Trần - nhân vật thời đại trong "Thể xác lưu lạc"

Trần - nhân vật thời đại trong "Thể xác lưu lạc"
TP - "Thể xác lưu lạc" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được một tổ chức tư nhân - Cty Bách Việt tài trợ xuất bản, trong khuôn khổ giải thưởng Bách Việt dành cho thể loại tiểu thuyết.
Trần - nhân vật thời đại trong "Thể xác lưu lạc" ảnh 1

Chính vì thế, công chúng yêu văn chương đang hướng về nó với cái nhìn dò xét.

Thờ ơ như là một thái độ sống của ngày hôm nay. Ít nhất, đó cũng là nhận xét của những người mang tâm thế của một thời khác. Cái thời coi quan tâm đến nhân quần, đến xã hội là biểu hiện sống tích cực, thậm chí là biểu hiện sống đúng đắn duy nhất.

Thời ấy, người ta có thể quên đi chính mình (theo cả nghĩa cụ thể lẫn nghĩa rộng) để lao vào những điều đại sự.

Nhưng nay, kiểu sống đó đã được thay thế bằng một kiểu sống mang màu sắc của chủ nghĩa cá nhân thô sơ, thiển cận.

Điều này, dường như đã ám ảnh Tiến Đạt, giúp anh khai sinh một nhân vật Trần trong Thể xác lưu lạc.

Trần là một mẫu người khá đặc biệt. Đủ mẫn tiệp để nhìn thời cuộc với những trồi sụt giá trị, nhưng anh ta dùng trí thông minh để không bị cuốn vào một phe phái nào gây bất lợi cho mình. Đủ lòng trắc ẩn để hiểu những nỗi đau của người đối diện, nhưng hầu như anh không thực hiện điều gì để giúp người. Đủ liêm sỉ để nhận ra sự xấu xa của lớp quan lại mới, những thủ đoạn kinh doanh ma mãnh của tư bản nước ngoài, nhưng anh mẫn cán phục vụ họ.

Anh ta trôi nổi trong cuộc đời và quan sát, quan sát thời cuộc, quan sát người khác và quan sát chính bản thân mình.

Kiểu nhân vật này không ít trong đời sống hôm nay như người ta thường lầm tưởng. Có lẽ, ở giai đoạn xã hội chuyển biến mạnh mẽ trong va đập khó kiểm soát, một lớp người, đa phần có học, có lương tri (tiếc thay) lại rơi vào trạng thái này.

Đây là điều bảo chứng, giúp nhân vật Trần của Tiến Đạt thực sự đứng được, không bị cái bóng của nhân vật chính trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của Albert Camus được viết vào năm 1942 (còn được dịch là Người xa lạ hay Người dưng; nguyên tác tiếng Pháp: L’étranger) đè lấp.

Kiểu sống này của Trần luôn rỗng, theo nghĩa bất an và bất định. Và một trong những hoạt động nhằm lấp đầy, tạo nghĩa cho đời sống ấy là hưởng lạc thú. Nên lưu ý, nhân vật Trần gắn chắc với chủ nghĩa hưởng thụ theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, và khi chưa thể có điều kiện, Trần sẵn sàng tạo ra một cách gian dối (như làm phiếu ăn giả thời sinh viên chẳng hạn).

Tuy nhiên, nhục dục được tác giả Tiến Đạt tô đậm với nhân vật này. Nhục dục ở đây không đơn thuần là thú vui xác thịt, nó còn là phương tiện giải tỏa cô đơn, day dứt, nó như một liều thuốc giảm đau, thậm chí như một thứ ma túy.

Ngoài ra, với nhân vật Trần, dường như đây còn là cách giao tiếp tinh thần khá hiệu quả. Anh ta không chỉ đi tìm lạc thú, mà còn mải miết đi tìm câu trả lời cho những hành động của những người thân thế hệ trước (cha, mẹ...vv), giải mã hành động và số phận của Trâm - cô gái mất tích, người yêu đầu của anh ta. Trong một số trường hợp khác, việc giải mã mở rộng ra với một số nhân vật khác, nhất là các nhân vật nữ (Hiền, Trầm, Tuyên...).

Với việc cố gắng nắm bắt cái đương đại thông qua việc xây dựng một nhân vật có đời sống phức tạp, có bản chất tinh thần sâu như Trần, Tiến Đạt đã chạm được vào lớp trong của hiện thực hôm nay vốn vô vàn biểu hiện sống đổi thay hàng ngày.

Trong tiểu thuyết Thể xác lưu lạc, cuộc sống hôm nay còn được Trần hiện với một số đoạn hoặc chi tiết khá đắt, lột tả bản chất.

Tuy nhiên, về nghệ thuật tiểu thuyết, Thể xác lưu lạc còn bộc lộ một số nhược điểm.

Để có cớ đưa vào những đoạn về tình dục, tác giả đã cho nhân vật Trần trôi nổi trong quá nhiều mối quan hệ, mà một số quan hệ không hoàn toàn thuyết phục, thậm chí có mối quan hệ khiên cưỡng dẫn đến phản cảm (với Trầm, chị của Trâm chẳng hạn).

Cũng vì quá nhiều mối quan hệ nhưng kết dính chưa đủ độ, không nhuyễn, nên xảy ra tình trạng nhân vật nổi lên khá đậm ở đoạn này, nhưng sang đoạn khác lại biến mất như chưa hề có...

Tính cách nhân vật chưa sắc nét, đôi chỗ có cảm tưởng ý nghĩ này, câu nói này gắn vào nhân vật nào cũng được - một cô gái điếm cũng triết lý sâu xa như một cử nhân, một bà mẹ của thời xa ngái viết thư cũng chẳng khác gì một cô gái ngày nay... vv và vv...

Tình huống truyện, tiếc thay có vài tình huống quan trọng nhất, cũng bị tác giả đưa vào chỗ khiên cưỡng. Nhân vật Trâm mất tích, dù tự bỏ đi hay bị tai nạn, cũng không thể diễn ra giản đơn như thế. Rồi một thỏa ước ly thân, cũng không thể nhẹ nhõm như cái ngoắc tay của con trẻ như thế.

Đây là những điểm dễ gẫy, rất đáng tiếc trong một cuốn tiểu thuyết có nhiều đột phá mạnh bạo rất đáng chú ý như Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt. Mà thành công lớn nhất của tiểu thuyết này là việc khai sinh một nhân vật Trần mang bóng dáng thời đại.

20/7/2009

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.