"Ma thuật ngón" đoạt giải thơ 30 triệu đồng:

Trần Tuấn là ai?

Trần Tuấn là ai?
TP - Năm trong số 315 tập thơ vào chung khảo để rồi Ma thuật ngón đoạt giải thưởng duy nhất 30 triệu đồng - giá đắt nhất trước nay dành cho một tập thơ, cũng là giải văn chương to nhất do tư nhân lập ra. Còn Trần Tuấn là ai?

Năm tập vào chung khảo thơ - giải do Cty Bách Việt lập ra gồm Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Những ngọn triều nhục cảm (Đỗ Doãn Phương), Đêm và những khúc rời của Vũ (Lê Vĩnh Tài), Thức ăn của ngày hôm nay (Đỗ Trí Vương), Ma thuật ngón (Trần Tuấn).

Tiết lộ của một thành viên chấm giải, lúc đầu phiếu của Tuấn - Linh ngang nhau nhưng rồi có người bị trúng Ma thuật, ngả theo Tuấn.

Chiều hôm trước đồng nghiệp thấy Trần Tuấn xuất hiện ở Hà Nội thì sinh nghi, Giải Bách Việt đang cận ngày trao, anh là phóng viên Tiền Phong đồn trú ở Đà Nẵng (phụ trách ban đại diện) mà tình hình làm nhật báo đang hồi cấp tập lại lò dò ra đây làm gì. Công nhận, giải bí mật gần như đến phút chót.

Hội đồng thẩm định (gồm nhà thơ Giáng Vân, Thi Hoàng, Ý Nhi, Nguyễn Bình Phương, Phùng Tấn Đông) nhận xét: “Từng câu, từng chữ, từng bài ở Ma thuật ngón như chuyển động theo một giục gọi ngấm ngầm rằng đã đến lúc phải thay đổi cách viết, cách cảm, cách nghĩ về thơ một cách quyết liệt hơn nữa”.

Paul Verlaine, nhà thơ hiện đại sáng giá, theo trích dẫn của Hoàng Ngọc Hiến, từng đưa định nghĩa: “Thơ hiện đại phải đạt hai yêu cầu. Thứ nhất, phải có tính nhạc. Thứ hai, phải vừa mơ hồ vừa chính xác”.

Ông Hiến cho rằng “tạo sự mơ hồ không khó nhưng vừa mơ hồ vừa chính xác thì cực khó”. Đây là Phù Lãng của Trần Tuấn, cuộc thi công chữ sau khi đi Bát Tràng chứng kiến người ta thi công gốm (chữ của Nguyễn Tuân: “Nguyễn Sáng thi công sơn mài ở mặt bằng tranh”):

Cái miệng chảy lên đôi mắt/đôi mắt thắt thành lỗ tai/lỗ tai gài sang rẻo trán/rẻo trán dán xuống hai môi/... Đôi mắt há ra kinh ngạc/lỗ tai thốt ánh nhìn câm/rẻo trán dỏng nghe cảnh giác/hai môi toan tính ngấm ngầm. 

Và: Kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro/Lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa... (Ma thuật ngón)

Tuấn nói anh ghét nhất là loại thơ đọc cái hiểu ngay. Còn văn hữu Văn Công Hùng viết trên Văn nghệ Trẻ rằng anh phải đọc cả tháng mới xong tập thơ của Tuấn, mỗi ngày chỉ một bài, để rồi bị ám và quyết định chơi chữ - Ma thuật Tuấn.

Văn - báo bất phân

Trần Tuấn tên thật Trần Ngọc Tuấn- sinh 1967 tại Hà Nội, đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung. Giải nhì thi ký sự nhân vật của báo Tuổi Trẻ, giải A báo chí của Trung ương Đoàn, tặng thưởng bút ký báo Văn nghệ...

Không nhà thơ nào từ chối đọc thơ mình nên dù là nhà báo đầy lý trí, Tuấn chịu khó tiếp thị thơ mình ra phết. Đọc cũng hăng mà bình cũng hăng.

Chính anh Hùng chứ không ai khác đã tố cáo, một ngày Tuấn dành cho nghề báo mấy tiếng, vợ con vài tiếng còn thì dành cả cho thơ. Đêm đêm đi lòng vòng quanh sân như ma, làm ngụm cà phê cà pháo xong rồi lẩn thẩn tìm tứ thơ.

“Tôi cảm thấy nhẫn tâm thế nào khi nhận giải này. Cả năm tập (vào chung khảo) đều trong dòng chảy mãnh liệt và lạ”- Lời phát biểu của Trần Tuấn tại lễ trao giải - lúc biết mình thắng trong cuộc đấu loại trực tiếp.

Người không biết về Tuấn có thể nghi ngờ vẻ bối rối này, biết rồi thì không. Vừa nồng nhiệt vừa ngần ngại ý tứ. Hâm tỉ độ (vì yêu thơ quá) nhưng khi làm báo hoặc gặp phải tình huống báo chí, quyết liệt.

Nhớ lại khổ nạn hoa hậu ở Hội An tháng 8/2008. Người chỉ chuyên phóng sự ký sự như anh lại phải lo nào ngủ nghỉ của báo chí, nội vụ của giám khảo, thí sinh...

Thỉnh thoảng nảy chuyện đau đầu như có người làm giả thẻ phóng viên phát đầy các khách sạn; có đồng nghiệp báo khác (không hiểu thật hay giả danh) ăn cắp điện thoại di dộng của một phụ nữ lái taxi...

Nghe hung tin, “chùm nho phẫn nộ” Trần Tuấn bèn phát huy nghiệp vụ - mà việc đầu tiên thường không là trấn áp mà chẳng hạn, truy tìm nữ nạn nhân để xin lỗi dù anh chẳng dính dáng gì cả.

Về xu hướng xã hội hóa văn chương (trong tình hình giải chính thống của giới viết ngày càng mất giá), nghe đồn doanh nhân - nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn hôn phu của diễn viên Hồng Ánh cũng định lập ra một giải kiểu như Goncourt Việt Nam.

Ít ra lúc này giải Bách Việt đang có dư luận nhất định (năm sau sẽ có giải tiểu thuyết trị giá 40 triệu đồng). Vì vậy, chúc mừng Tuấn.

MỚI - NÓNG