Tom Wolfe được Tổng thống Hoa Kỳ hâm mộ nhất

Tom Wolfe được Tổng thống Hoa Kỳ hâm mộ nhất
TPCN - Bên cạnh các thú giải trí như cưỡi xe đạp, đánh bóng chày, Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm rất mê đọc sách. Hồi đầu năm, tờ New York Times đã tiết lộ Tổng thống thích nhất nhà văn Mỹ Tom Wolfe, người năm nay đã 75 cái lá vàng rơi.
Tom Wolfe được Tổng thống Hoa Kỳ hâm mộ nhất ảnh 1
Tom Wolfe

Thông tin ấy như một vết dầu loang, khiến nhiều cơ quan ngôn luận toàn cầu đổ xô vào ông nhà báo chuyển sang viết văn, đem lại cho văn học Mỹ một giọng điệu riêng, không thể trộn lẫn.

Ông là con của tổng biên tập tạp chí Chủ đồn điền miền nam, vốn là một nhà nông học. Người cha luôn hào hoa phong nhã nên người con bao giờ cũng tinh tươm với bộ complet trắng muốt một mầu.

Ông nổi tiếng từ những năm 1960 với việc khởi xướng lối “văn báo chí mới”, vừa là báo “siêu hiện thực” vừa là văn kiểu thông tấn điều tra.

Sau một loạt tập phóng sự lẫy lừng, ông cho in tiểu thuyết đầu tiên năm 1987 Dàn thiêu ảo vọng, rồi 1998, Một con người, một người thực sự, và 2004, Tôi là Charlotte Simmons.

Các bộ sách đều rất dày, viết theo lối cổ của Balzac và Zola, nhưng vẫn được đón đọc và thuộc hàng bán chạy như tôm tươi. Ông được suy tôn là một trong những nhà văn Mỹ còn sống lớn nhất, cùng với Philip Roth, John Updike, Bret Easton Ellis, John Irving, James Ellfroy...

Chưa khi nào, Tom Wolfe xa rời nguyên lý: “Văn chương chỉ là một phương tiện nói lên sự thật của thời đại”. Vì vậy ông được xưng tụng là “hậu duệ của Balzac” và “một nhà văn Pháp vĩ đại”.

Sau đây chúng tôi trích giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông trên tạp chí Pháp Lire (Đọc), nhân bộ tiểu thuyết thứ ba của ông được in bằng tiếng Pháp và là một hiện tượng ở nước này.

*

- Cái gì gợi ý cho ông viết  bản buộc tội nặng nề này dành cho lớp trẻ giàu sang trong các khu đại học Mỹ?

Tom Wolfe (TW): - Khi đang thu thập tư liệu cho cuốn Một con người, một người thực sự, tôi đã quan tâm đến vấn đề trạng thái tinh thần của sinh viên các trường đại học lớn.

Bạn biết đấy, nước Mỹ đang làm mồi cho một đợt sóng trào dâng. ấy là lối ứng xử “khôn ngoan” một cách phải đạo. Rất nhiều tiểu thuyết đã bàn về chuyện này. Nhưng tôi thấy hình như không cuốn nào xem xét nó ở nơi xuất phát điểm là các trường đại học.

Đại học là nơi đào luyện nên tinh hoa của xã hội, nơi nhồi sọ đủ điều, nơi tạo ra một hệ tư tưởng và lối ứng xử vừa nêu... Nói cho đúng, lối ứng xử ấy nảy sinh trong hai môi trường: nhà thờ và đại học. Tôi từ bỏ khá nhanh hướng điều tra thứ nhất....

Đời sống các khu đại học hấp dẫn tôi vô cùng. Và khiến tôi kinh ngạc. Một công việc kinh doanh đích thực đang tồn tại trong các khu đại học, nơi mà sự tôn thờ tình dục, rượu chè, ma túy, thân xác và thể thao đã thay thế cho sự tôn thờ đời sống tâm linh.

Lớp người được gọi là có giáo dục không còn cả kỷ luật lẫn đạo lý. Ngay tôn giáo vốn bao lâu nay là rào cản ngăn chặn mọi lầm lạc của con người cũng bất lực trước thực tế này. Một lần nữa, tôi chỉ làm cái việc miêu tả sự thật.

- Vì sao ông chọn cách nhập thân vào một cô gái, Charlotte Simmons?

TW - Tôi muốn người thuật chuyện cũng ít thông tin như độc giả khi đi vào một cuộc thám hiểm hay một thiên tiểu thuyết.

Vả chăng, tôi nghĩ một trong những nguyên tắc lớn của tiểu thuyết phải là: nếu nhân vật chính biết nhiều chuyện hơn người đọc thì người đọc sẽ không tham gia vào cốt truyện, người đọc sẽ có cảm giác - được chứng minh là đúng đắn - rằng nhà văn chuyển cho mình một thông điệp chứ không phải kể cho nghe một câu chuyện.

Bạn không biết cuộc sống hàng ngày ở các khu đại học Mỹ giống cái gì phải không? Tuyệt! Charlotte Simmons sẽ cho bạn biết trong quá trình cô tự khám phá lấy điều đó.

Đại học Tổng hợp Dupont (trong tiểu thuyết) không có thật. Nó là tổng hợp của tất cả các trường đại học mà tôi đã đến thăm để viết tác phẩm. Mọi chuyện khởi đầu từ một làng nhỏ ở Bắc Carolina...

Tôi đã trao đổi nửa giờ với một cô gái sẽ đi học trong một trường đại học danh tiếng và tôi tự nhủ: Không cần phải tưởng tượng nữa, nhân vật chính là cô gái trước mặt mình đây.

- Charlotte Simmons trước hết bị sốc vì lối sống trụy lạc vốn là nguyên tắc và tục lệ ở đại học Dupont. Cuối cùng, cô lao mình vào đó, trước khi rơi vào trầm cảm... Ông muốn chứng tỏ điều gì?

- TW - Bạn vừa chạm vào vấn đề thực sự của Hoa Kỳ: ảnh hưởng cụ thể của cuộc cách mạng tình dục. Và đặc biệt ở độ tuổi, tại đó, các cô gái chuyển từ một thế giới này sang một thế giới khác mà không nhận thức được sự đổi thay, tức từ trung học phổ thông vào đại học.

Bước quá độ ấy có sức tàn phá khôn lường. Thực tế, các cô  biết rằng từ nay các cô rời bỏ thế giới của ngây thơ, trinh trắng và tuổi nhỏ; vừa bước chân vào đại học, các cô trải nghiệm ngay và lặp đi lặp những sinh hoạt xác thịt.

Các cô học được về môn này nhiều hơn về các môn mà các cô tưởng phải học tốt... Đúng ra, quyển tiểu thuyết của tôi cố gắng nêu lên áp lực ở đại học đối với giới trẻ, nhất là đối với các thiếu nữ.

Charlotte Simmons nghĩ rằng cô sắp được sống một đời sống tinh thần và trí tuệ ở trường đại học, song cô vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là một ảo tưởng, rằng thú nhục dục và rượu chi phối mọi hoạt động của cuộc sống thường ngày...

Tôi đã thăm mười hai trường đại học để viết cuốn sách. Đến trường nào, tôi cũng điều tra cẩn thận... ở đâu cũng vậy: sinh viên chú ý đến rượu và tình dục hơn học hành.

Về lâu về dài, hiện tượng ấy sẽ làm suy vi nước Mỹ... Chúng ta đang đối chất với sự buông lơi toàn diện đạo lý tình dục.

Thế mà, từ hai ngàn năm nay, đạo lý đó cho phép đàn ông và đàn bà cùng tồn tại bên nhau. Những kẻ vứt bỏ đạo lý ngàn đời đó rồi sẽ ra sao? ấy là vấn đề tôi nghiên cứu trong Tôi là  Sharlotte Simmons.

- Nhưng trong các tiểu thuyết của ông chủ đề được xử lý lại khá ít tính cá nhân?...

- TW - Thế là may vô cùng. Nếu không, điều tôi viết sẽ chẳng gây hứng thú cho ai. Tôi biết có những nhà tiểu thuyết đưa vào tác phẩm cuộc đời riêng, các vấn đề riêng của họ.

Nói chung, việc ấy dẫn đến những tai họa đáng sợ. Ta hãy xem Balzac, Zola hay Stendhal: Các vị này chắc chắn không thấy mình thật sự hay ho, và cưỡng lại được ý muốn tự viết chuyện mình. Kết quả: thiên tài biết mấy...

Nguyễn Văn Quảng
(Giới thiệu và dịch)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.