Trại sáng tác - chờ đợi “lột xác“

Khán phòng Hội thảo. Ảnh: Minh Tú
Khán phòng Hội thảo. Ảnh: Minh Tú
TP - Không lâu sau loạt bài  “Trại sáng tác - Cần hay không cần” của báo Tiền Phong, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) kết hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (TT HTST VHNT) đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của văn nghệ sỹ tại các Nhà sáng tác (NST)” vào ngày 10/10 vừa qua tại NST Đại Lải.

Thời gian gần đây dư luận xã hội và báo chí đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của Trại sáng tác (TST).

Ngay từ phần mở đầu nêu mục đích Hội thảo, Ban tổ chức (BTC) đã trích ý kiến (chủ yếu từ loạt bài của Tiền Phong) về thực trạng của TST:  “mang tính đại trà, lạc hậu, tàn dư của bao cấp, chỉ béo những người rảnh rỗi, mất thời giờ và chỉ để bù khú tán gẫu…”. Mặc dù chỉ là góc nhìn đơn lẻ nhưng BTC đánh giá đây là những dự báo kịp thời, buộc các Hội phải điều chỉnh cho phù hợp để công tác tổ chức TST đạt hiệu quả hơn.

Trong bài phát biểu, chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên và Giám đốc TT HTST Huỳnh Văn Ngàn cùng khẳng định Bộ VH chỉ tổ chức chứ không có quyền, thậm chí không dám lựa chọn văn nghệ sỹ (VNS), đây là việc của các Hội. “Dư luận có sự  nhầm lẫn khi cho rằng VNS của TST không có chất lượng là do Bộ”.

“Ân huệ cuối cùng của chủ nghĩa xã hội”

Là lời khẳng định của nhà văn Chu Lai, người đã từng phụ trách 15-20 TST cả văn học và sân khấu. Nhà văn nêu ý kiến “Với người viết, 15 ngày chẳng làm được gì cả. Tôi phải đi 6 trại mới xong một tiểu thuyết. Chất lượng thế nào thì có trời biết đất biết”. NST chính là nơi hun lửa để nhà văn muốn ngồi vào bàn viết. Cường độ viết ở trại cao gấp mười ở nhà. Chu Lai cho biết, bên Hội sân khấu đã từ lâu không dễ dàng tuyển trại viên. Người dự trại phải gửi đề cương 70 trang, để Hội thẩm định. Trại viết giống như lò luyện đan chứ không phải chốn du lịch, yêu đương hay trại dưỡng lão như tinh thần trước đây.

“Nên quan tâm hơn đến nghệ sỹ tự do, liên hệ để kéo họ lại. Tạo kênh để họ tham gia”.

Thứ trưởng 

Vương Duy Biên

Đồng ý kiến với nhà văn “Ăn mày quá khứ”, đạo diễn Lê Chức (PCT Hội NS Sân khấu) và nhà văn Nguyễn Quang Thiều muốn có không gian “tuyệt đối cô đơn” cho người sáng tác. Giám đốc TT HTST Huỳnh Văn Ngàn hứa từ sang năm sẽ bố trí cho người viết một mình một phòng.

Nhà văn Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội VHNT Đà Nẵng) ủng hộ mô hình TST và đưa ra một vài đặc thù của VNS Đà Nẵng. Với VNS nơi đây, 15 ngày dự trại là quá dài. Đa số họ là công chức phải đi làm, sáng tác chỉ là nghề tay trái. Trại địa phương phải giảm thời gian họ mới tham dự được. Nhà văn nêu rõ nhu cầu của các hội viên khi đi trại: Họ muốn biết một cùng đất khác “có nhiều người không đồng tình với mục tiêu du lịch này nhưng tôi coi đó là nhu cầu chính đáng”. VNS Đà Nẵng không bao giờ dự trại địa phương mà họ đăng ký đi Tam Đảo, Vũng Tàu… Ngoài ra anh em muốn được giao lưu nghề nghiệp, gặp gỡ chuyên gia, nghệ sĩ tỉnh khác, ngành khác.

TS Trần Hữu Sơn (PCT Hội Văn nghệ Dân gian) khoe mô hình TST của Hội là mời từ 3-5 giáo sư  tư vấn. Mỗi trại viên đều có chuyên gia hướng dẫn từ đề cương đến nghiệm thu. Chi phí 120 nghìn mỗi ngày hơi ít nên Hội hỗ trợ thêm vài chục cho mỗi thành viên. Khán phòng hội thảo bày tỏ sự ngưỡng mộ khi TS Trần Hữu Sơn tiết lộ “Mỗi trại viên khi về được Hội cho 10 triệu để đưa bà xã”.

Nội dung gần 40 tham luận của hội thảo đều nhất trí về mức độ nhất thiết phải có và hiệu quả của TST. Khá nhiều tác giả lấy “cảm hứng” từ chỉ trích báo chí để chứng minh vai trò tích cực của TST. Nhiều ý kiến trùng lặp trong đề xuất nâng cấp chất lượng trại như xây dựng khu vui chơi, tăng tiền ăn hằng ngày, trang bị không gian cho điêu khắc, mua giá vẽ, tăng giảm thời gian dự trại theo nhu cầu từng ngành, mời chuyên gia tư vấn, tổ chức nói chuyện chuyên đề...

Những đề xuất thực sự  mới

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ý tưởng mở TST cho người trẻ như sinh viên học sinh vào dịp hè. Ngoài ra Bộ nên ủng hộ Trung tâm tạo ra TST quốc tế. “Tôi sẽ kết nối mời họ sang ta, ta sang họ. Kinh phí cũng vừa phải thôi, Bộ có thể lo được”.

Trại sáng tác - chờ đợi “lột xác“ ảnh 1

Thứ trưởng Vương Duy Biên

TS Trần Hữu Sơn đề nghị Bộ ra thể chế mới và xem xét chuyển NST từ mô hình đơn vị sự nghiệp thành dịch vụ công “theo đặt hàng của nhà nước và Bộ”.

GS. TS Đinh Xuân Dũng, PCT Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chốt lại chức năng của NST không chỉ là nơi ăn chốn ở mà nơi hỗ trợ sáng tạo. Giáo sư đưa ra 4 tiêu đề kiến nghị và ưu tiên trong đó có nội dung đáng chú ý như: Kết hợp với chuyên gia nâng phông văn hóa của nghệ sỹ; Kết hợp biên tập viên, nhà xuất bản để có đầu ra cho tác phẩm. Ưu tiên nghệ sỹ trẻ, kể cả thiếu nhi “vì thiếu họ VHNT không thực sự phát triển”. Quan tâm, đầu tư hỗ trợ cho tác phẩm đỉnh cao như trường hợp tiểu thuyết nhiều tập “Bão táp Triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Trong lời tổng kết, Thứ trưởng Vương Duy Biên bày tỏ “nhiều tác phẩm hay chưa chắc đã ra đời từ trại . Đừng nghĩ 10 người sẽ có 10 tác phẩm. Phải chấp nhận xác suất vậy thôi”.  Hội phải có đề bài tiêu chí cho mỗi đợt lập trại làm sao để có những tác phẩm mà công chúng đang chờ đợi. “Có nhiều tác phẩm đúng định hướng nhưng lại một màu, kém hấp hẫn”. Theo Thứ trưởng, nên quan tâm hơn đến nghệ sỹ tự do, liên hệ để kéo họ lại. Tạo kênh để họ tham gia. NST cần tổ chức chuyên đề có tính dự báo để VNS lựa chọn đề tài. Tác phẩm sau trại không nên cất kho mà lựa chọn những cái tốt nhất trao giải, kết hợp truyền thông để công chúng biết và ghi nhận.

MỚI - NÓNG