Trần Lương và nghệ thuật đương đại

Trần Lương và nghệ thuật đương đại
Tiếp xúc với họa sĩ Trần Lương, lúc nào tôi cũng có cảm giác đó là người đàn ông hạnh phúc, bởi trong anh luôn mãnh liệt niềm đam mê và khát khao với nghệ thuật đương đại và cũng bởi anh là một người tự do theo đúng nghĩa của từ này, chối bỏ mọi ràng buộc.
Trần Lương và nghệ thuật đương đại ảnh 1

Trong vai trò là curator hơn 10 năm nay, anh nỗ lực hết mình để tổ chức nhiều triển lãm đương đại cho các hoạ sĩ trẻ, đưa nghệ thuật đương đại ngày càng đến gần với công chúng hơn.

Nhắc đến anh không thể không nhắc đến những hoạt động tổ chức các triển lãm mỹ thuật đương đại cho họa sĩ trẻ, nhưng gần đây đối tượng anh lựa chọn ngày càng rộng, chứ không còn chỉ với họa sĩ trẻ ở Hà Nội?

Đúng vậy, đại đa số là sinh viên ở các trường Mỹ thuật Hà Nội, Mỹ thuật Huế và TPHCM. Tôi tìm cách tổ chức work shopfestival nhỏ ở nơi nào có thể, trước hết là mời sinh viên Huế và TPHCM ra Hà Nội khi có cơ hội và tìm tài trợ đưa sinh viên của Hà Nội vào TPHCM.

Công việc tổ chức khá phức tạp. Khi đã có phần cơ bản thì mới hạch toán kinh phí tổ chức, rồi xin tài trợ. Ở đây không thể hiểu xin tài trợ nghĩa đơn giản là xin tiền.

Tài trợ có thể hiểu là ủng hộ địa điểm triển lãm, ủng hộ ấn phẩm, ủng hộ vé tàu xe. Với nghệ sĩ thì góp vật liệu nghệ thuật, giúp phục vụ tổ chức và góp tác phẩm. Các nhà chuyên môn thì góp phần viết phê bình.

Với hoạt động curator, công việc này ở ta gần như chỉ có anh lựa chọn, tại sao từ một họa sĩ vẽ tranh, anh lại chuyển hướng đến một việc còn mới mẻ và gặp không ít khó khăn?

Những năm trước khi kinh tế đất nước mở cửa, họa sĩ nói chung, thế hệ tôi nói riêng vẽ tranh với một trái tim trong sáng, ngày thì đi làm, đêm sáng tác. Nhưng khi nền kinh tế thị trường ào tới, như một làn gió lốc mang tới sự tươi mát và lạ lẫm thì cuộc sống của người nghệ sĩ thay đổi hẳn... và tự nhiên nghệ thuật lại đi theo một hướng khác.

Ban đầu cứ ngỡ là nở rộ, nhưng mới được vài năm đã bộc lộ sự phiến diện cả hình thức lẫn nội dung. Thách thức lớn là sự tiêu dùng len lỏi vào từng studio.

Khi đã có tác động của quy luật cung - cầu thì thị trường tự do không chỉ trao tự do cho nghệ sĩ, mà mặt trái của nó cũng bó tay nghệ sĩ, triệt tiêu những ngây thơ và phiêu lưu, không ít nghệ sĩ danh giá đã không cưỡng lại được việc tái sản xuất tác phẩm.

Thương hiệu xây lên những tháp ngà và giam nghệ sĩ trong đó. Những năm từ 1990 đến 1997 là bài thử nghiệm hữu ích, nhưng cũng thật đáng sợ, đủ để bộc lộ những hạn chế như:

Vốn tri thức, sự trung thực, thực nghiệm với cuộc sống vật chất (vật chất như con dao sắc). Và mỹ thuật VN chưa thức dậy, hẳn đã manh nha suy đồi.

Băn khoăn đi tìm lời giải đáp, tôi tìm đến nghệ thuật mới - nghệ thuật đương đại, thứ nghệ thuật đa phương tiện, đa loại hình và luôn có nhu cầu đối thoại và hợp tác. Vì thế cần có một hệ thống điều hành nghệ thuật chuyên nghiệp hơn những cơ chế đã lỗi thời.

Những tác phẩm lớn hôm nay cần sự hợp tác của nhiều nguồn kiến thức, kỹ thuật, công sức và vật chất, không chỉ là những tác phẩm vật phẩm độc lập như trước. Trong số những nhân tố cần và đủ để phục vụ tác giả và tác phẩm, curator là vai trò cần có trước tiên.

Những triển lãm sắp đặt, video art... còn quá mới mẻ với người Việt vốn chỉ quen với hội hoạ giá vẽ, anh đã gặp những khó khăn gì để đưa nghệ thuật này đến được gần hơn với công chúng?

Khó khăn vẫn rất nhiều! Khi mà ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... đều có những công viên, những phố đi bộ, thậm chí cả khu nhà máy rộng mêng mông dành riêng cho mỹ thuật mới, như khu Xưởng quân khí cụ 798, khu Nhà máy rượu ở Bắc Kinh hay Bảo tàng Nghệ thuật đương đại sắp khai trương ở Bangkok (to như Bảo tàng Guggenheim ở TP.New York).

Những khu này hoàn toàn để hoạt động trình bày, thực nghiệm và diễn đàn học thuật cho một mục đích: Phát triển nghệ thuật tiên tiến. Tại sao phải ưu tiên như vậy? Vì những không gian này và tiến trình hoạt động của nó là chứng chỉ cho sự phát triển văn minh của xã hội đó.

Ở ta chưa có một nơi nào như thế, nghệ thuật mới không đến với công chúng theo con đường cái quan như trên mà phải ứng biến mềm dẻo bằng cái gọi là không gian khác (alternative art space).

Không gian khác là làm được ở đâu có thể và phù hợp thì làm. Khó khăn thì toàn diện, nhưng điều kiện khó mà làm được tác phẩm tốt thì càng hiệu quả, vì mỹ thuật đương đại luôn biết sáng tạo một phiên bản mới phù hợp với không gian và thời gian mới.

Điều tôi thắc mắc đã được giải đáp phần nào: Không phải là bất khả kháng trong việc đối thoại giữa nghệ thuật phát triển với người nghèo (khu vực không có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật chuyên nghiệp).

Xin cảm ơn anh.

Theo Hải Xuân
Lao động

MỚI - NÓNG