Trần Hiểu Húc: Đi tu là cơ duyên

Trần Hiểu Húc: Đi tu là cơ duyên
Trước nhiều đồn đại về chuyện mình xuống tóc, nàng Lâm Đại Ngọc nổi danh trong bộ phim "Hồng lâu mộng" cho rằng, vào cửa Phật là chuyện rất đỗi bình thường, "hoàn toàn ngẫu nhiên, và là cơ duyên".

- Việc xuống tóc đi tu của chị đã khiến khắp nơi đồn đại rằng chị gặp trắc trở về kinh doanh, đổ vỡ tình cảm riêng tư và bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Sự thật đằng sau tin đồn là thế nào?

- Đó chỉ là sự đồn đoán. Họ cho rằng tôi xuống tóc đi tu là do bất hạnh trong cuộc sống. Thực ra, cuộc đời tôi cho đến lúc này đâu có gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Vấn đề của tôi có lẽ nằm ở chỗ tôi luôn phủ nhận chính mình. Việc tôi theo đạo Phật hoàn toàn ngẫu nhiên, là cơ duyên. Điều đó cũng giống như việc tôi từ một diễn viên trở thành bà chủ trong giới kinh doanh vậy.

- Điều mà chị cho là ngẫu nhiên ấy cụ thể thế nào?

- Hồi năm 1999, có lần ngồi trên xe của một người bạn, tôi vô tình được nghe cuốn băng ghi âm của thiền sư Tịnh Không giảng giải về kinh Vô lượng thọ. Lúc đó, tôi như thấy tâm trí mình bừng sáng và thế là tôi theo đạo Phật.

- Chị thường nói thiền sư Tịnh Không là sư phụ của mình. Vậy làm thế nào để chị tiếp cận được thiền sư?

- Khoảng 2 tháng sau sự kiện nói trên, tôi có được thông tin thiền sư Tịnh Không sẽ giảng kinh ở Singapore. Vậy là tôi xin visa và mua vé sang Singapore để mắt thấy tai nghe thiền sư giảng kinh.

Khi ấy, nhìn khuôn mặt nhân từ của thiền sư, tôi có cảm giác như mình đã gắn với đạo Phật từ lâu. Tôi hỏi thẳng thiền sư: "Tôi có thể làm đệ tử của thiền sư được không?". Ngày hôm sau, thiền sư Tịnh Không đã làm lễ quy y đạo Phật cho tôi, vậy là ngài trở thành sư phụ của tôi và tôi chính thức theo đạo Phật.

Trần Hiểu Húc: Đi tu là cơ duyên ảnh 1

Trần Hiểu Húc (phải) sau khi xuống tóc

- Nhưng lúc đó với cương vị là nhà kinh doanh, bà chủ của công ty quảng cáo Thế Bang, tâm trí đâu để chị theo đuổi đạo Phật?

- Quả là công việc kinh doanh bận rộn thật, nhưng mỗi ngày của tôi được bắt đầu bằng việc tụng kinh Vô lượng thọ và kết thúc bằng kinh Địa tạng để kiểm điểm những điều sai trái của mình trong ngày. Ngoài ra, tôi thường tranh thủ 30 phút nghỉ trưa để tĩnh tọa.

- Tại sao đang là diễn viên, chị lại bước sang lĩnh vực kinh doanh?

- Tôi từ ngành nghệ thuật bước sang lĩnh vực kinh doanh cũng là ngẫu nhiên. Sau vai Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng, tôi còn diễn vai người chị họ tên Mai trong phim truyền hình Gia xuân thu, nhưng khán giả cho rằng nhân vật ấy chỉ là phiên bản của Lâm Đại Ngọc. Từ sau đó, chẳng còn đạo diễn nào mời tôi đóng phim nữa.

- Mới chỉ tham gia diễn hai phim nhưng tiếng tăm của chị còn nổi hơn nhiều nghệ sĩ cả đời gắn với nghiệp diễn. Vậy tại sao điện ảnh lại không còn đất dành cho chị?

- Có lẽ do ngay từ đầu đã diễn vai lớn, khởi điểm quá cao thế nên sau đó không có kịch bản phù hợp cho tôi nữa.

- Thời gian sau đó, vì lý do gì mà chị định ra nước ngoài sinh sống?

- Thập niên 1980, tại Trung Quốc có phong trào ra nước ngoài và tôi cũng mù quáng đi theo con đường đó. Tôi muốn sang Mỹ nhưng bị từ chối cấp visa. Bạn bè khuyên tôi nên sang Đức trước, rồi từ Đức qua Mỹ. Vậy là tôi sang Đức, nhưng đúng 3 tháng sau thì trở về Trung Quốc.

Về rồi, tôi vẫn chưa xác định mình sẽ làm gì. Mãi đến năm 1991, tôi mới quyết định bước vào lĩnh vực kinh doanh và sau đó thành lập công ty quảng cáo Thế Bang.

- Muốn kinh doanh phải có vốn. Chị lấy vốn ở đâu để mở công ty?

- Tôi có đủ vốn là nhờ cổ phiếu. Sau khi hoàn thành phim Hồng lâu mộng, tôi nghe theo bạn bè dùng 20 nghìn NDT tiền thù lao đóng phim mua cổ phiếu. Chẳng ngờ cổ phiếu tăng giá gấp mấy lần, thế là tôi trở thành người giàu.

- Trong kinh doanh, "nàng Lâm Đại Ngọc" đã giúp gì cho chị?

- Dù gì thì Lâm tiểu thư vẫn giúp tôi một cách vô hình, chẳng hạn như đem đến cho tôi nhiều cơ hội hơn...

- Giờ đây chị đã chuyên tâm về với cửa Phật, lìa xa cuộc sống trần tục. Vậy mục tiêu cho quãng đời còn lại của chị là gì?

- Mục tiêu của tôi lúc này là tu thành chính quả, làm được nhiều việc tốt. Tôi từng chuyên tâm với công việc làm giàu, và đã dùng trí tuệ của mình để tạo ra sự giàu có. Giờ đây, tôi muốn dùng tài sản của mình để làm vui cho đời, cống hiến cho những công việc công ích xã hội.

Tôi nghĩ xuất gia là sự lựa chọn tích cực trong quãng đời còn lại. Tôi nguyện học tập thiền sư Tịnh Không, cống hiến phần đời còn lại cho nhà Phật. Cuối cùng thì tôi đã chọn đúng con đường đi của mình.

Theo Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG