Trần Trọng Vũ - Đùa và nghiêm túc với “sến”

Trần Trọng Vũ và tác phẩm sắp đặt.
Trần Trọng Vũ và tác phẩm sắp đặt.
TP - Trần Trọng Vũ –  người đoạt giải thưởng Pollock-Krazner hiện đang có một tác phẩm sắp đặt rất đáng chú ý tại Hà Nội (“The meeting point”, tại L’Espace, triển lãm kéo dài đến  5/6/2016). Một “núi” hoa làm từ nilon, và nhụy hoa là những câu thơ trích từ di cảo của thi sỹ Trần Dần. Trần Trọng Vũ cởi mở trao đổi với TPCN. 

Tác phẩm rất áp đảo về quy mô, chiếm gần hết không gian của nhà triển lãm. Anh có thể chia sẻ về mặt kỹ thuật, như nguyên liệu và cách làm tác phẩm?

Nguyên liệu mà tôi sử dụng được giới nghệ sĩ phương Tây gọi là "nguyên liệu nghèo" tức là rất thông dụng, bình dân, không đắt tiền, và có thể tìm được ở bất cứ đâu. Cách sử dụng loại nguyên liệu này thực ra gắn liền với quan niệm nghệ thuật cá nhân: có thể làm nghệ thuật với bất cứ cái gì.

Lưới mắt cá, dây thép, túi nhựa màu... là những thứ đã được dùng cho tác phẩm này. Tôi và các tình nguyện viên làm việc 10 ngày. Hoàn toàn thủ công. Mỗi ngày có khoảng 10 - 15 người đến giúp tôi.

Vì sao lại là chất liệu ni lon, gần đây anh làm nhiều tác phẩm về chất liệu này, nó đưa lại hiệu quả gì hay mang trong nó ý niệm gì của nghệ sỹ?

Ngoài lý do chủ yếu về chất liệu như tôi đã nói ở trên, dĩ nhiên có nhiều lý do khác, như sự quyến rũ về thị giác của nylon, bởi vẻ hào nhoáng của nó, bởi sự trong sáng và hời hợt, bởi màu sắc mà không loại màu và loại vải nền nào sánh được.

Anh có nói (đùa) là trông chất liệu sến, liệu đó có phải là ý đồ? Nhiều tác phẩm của anh mang phong cách pop art và cố ý dùng ngôn ngữ nghệ thuật hướng tới đại chúng, vì sao?

Tôi cho rằng có một mâu thuẫn nơi nghệ thuật đương đại, là các nghệ sĩ của nó hơn bao giờ hết tiếp cận trực tiếp hiện thực, phản ánh nó và can thiệp vào nó, nhưng ngôn ngữ mà họ chọn thường xuyên đẩy họ ra xa công chúng - đối tượng của nghệ thuật. Tôi quan niệm hơi khác, là chọn những ngôn ngữ gần gũi với thẩm mỹ và tâm lý của công chúng khi làm tác phẩm, để quyến rũ họ và qua đó mà đưa cho họ những vấn đề mà tôi muốn đề cập. Có thể nói, cuộc gặp gỡ với pop art là ở đây, nhưng lại vô cùng khác nhau.

Pop art mang tinh thần hướng tới đại chúng (chủ yếu là cuộc sống tiêu thụ) và lảng tránh nhiều vấn đề và tâm tư bên trong từng cá nhân. Tôi lại khai thác chủ yếu những thứ bên trong của con người, của chính bản thân tôi, về sự vui sướng, sự đau đớn của thân phận con người... Cái khác nhau là chỗ này và cũng chính vì thế mà tôi đi tìm cái "sến" cho tác phẩm.

Điểm nhấn trong tác phẩm là trong mỗi bông hoa có một câu thơ của thi sĩ Trần Dần. Điểm hẹn giữa cha con hay thế hệ ở đây như thế nào? Anh chọn thơ theo cách nào? Hình thức kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật ở đây có thể hiểu ra sao? Giữa một thứ là văn bản thơ và một là tạo hình...

Trần Trọng Vũ - Đùa và nghiêm túc với “sến” ảnh 1

Thơ Trần Dần trong nụ hoa.

Cuộc sống suy cho cùng là những mâu thuẫn, vì vậy khi làm tác phẩm tôi luôn tìm cách đưa vào đấy những mâu thuẫn. Ở đây cụ thể là sự trái chiều giữa giả và thật, hào nhoáng và giản dị, sự sặc sỡ của màu sắc và những dòng chữ đen, và trên hết, của hình ảnh và ngôn từ vốn là 2 thể loại khác nhau. Sự có mặt của ngôn từ trong tác phẩm thị giác này thực ra bắt nguồn từ những gì đã thân quen trong quá khứ, đấy là những thông điệp trong những chai thủy tinh mà người xưa ném vào biển cả, là những nguyện ước mà nhiều người dân châu Á treo vào các phong cảnh, các góc phố. Đấy là những ví dụ rõ rệt nhất về việc đưa ngôn từ vào hình ảnh, để đi tìm cái không thể, để hy vọng cái không thể và để không thể trở thành có thể.

Việc đưa thơ trong nhật ký Trần Dần vào bởi vì thơ ông là ví dụ tốt nhất cho các mâu thuẫn mà tôi đã nói, và dĩ nhiên cho các cuộc gặp gỡ được thực hiện: hình và lời, quá khứ và hiện tại, vui và buồn, sến và không sến, thị giác và không thị giác...

Xin cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG