) đa phần trung niên, ăn mặc lịch sự. Thấp thoáng Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Quang Linh tươi cười bên bàn bán đĩa. Vé ghi mở màn lúc 6 giờ chiều. Hơn 7 giờ nhà hát mới mở cửa. Ông bầu Dũng tự tay xé vé. Tôi đã định cự về lỗi chính tả ghi trên vé nhưng nhìn vẻ mặt buồn buồn của Dũng, đành thôi. Vào rạp, mới biết vì sao Dũng buồn. Nhà hát nhỏ bảy trăm chỗ ngồi, chỉ kín phân nửa.

Màn còn khép, ông bầu khụng khiệng bước ra. Đầu tiên, ông nói như hờn như trách việc San Jose không mặn nồng với ông. Cũng chương trình này quận Cam đông kín rạp. Ở đây “thiếu chỗ ngồi, thừa chỗ nằm”.

 “Tôi nói những điều này bởi tôi yêu giọng hát của Tùng Dương và các bạn. Bởi tôi hiểu nghệ sĩ phải lao động vất vả thế nào để có được vị trí trong lòng người mộ điệu. Đừng vì chút cat-xê mà đánh mất đẳng cấp đã tốn công gây dựng”.  

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

Cụm từ mà ông cho rằng rất hài hước này, sẽ được ông hờn đi trách lại suốt đêm. Rồi ông nói tại sao đầu tiên chương trình có tên là Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn và Phạm Duy, giờ lại có mỗi họ Trịnh. Tôi đã nói với họ, gia đình Phạm Duy là chương trình không ghi hình thu đĩa gì mà người ta vẫn đòi tiền bản quyền.

Người ta đưa ra một con số kinh sợ, một con số mà nếu tôi đồng ý thì giá vé của quý vị sẽ tăng lên 10 đô- la! Khuôn mặt Dũng rất biểu cảm, như đang kể chuyện kinh dị. Tôi đồ rằng Dũng hiểu luật sở hữu trí tuệ nhưng Dũng có máu cò con. Tôi nhìn khán giả xung quanh, đã bỏ ra 75 đô la, 100 đô la để tới đây, chẳng cớ gì họ tiếc 10 đô la.

Rồi Dũng khai mở đề tài gia đình anh. Một màn tấu hài dở tệ. Khiếm nhã, vô duyên. Tôi nghĩ có thể ca sĩ chuẩn bị chưa xong nên phải câu giờ. Nhưng một người đi xem nhiều lần cho biết đó là tính của bầu Dũng.

Lê Hồng Hải, kỹ sư công nghệ, có tài đàn hát, thường xem các buổi biểu diễn ca nhạc ở San Jose cho biết chỉ chương trình do Dũng đen tổ chức mới có kiểu tấu hài như vậy, khi tôi băn khoăn về văn hóa MC. Hải nói các chương trình khác MC rất lịch sự, ngắn gọn. Hoặc có tấu hài thì vẫn chấp nhận được như kiểu Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Vậy sao người ta vẫn tới xem chương trình Dũng làm? Vì không hiểu bằng cách nào, chương trình của Dũng luôn mời được ca sĩ đình đám. Cát xê cao, đối xử tử tế? Những gì tôi nghe sau đó từ một vài ca sĩ hát đêm ấy, cho câu trả lời khác hẳn. Nghe đâu nhạc sĩ Thanh Phương một lần từ Việt Nam qua cộng tác với Dũng, về bị sốc, phải kêu trên mạng.

Trở lại đêm nhạc Chủ nhật. Tại sao không thứ sáu, thứ bảy? Giá thuê rạp vào Chủ nhật rẻ như bèo. Vợ Dũng, ca sĩ Thu Phương biên tập chương trình kiêm ca sĩ kiêm MC. Giới thiệu thế, song Dũng mới là MC chính. Dù Phương nói chẳng ít chút nào. Có lúc Phương đương kể lể về Quang Linh thì Dũng đi ra ngắt ngang lời vợ để kể một chuyện khiếm nhã. Cứ chương trình ca nhạc là phải có MC?

Vấn đề là hát gì?

Quang Linh hát ở San Jose
Quang Linh hát ở San Jose.
 

Đêm nhạc hôm ấy, ca sĩ hát rất hay. Tùng Dương như thường lệ, vẫn lên đồng khiến khán giả trầm trồ. Hà Anh Tuấn lịch lãm, biết lấy lòng phụ nữ. Thu Phương tốn sức thay váy bốn lần và hao tâm tấu hài liên tục, nhưng giọng vẫn trầm khàn truyền cảm. Đặc biệt, Giang Trang.

Cô gái nhỏ bé không son phấn lụa là, bé nhỏ, buông tóc đen dài, thẹn thùng nói vài câu, rồi nhẹ nhàng rót những ưu tư hồn Trịnh. Em trở thành điểm nhấn cả chương trình. Khen thay ông bầu Dũng, dù lăng nhăng khiếm nhã làm rầu lòng người thưởng ngoạn âm nhạc, nhưng đã biết chọn ca sĩ để mời. Dù thế, người xem vẫn thấy thiếu hụt.

Chủ đề đêm nhạc là nhạc Trịnh song chỉ phần đầu. Một nửa chương trình là để ca sĩ “ giật tóc, móc mắt, liệng” như lời ông bầu Dũng liên tục khuyến cáo. Vậy mà người ta không được nghe Tùng Dương “ôi quê tôi chỉ còn cánh đồng” hay “ chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng”. Cũng không thấy Thu Phương kể chuyện “cô gái đến từ hôm qua”.

Lại chỉ nhạc xưa và nhạc xưa. Ừ thì chủ yếu Việt kiều. Việt kiều nhớ quê hương, luôn hoài niệm xưa cũ. Vậy hãy giúp họ hướng đến tương lai, giúp họ tươi mới hơn đi. Nếu Tùng Dương hát Quê nhà của Trần Tiến hay Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn, đảm bảo chúng tôi sẽ lặng đi, sẽ lau nước mắt, rồi vỡ òa sự tán thưởng Dương. Và sau đó sẽ đặt vé máy bay về quê hương!

Sau cùng, tôi muốn nói vài điều với Tùng Dương cũng như các ca sĩ khác thường bay show hải ngoại. Tôi nói bởi tôi yêu giọng hát của Dương và các bạn. Bởi tôi hiểu nghệ sĩ phải lao động vất vả thế nào để có được vị trí trong lòng người mộ điệu. Đừng vì chút cat-xê mà đánh mất đẳng cấp đã tốn công gây dựng.

Nhìn Dương giả lả cười cười ký đĩa, gượng gạo khoác tay ông lão bà cô vừa mua đĩa của mình trước máy chụp hình, thấy thế nào. Số đĩa bán được chỉ là hàng chục, chẳng phải hàng trăm hàng ngàn để ca sĩ phải đứng bán như bà hàng xén. Nếu Dương hay Tuấn muốn thân thiện với người hâm mộ, hãy thể hiện trên sân khấu bằng giọng hát, tiếng cười.

Nói ra điều này có thể là bất công với Tùng Dương. Bởi Việt kiều “ thổ công” Hồng Hải cho tôi biết chỉ mới thấy hai ca sĩ không bao giờ kê bàn bán đĩa trước khi trình diễn. Đấy là Khánh Ly và Tuấn Ngọc. Và vị trí của hai người đó, khỏi bàn. Vậy cớ gì, Tùng Dương…lại không làm được, khi mà Dương hát hay đến thế, riêng biệt đến thế.

San Jose, thung lũng hoa vàng, thủ phủ của người Việt phía bắc Cali sẽ còn diễn ra nhiều chương trình ca nhạc. Ông bầu Dũng rồi còn nhiều cơ hội để kể vợ mình đanh đá ra sao. Tùng Dương rồi còn xuất hiện nhiều nơi đây. Mong sao…

Có thể nhiều người cho rằng bầu Dũng làm thế vì khán giả thích thế. Không hẳn. Tôi gặp vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một tên tuổi của văn chương miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau này. Tôi thấy nghệ sĩ vĩ cầm tài hoa Khắc Quân. Tôi chạm mặt giáo sư từ Đại học Berkeley… Có người bỏ ra ngoài, có người thở dài, và có những người cười.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG