Trần Thu Hà thích sách

Trần Thu Hà thích sách
"Trước tôi đọc nhiều, cả triết lý Đông Phương lẫn logic Tây Phương nhưng cái nào cũng chỉ cho tôi nhất đoạn thôi. Bây giờ tôi thấy đọc và học từ người, từ đời sống hữu ích hơn", Hà Trần nói về thú vui đọc sách của chị.

Chị thích đọc sách hơn hay đọc báo?

Tùy lúc. Có thời giờ đọc sách, cần thông tin xem báo.

Theo chị, vị trí của sách in ra sao trong thời đại công nghệ thông tin phát triển một cách nhanh chóng như thế này?

Vẫn như trước. Đọc và xem, hai văn hóa tự phân chia các tín đồ, không ảnh hưởng đến nhau.

Bản thân chị nghĩ gì về môi trường văn hoá sách in?

Tôi không nghĩ gì cả.

Tương lai của sách theo chị sẽ ra sao khi tại thời điểm này, chị có thể dễ dàng tìm kiếm những tác phẩm chị cần một cách không mấy khó khăn mà chỉ cần bỏ công tìm kiếm trên Internet?

Là người đọc tôi trung thành với sách in. Xem sách trên mạng tôi thấy rất mỏi mắt, lại chẳng tập trung. Đọc cái gì nhanh, nhiều thông tin tôi dùng Internet. Còn những gì dính đến sự thưởng thức, thú nghiền ngẫm của việc đọc tôi mua sách. Tương lai của sách in vẫn bán được cho những loại người như tôi. Tỷ lệ bao nhiêu, tôi chịu.

Một thực tế là những cuốn sách đang trở nên hot đều được quan tâm và tìm kiếm theo phong trào khi nó được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới…Nghĩa là nói khác đi, chúng đang được quan tâm theo kiểu “adua”. Còn chị, chị nghĩ sao?

Giá trị đích thực của mỗi cuốn sách phụ thuộc vào giá trị sống của người viết và tự chúng tìm bạn đọc. Viết sách cũng như sáng tác nhạc, người thâm thúy có độc giả trí thức, người nông cạn độc giả nhảm nhí. Phong trào có cái hay ở khía cạnh tài chính là đem lợi nhuận cho tác giả. Đôi khi giúp họ trở nên tử tế.

Một ví dụ: nhà văn nọ chuyên chuyện tình ái rẻ tiền, sách bán chạy như tôm tươi. Sau một thời gian tích cóp anh ta nghỉ viết sách, dùng vốn đó mở một tờ báo chính luận chuyên đề xã hội - văn hóa và cũng thành công. Truờng hợp này phục vụ đám đông là cái lý để thực hiện cái tình với nghề viết.

Vậy giá trị đích thực của sách in trong đời sống là gì?

Là lưu truyền nét văn hóa cổ: đọc và văn minh xưa: in ấn.

Những lợi ích của sách mà cá nhân chị cảm nhận được?

Là trò chuyện với nhiều thế hệ con người, nhiều tư tưởng mà hay nhất lại không phải tiếp xúc với họ.

Nếu bây giờ muốn chị có một góp ý về việc đẩy mạnh nhu cầu đọc sách và viết sách trong giới trẻ thì chị có đề xuất gì?

Tôi đề nghị mở rộng đường xá và thành phố. Nghe chả liên quan gì đến sách nhưng rất tác động đến tâm lý đọc đấy. Ở nước ngoài hầu như người ta đọc sách lúc chờ tàu xe, đang bay hoặc ở ngoài nơi công cộng rộng thoáng như vườn, công viên, cà phê… Thế là động đến xây dựng và quy hoạch rồi.

Ở Việt Nam hiện nay muốn đọc sách thường vào thư viện, tiệm bán sách... nhưng nói chung còn chật chội, nhìn quanh đâu cũng thấy người mà hễ thấy người là phải nói chuyện. Đọc cần một mình yên tĩnh.

Điều gì khiến chị cảm thấy hứng thú nhất khi đọc sách?

Sự đối thoại im tiếng.

Khái niệm về văn hoá đọc trong giới trẻ, theo chị, bây giờ đang ở khía cạnh nào?

Tôi chẳng biết. Nếu tôi và anh biết thì không có cuộc phỏng vấn này, đúng không? Có một thực tế mỉa mai trong xã hội chúng ta là khi người trẻ muốn phát biểu tư tưởng thì người lớn hoặc xoa đầu, hoặc nạt nộ. Và sau đó lại thắc mắc không hiểu giới trẻ nghĩ gì?

Cuốn sách gối đầu giường của chị bây giờ là gì?

Tôi đang tập đọc sách bằng tiếng Anh nên cái gì vốn sinh ngữ của tôi tiếp thu được thì gối đầu giường. Tôi đang “nhằn” Da Vinci Code.

Bản thân chị có nhận định như thế nào về những scandal (chúng ta tạm gọi như thế) xung quanh tác phẩm văn học của các tác giả trẻ của Việt Nam như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư?

Tôi chưa đọc sách của họ, xin miễn bàn.

Tư tưởng của chị ra sao đối với với những “cú sốc về văn phong và nội dung” như thế của các tác phẩm mà chúng ta đang nhắc tới?

Dù chưa đọc nhưng tôi tin rằng nó phản ánh cái nhìn cá nhân (thế hệ) về xã hội hiện tại. Sốc, scandal, sự thái quá… rất cần cho những cú đột biến, những cuộc cách mạng đòi đổi thay, những bung phá tưởng tượng khỏi một nhịp sống đơn điệu. Đó là khía cạnh tích cực. Cứ cho họ “phá” hết công suất đi cái gì thật sẽ ở lại, cái gì ảo lại tiếp tục tạo một khái niệm tẻ nhạt mới. Khi chúng ta thôi chống scandal thì những scandal chả có giá trị gì cả.

Văn hóa đọc theo chị có giá trị thế nào đối với riêng các nghệ sĩ, người của công chúng?

Họ là những người làm công việc sáng tạo, rất cần kiến thức và những chất xúc tác mới. Nghệ sĩ ai cũng đọc nhiều, đọc đủ loại dù đa phần - vì mặc cảm nào đó - luôn phủ nhận hành vi đọc.

Sách, ngoài ý nghĩa là để đọc, với chị nó còn có tác dụng nào khác?

Ờ… "kế hoạch nhỏ"… (cười).

Với cùng nội dung sách nhưng một quyển được in ấn đẹp mắt, chất lượng giấy in cao và một cuốn in ấn trình bày bình thường. Chị sẽ lựa chọn quyển nào?

Chắc chắn là cuốn bắt mắt.

Chị có thích quảng cáo và phổ biến những cuốn sách mình thích đến với bạn bè, người thân không?

Có. Nhưng sau này tôi chỉ “quảng cáo” chứ không “phổ biến” vì mọi người mượn và thường không trả lại.

Chị phản ứng ra sao khi gặp trường hợp đó?

Tôi ghi nợ.

Cuộc sống trước và sau khi kết hôn của chị, đặc biệt là cả sự thay đổi về không gian, môi trường sống nữa, có làm thay đổi điều gì trong văn hoá đọc và sự lựa chọn sách của chị?

 Không.

Theo Thế giới Nghệ sĩ

MỚI - NÓNG