Trà kéo Malaysia trên đường phố Hà Nội

Trà kéo Malaysia trên đường phố Hà Nội
TP - Bằng động tác múa và uốn dẻo, loáng một cái, Mior Sazali, đại sứ trà kéo Malaysia đã pha chế thành công ly trà ngon lành trong sự tán thưởng của người xem.

> Điệu nghệ pha trà kéo Malaysia giữa lòng Hà Nội

Ông Mior tung cao miếng bột và bắt dính
Ông Mior tung cao miếng bột và bắt dính. Ảnh: L.A

Trong ba ngày 5,6 và 7-9, âm nhạc và các điệu múa vui nhộn của 12 nghệ sỹ đến từ Malaysia làm rộn rã một góc Hồ Hoàn Kiếm, đặc biệt là màn trình diễn pha trà kéo của nghệ nhân Mior Sazali.

Hàng trăm người dân thủ đô và du khách qua đường đã tròn mắt ngạc nhiên trước tài pha chế của ông.

Chỉ với hai chiếc cốc inox, Mior đã thật tài tình khi vừa múa, vừa rót trà từ cốc nọ sang cốc kia khi hai chiếc cốc ở khoảng cách khá xa nhau mà không hề rơi rớt ra ngoài, ngay cả lúc ông nằm rạp xuống sàn hay rót từ đằng trước vắt ra đằng sau.

Không phải đầu bếp chuyên nghiệp

Nhìn cách pha trà điệu nghệ của Mior, rất nhiều người lầm tưởng ông là đầu bếp chuyên nghiệp. Kỳ thực, đây chỉ là nghề tay trái của ông.

Mior vốn là nhân viên của một trung tâm y tế ở thủ đô Kuala Lumpur từ hơn 20 năm nay. Ông đến với nghệ thuật pha trà khi tình cờ phát hiện ra nhà bếp của trung tâm y tế rất rộng.

Điều này khiến ông nổi hứng học các món ăn truyền thống của Malaysia, trong đó có trà kéo và bánh roti canai.

Năm 1994, lần đầu tiên ông tham gia cuộc thi vô địch trà kéo và về nhì. Không hài lòng với kết quả này, ông nỗ lực tập luyện và năm sau, 1995, ông đoạt chức vô địch.

Sau đó, ông tiếp tục đoạt giải vô địch năm 1996, 1997, 2000, 2004 và đến nay chưa có ai vượt qua được ông.

Ông được phong là đại sứ trà kéo Malaysia và được Cục xúc tiến du lịch Malaysia mời đi biểu diễn khắp thế giới: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Brunei, Philippines, Dubai…

Thành phần chính của trà kéo là trà và sữa đặc. Loại trà này được du nhập từ Ấn Độ và được người Malaysia nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực.

Trà kéo (tea tarek hay teh tarik) trong tiếng Malaysia có nghĩa là “uống một hơi”. Thay vì khoắng đều trà và sữa bằng thìa, các nghệ nhân Malaysia đã khéo léo rót qua, rót lại giữa hai chiếc ly lớn để sữa và trà tan đều đồng thời làm cho trà không nóng quá, hoặc nguội quá để có thể uống một hơi.

Nghệ nhân trình độ càng cao thì độ chính xác càng lớn trong việc san trà từ cốc này sang cốc kia ở khoảng cách khá xa.

Mior Sazali bộc bạch: “Bạn có thể bắt gặp loại trà này ở khắp nơi trên đất nước Malaysia. Nó rất dễ làm. Với độ nóng ban đầu là 100 độ C, bạn phải làm thế nào để khi pha chế xong, độ nóng của nó chỉ còn khoảng 50 đến 60 độ”.

Mior nói, ông không phải vũ công. Những vũ điệu mà ông thể hiện khi pha trà không hề được học hành bài bản. Sở dĩ ông có thể múa điệu nghệ như vậy là học mót từ các nghệ sỹ múa của Malaysia. Với ông, pha trà kéo làm cho cuộc sống của ông trở nên hạnh phúc hơn.

Ông tâm sự:“ Tôi rất yêu thích trà kéo và bánh roti canai. Cứ mỗi khi được trình diễn chúng, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mọi nỗi buồn dường như tan biến”.

Moir chia sẻ, đến năm 2014 khi về hưu, ông sẽ mở quán bán các món ăn truyền thống của Malaysia, trong đó hai món không thể thiếu được là trà kéo và bánh roti canai.

Ba người con trai của ông đều đã trưởng thành và làm công việc khác nhưng rất yêu quí nghề tay trái này của ba. Họ cho biết, nếu ông mở nhà hàng ăn uống, họ sẽ góp sức cùng.

Tung hứng với bánh roti canai

Nếu như nhiều người dân Hà Nội được biết đến tài pha trà kéo của ông qua màn trình diễn ở sân khấu góc Hồ Hoàn Kiếm, thì chỉ một số thực khách và quan chức ngoại giao được chứng kiến màn trình diễn làm bánh roti canai của Mior tại khách sạn Sheraton Hà Nội.

Pha trà điệu nghệ
Pha trà điệu nghệ.

Khác với trà kéo, việc làm bánh roti đòi hòi sự khéo léo và độ chính xác cao hơn. Bởi lẽ, sau khi bột được dàn mỏng và quăng lên không trung, nghệ nhân phải hết sức khéo léo bắt được nó sao cho không bị vỡ, rách. Cứ vài lần quăng như vậy, miếng bột trở nên mỏng như lá lúa. Nghệ nhân tạo hình tròn nhỏ, nhưng dày hơn, rồi được đưa lên bếp nướng.

Tôi đã chứng kiến Mior làm mấy chục cái bánh roti canai mà không cái nào bị rơi xuống đất. Ở Malaysia, số lượng các cuộc thi vô địch làm bánh roti canai ít hơn so với thi trà kéo. Ngoài vô địch trà kéo, Mior cũng đã mấy lần vô địch làm bánh roti canai.

Ông Mohd Akbal Setia, Giám đốc Cục xúc tiến du lịch Malaysia, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam cho biết, cũng như trà kéo, bánh roti canai bắt nguồn từ Ấn Độ nhưng khi du nhập sang Malaysia chúng được kết tinh và phát triển thành nghệ thuật ẩm thực và phổ biến ở Malaysia. Trong khi ở quê hương của nó, thậm chí bây giờ còn không tìm được loại bánh đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG