Trần Hồng Giang: Ngậm 'đũa thần' gõ vào thế giới

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Cuộc đời Trần Hồng Giang, tính đến giờ phút này, chỉ cần được viết ra một cách trung thực nhất, không cường điệu, không thêm bớt, thì cũng đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Cách đây mấy năm, một người bạn gửi tới hộp thư của tôi chùm thơ của Trần Hồng Giang. Sau khi đọc và chọn ra năm bài gửi đăng báo, tôi muốn biết thêm thông tin tác giả để viết lời giới thiệu, liền gọi theo số điện thoại ghi ở cuối trang bản thảo. Tôi lập tức bị cuốn hút bởi lối trò chuyện hóm hỉnh, hài hước của anh về nhiều lĩnh vực từ văn chương, nghệ thuật đến đời sống xã hội.

Từ đó, ngày nào tôi với anh cũng trao đổi qua điện thoại, thư điện tử hoặc trang facebook. Trong mấy năm quen biết nhau, gần như năm nào anh cũng có sách mới: tập thơ, trường ca, tiểu thuyết..., riêng năm 2016 xuất bản liền ba cuốn. Mỗi lần ra sách anh đều kí tặng và gửi cho tôi qua đường bưu điện. Tôi chưa một lần gặp anh trực tiếp nhưng luôn cảm thấy đó là một người bạn văn chương rất thân gần, rất đáng tin cậy mà mình có thể yên tâm chia sẻ những chuyện “thâm cung bí sử” của nghề viết. Giữa năm 2016, nhân một hội sách tổ chức ở Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức một cuộc tọa đàm với chủ đề liên quan đến người khuyết tật và tôi nhận được tin nhắn từ Trần Hồng Giang mời đến dự cuộc đó. Tôi nhận ra anh ngay, bởi gương mặt đã nhiều lần nhìn thấy qua ảnh và qua chân dung tự trào bằng thơ của anh: Soi gương ngắm cái mặt mình/ Mà sao lại thấy giống anh Chí Phèo/ Giống anh ở cái sự nghèo/ Hai bàn tay trắng mặt meo... đói lòng! (Chí Phèo và tôi). Vây quanh anh là những em sinh viên và bạn bè nghe tin anh về Hà Nội thì kéo nhau đến gặp gỡ, chúc mừng. Mọi người xúm lại chụp ảnh với anh, ai cũng muốn được ngồi xuống cạnh anh, thật gần. Tất cả những tấm ảnh có anh đều không thiếu những nụ cười lạc quan. Chỉ đến khi tôi nhận cuốn sách mới nhất anh tặng (cuốn “Mẹ ơi, con nhớ nhà”) với đề nghị: “Anh phải kí tặng vào đây chứ” và nhận câu trả lời khe khẽ: “Anh chỉ kí được khi nằm trên giường thôi. Ngồi thế này thì không thể...”, tôi mới nhận ra mình hồn nhiên đến vô tâm, bởi vì anh đang ngồi trên xe lăn và hai bàn tay của anh yếu đến mức không tự điều khiển được xe như những người cùng cảnh khác. Mỗi lần viết, anh phải tì cây bút vào má và giữ bút bằng mu bàn tay, viết được một chữ thì cả khuôn mặt anh cũng phải di chuyển theo. Động tác viết chỉ thực hiện được khi anh nằm nghiêng trên chiếc giường thân quen của mình, kèm theo “phụ kiện” là cái gối nhỏ bằng gỗ để đỡ cổ.

Quan niệm về văn chương của anh rất giản dị: “Đó là một cuộc chơi. Hoàn toàn không đặt nặng cho nó thành một con đường sự nghiệp hay một thánh đường thiêng liêng nào đó. Những lúc chợt bắt gặp một câu chuyện hay một ý nghĩ nào đó hiện ra thì lập tức tôi lôi những con chữ ra để hành hạ chúng. Rất thú vị! Và bằng cách chơi trò chơi ghép chữ ấy tôi muốn  truyền tải đến mọi người những thông điệp của mình, hay nói cách khác là tôi lôi kéo họ vào cùng chơi với tôi.”

Nếu đã gặp Trần Hồng Giang, không ai lại không kinh ngạc khi thấy khoảng thời gian anh làm việc mỗi ngày với lịch dày đặc: đọc tin tức, biên tập bản thảo, biên dịch, quản trị web, thiết kế đồ họa, chưa kể đến chuyện “tất bật” với đủ thứ bi hài của làng facebook...; mỗi ngày anh gõ trung bình khoảng 2.000 chữ. Tất cả những công việc đó được thực hiện trên máy tính, và chỉ qua một chiếc đũa ngậm vào miệng nhưng tốc độ đánh máy của anh không thua kém gì người có thể gõ bàn phím bằng cả 10 ngón tay. Anh kể: “Thực ra tôi mải chơi chứ không thuộc tuýp người cần mẫn chịu khó. Mỗi ngày tôi mất khá nhiều thời gian cho việc lướt web và facebook. Nhưng cũng nhờ những thông tin từ đó đã giúp tôi có thêm nhiều vốn liếng để viết. Có nhiều những câu chuyện tôi viết ra là dựa vào những gì mình nghe lỏm được từ... facebook rồi thêm mắm thêm muối vào. Tôi viết vào bất kể lúc nào khi cảm xúc bất chợt ùa đến, cho dù đó là giữa khuya hay buổi sáng sớm”. Khoảng chục năm trở lại đây, Trần Hồng Giang đã trở thành một “gương mặt thân quen” khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và ở các chương trình nói chuyện với sinh viên học sinh, làm khách mời, làm... người nhận giải cao nhất, làm diễn giả... Một nhân vật “hot” như thế nếu viết tự truyện chắc chắn sách in ra sẽ rất “ăn khách”, một số người bạn thân thiết luôn khuyên anh nên viết về câu chuyện cuộc đời mình, họ bảo anh hãy viết nó cho những người cần đọc. Thậm chí đã có một vài công ty xuất bản đặt hàng anh viết tự truyện. Nhưng anh thú thật rằng rất ngại khi đặt bút viết về mình.

Trần Hồng Giang: Ngậm 'đũa thần' gõ vào thế giới ảnh 1 Trần Hồng Giang đến trò chuyện cùng học sinh trường THPT Nam Trực (Nam Định).

Nhiều nhà báo đã viết về Trần Hồng Giang, nhiều câu chuyện được người nọ kể cho người kia về anh... Nhưng anh rất ít nói về bản thân, ngay cả khi được báo chí “khai thác” như một nhân vật vừa kì lạ vừa siêu việt thì anh vẫn luôn tạo cho người đối diện một cảm giác đang sống và trò chuyện với một con người hoàn toàn bình thường.

Giang rất bình thường ngay từ khi được sinh ra trên cõi đời này, là con út trong một gia đình có 6 anh chị em, cha là thầy giáo (và cũng là một thương binh thời chống Mỹ), mẹ làm nghề nông ở một làng quê yên bình thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cho đến khi vừa tròn 5 tuổi, sau một tai nạn từ trò chơi dại dột trẻ con cùng người anh trai, Giang đã vĩnh viễn mất đi khả năng vận động vì chấn thương đốt sống cổ. Gia đình gom góp hết tiền bạc, của cải để chạy chữa cho anh, nhưng y học thời đó hoàn toàn bất lực trước trường hợp này. Cha anh khi đó đang là hiệu trưởng một trường trung học đã xin nghỉ hưu trước tuổi để tiện bề chăm sóc con. Cậu em út quanh năm chỉ gắn bó với chiếc giường tre được các anh chị đi học về kể chuyện ở trường, ở lớp và dạy cho biết đọc, biết tính toán những phép đơn giản. Anh nhớ và thuộc rất nhanh. Nhận thấy khả năng học của con, cha anh đã dành thời gian dạy theo chương trình của các cấp học, và đến năm 20 tuổi, anh hoàn thành chương trình phổ thông. Những năm 1980 nghèo khó, để mở rộng thêm thế giới của con, cha mẹ anh quyết định bán đi vài tạ thóc lấy tiền thuê người kéo một chiếc loa về tận đầu nhà cho anh nghe chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Sau này đời sống phát triển, các phương tiện hiện đại hơn như TV, máy vi tính, mạng internet đã giúp anh đến với thế giới rộng lớn... Trần Hồng Giang “ngốn” sách rất khủng khiếp, xung quanh chiếc giường tre chất đầy những sách đủ các thể loại, từ văn học, khoa học kĩ thuật đến ngoại ngữ. Anh tự học tiếng Anh qua chương trình dạy tiếng nước ngoài của VTV2 và các giáo trình qua băng cassette, tự học thiết kế website và lập ra trang vannghenamdinh.com để giới thiệu các tác phẩm hay cho các văn nghệ sĩ Nam Định, tự học kĩ thuật để có thể sửa chữa được đồ điện tử, máy tính... Những công việc đó đem lại cho anh thêm nguồn thu nhập để góp phần trang trải cuộc sống.

Mỗi ngày những trang bản thảo của Trần Hồng Giang lại đầy dần lên, chứa chan ở đó tình yêu thương cuộc sống cũng như những đớn đau trước nhân tình thế thái. Anh chỉ viết ra những điều “bình thường” của chính mình, mà mỗi lần một tác phẩm mới ra đời đều khiến cho đời sống văn học rung lên những nhịp đập khác thường. Phải chăng đó chính là sự lay động thẳm sâu từ tấm lòng người viết gửi đến trái tim người đọc?

Trần Hồng Giang sinh năm 1974, ở thôn xóm 6, xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Đã xuất bản 7 cuốn sách gồm các thể loại: thơ, trường ca, tiểu thuyết. Đạt nhiều giải thưởng từ các cuộc thi do Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và báo Lao Động tổ chức. Anh là một trong số 50 gương mặt tiêu biểu nhất của người khuyết tật Việt Nam.

An nhiên sống và “tấm vé” 100 viên thuốc ngủ

Những điều “bình thường” trong cuộc sống của anh đã có những tác động nhất định đối với cộng đồng. Năm 2005, một cậu sinh viên phát hiện mình nhiễm HIV do bị lôi kéo, sa ngã vào chốn ăn chơi. Đúng lúc đau khổ, tuyệt vọng nhất, cậu đọc được bài báo về nghị lực của tác giả Trần Hồng Giang, sau đó chủ động liên hệ, tâm sự hết với anh về tình cảnh và không giấu giếm sự sợ hãi trước cái chết. Sau nhiều cuộc nói chuyện đầy nước mắt, cậu sinh viên bình tâm trở lại, suy nghĩ tích cực hơn và bắt đầu với một cuộc sống mới. Cậu trở thành một chuyên viên tư vấn đồng cảnh cho những người nhiễm HIV khác. Toàn bộ câu chuyện đã được Trần Hồng Giang viết lại thành cuốn sách “Những con vịt cánh sẻ” bằng tất cả sự yêu mến, trân trọng, chia sẻ và cảm phục đối với người bạn đặc biệt của mình, chỉ tiếc một điều, khi cuốn sách ra mắt bạn đọc thì nhân vật nguyên mẫu không còn nữa (cậu đã mất sau 10 năm chống chọi với căn bệnh).

Tiếp xúc với Trần Hồng Giang, có cảm giác như anh không bao giờ chán nản, bi quan, bởi mọi thứ trong cuộc sống luôn được quan sát và diễn đạt theo góc nhìn hài hước nhất, nhưng thực ra đã có nhiều lần Giang muốn chết. Đó là những lúc rơi xuống đáy nỗi buồn, dường như không còn có thể buồn thêm được nữa. Anh từng bí mật gom góp những viên thuốc ngủ, chờ cho đủ 100 viên để làm “vé thông hành” đi vào cõi vĩnh hằng. Khi mang bên mình tấm “vé” đó, Giang bắt đầu cảm thấy bình thản, tự tin hơn để sống tiếp, bởi vì đã có đủ phương tiện để chết bất cứ lúc nào mình muốn. Có người vì muốn dùng thân phận anh để đánh bóng quan hệ, không tiếc những lời bóng bẩy văn hoa khi nói về Trần Hồng Giang, anh chỉ mỉm cười: “Trời cho sao thì tôi sống như vậy, chẳng có gì là cao siêu hay ghê gớm cả”.

Chỉ đọc những mẩu anh viết trên facebook, có thể bắt gặp một Trần Hồng Giang nghịch ngợm, ngang tàng, sâu cay trào lộng mà vẫn vô cùng nhân hậu, nghĩa tình khiến bè bạn bật cười rồi rơi nước mắt. Chưa bao giờ Giang có một lời than thân trách phận, không kể lể về hoàn cảnh của mình để gợi sự xót thương của người khác. Thái độ an nhiên sống, an nhiên viết của anh đã từng khiến nhà văn Y Ban thảng thốt tự thú: “Trước một người như Giang, tôi nhận ra mình mới chính là người khuyết tật. Bao lâu nay tôi đã bị khuyết tật tâm hồn, bởi còn quá nhiều tham, sân, si mà quên mất mình đang “được sống”, lại cứ cố gồng lên như là “phải sống”... 

MỚI - NÓNG