Trần Tuấn: Viết trong bóng tối…

TP - Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn (báo Tiền Phong) gắn bó trang viết của mình với mảnh đất Đà Nẵng, mảnh đất của những sự kiện lịch sử, những sự kiện thời sự và mảnh đất của văn chương. Anh vừa ra mắt tập thơ với cái tên khá lạ “Chậm hơn sự dừng lại” (Nxb Hội Nhà văn) như những suy ngẫm đến tận cùng của một người viết khi đối diện với sự khắc nghiệt của thời gian.

Viết thơ trong bóng tối

Có một số người mà chúng ta nghĩ rằng có thể dễ dàng hiểu con người họ và dễ dàng hiểu những gì họ đã viết, đang viết và sẽ viết, nhưng với Trần Tuấn thì không. Cây bút này vẫn thường đưa ra những cái nhìn, những bài viết và nhận định độc đáo của riêng anh, với những trải nghiệm cá nhân và những va chạm với mảnh đất miền Trung bão tố.

Trần Tuấn viết thơ từ những năm 1990 khi anh bắt đầu vào nghề viết báo, thơ anh đăng rải rác một số báo. Tôi thực sự thân thiết anh vào năm 2003, khi tôi vào thường trú ở Ban đại diện báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng. Thời điểm ấy là lúc Trần Tuấn gặp khó khăn nhất trong cuộc sống, khi anh bị thu thẻ nhà báo hơn 1 năm trong một “tai nạn” nghề nghiệp khi viết cái tin về một vụ tai nạn giao thông ở Đà Nẵng. Do bị “treo bút”, anh được tòa soạn rút ra làm việc ở Ban thư ký tại Hà Nội. Còn tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng thế vào chỗ anh tại Ban đại diện, bởi vậy, tôi có dịp gặp nhiều bạn bè anh, gia đình và đồng nghiệp bên sông Hàn.

Những nhà báo như Minh Tự (Tuổi Trẻ), Nguyễn Hữu Hồng Minh (lúc đó làm cho tờ Thanh Niên), Huỳnh Lê Nhật Tấn (nhà thơ), đặc biệt là nhà văn kỳ cựu Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) khen Trần Tuấn là nhà báo đa tài, viết nhiều lĩnh vực, có ngòi bút vừa lãng mạn vừa vững vàng.

Thơ Trần Tuấn, trong cái thực, có cái ảo:

"Lanh canh tiếng ly muỗng đi trên con đường đêm/ chiếc xe đẩy người bán cà phê đêm về nhà lúc gần sáng/ nhà đâu trong đầu người đẩy xe mơ ngủ/ nơi ngã tư gần lụi đèn đường/ ụ giao thông ngồi làm nấm mộ/ có dăm giấc mơ dừng lại ngồi bên (Giấc mơ sống sót).

Về tập thơ “Ma thuật ngón”, Trần Tuấn kể: “Cuộc sống của tôi lúc ấy rất khó khăn. Một số vị muốn cấp đất hoặc bán rẻ cho tôi một mảnh đất để nhà báo thường trú ổn định cuộc sống, nhưng tôi không muốn dựa vào ai, vợ chồng gom góp mua một mảnh đất của bác bộ đội về hưu, trả mãi mới xong. Lúc viết tập thơ Ma thuật ngón, nhà chỉ có 2 phòng, một phòng đặt cái đệm 5 người nằm dưới đất, một phòng nữa là nhà vệ sinh. Mười năm sống như thế, hễ mưa là nhà dột khắp nơi, phải chạy che cho con, che cho sách khỏi ướt. Tôi phải chờ lúc vợ con ngủ say, mới nhẹ nhàng bò dậy, che đèn để viết. Và thường là viết mò trong bóng đêm, sáng mai ra “dịch” lại…”.

Tập thơ  “Ma thuật ngón” in năm 2008 gây tiếng vang lớn khi đoạt giải nhất Giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ nhất. Tập thơ của Trần Tuấn nhiều sáng tạo, phá cách bạo liệt,  Hội đồng chấm giải thẩm định tập thơ này nhận xét: “Từng câu, từng chữ, từng bài ở Ma thuật ngón như chuyển động theo một giục gọi ngấm ngầm rằng đã đến lúc phải thay đổi cách viết, cách cảm, cách nghĩ về thơ một cách quyết liệt hơn nữa”.

Trần Tuấn thì bảo: “Sau khi viết xong tập thơ, tôi mắc phải một chứng đó là chỉ viết được trong bóng đêm. Đến giờ, dù nhà cửa đã ổn định hơn, cũng vẫn vậy”.

Trần Tuấn: Viết trong bóng tối… ảnh 1 Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn. Ảnh: T.N.A.

Viết trước ngày tận thế

Năm 2017 này, Trần Tuấn ra mắt hai tập sách mới là “Uống cafe trên đường của Vũ” (Nxb Hội Nhà văn và Công ty Thái Hà xuất bản), “Chậm hơn sự dừng lại” (Nxb Hội Nhà văn).

Tập “Uống cafe trên đường của Vũ” in những tác phẩm báo chí khá là “độc và lạ” kiểu như Tìm nơi Bùi Giáng chăn dê, Ánh sáng kinh thành trong lòng đất… Ngày nay, giữa cuộc sống vội vàng và đôi khi tâm hồn con người như bị chai sạn bởi sự tẻ nhạt thì những trang viết ký của Trần Tuấn vẫn lung linh những cảm xúc lắng đọng của tâm hồn người viết, khiến người ta như tìm thấy hình bóng tâm hồn đa cảm: “Hơn 20 năm, bao phen tôi dọc ngang nơi thượng nguồn sông Thu Bồn này. Đời người có những nơi chốn không bao giờ cũ. Từ người đến cảnh lúc nào cũng ngời ngợi thân thương trong tâm trí, chỉ như cần với tay là chạm ngay được. Dẫu giữa cái “chạm tay” đó là những tháng ngày xa ngút” (Người linh sơn).

Gặp gỡ người viết bài này ngay tại Ban đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung trong ngày mưa bão của cơn bão số 2 hoành hành, ngay bên cạnh cái sân vận động sôi nổi một thời, giờ nghe nói được quy hoạch làm cao ốc, câu chuyện về thơ văn với Trần Tuấn vẫn sôi nổi như xưa.

Trần Tuấn kể: “Tập Chậm hơn sự dừng lại được mình viết năm 2012, trong thời điểm mà người ta xôn xao về ngày tận thế. Tập thơ này được mình viết về ngày tận thế đó, viết về cái chết bởi vậy tập thơ nói rất nhiều về cái chết, nhưng không phải để mà sợ chết, tập thơ như một sự đối mặt với cái chết”.

Theo nhà thơ nhà báo Trần Tuấn: “Cái chết mà tôi quan tâm không chỉ có nghĩa là cái chết về mặt sinh học của con người. Con người ta hàng ngày vẫn phải đối diện với nhiều cái chết khác của nhân bản, như cái chết của cảm xúc, cái chết trong suy nghĩ, cái chết của những ước mơ, những khát khao, thậm chí cái chết của niềm tin, của hy vọng… con người phải thường xuyên đối diện với những cái chết như thế”.

Thơ Trần Tuấn như cố níu lại những vẻ đẹp của cuộc sống, của con người và ký ức đang muốn tuột trôi mỗi ngày: “Gió vẫn thổi/ nhưng chậm hơn sự dừng lại/ thị trấn/như thiếu phụ/ đang mỏng dần/ nhẹ dần/ trôi theo chiếc khăn choàng” (Gió- Chậm hơn sự dừng lại).

Trần Tuấn sinh ra ở Hà Nội, sau 1975 theo gia đình vào Đà Nẵng. Và trong những năm tháng làm báo khó khăn, tòa soạn báo Tiền Phong đã rút anh từ Đà Nẵng ra Hà Nội làm việc. Thuận lợi trong công việc ngay tại trụ sở chính tại thủ đô, nhưng anh ra Hà Nội một dạo, rồi một đêm vội vã về với sông Hàn, quê hương thứ hai. Chúng tôi gặp lại nhau bên cái trụ sở ban đại diện miền Trung nhỏ bé của chúng tôi, từ bao năm nay vẫn khiêm tốn tại phố Ngô Gia Tự, giữa thành phố Đà Nẵng đổi thay từng ngày. Bên ly cà phê, Trần Tuấn tặng tôi những cuốn sách mới in với giọng nói tâm huyết về Sơn Trà, sông Hàn, về những con người gan góc của miền Trung: “Mình còn 5 cuốn bản thảo chưa in. Dự định sẽ in dần dần!”.

7/2017

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện là Trưởng ban đại diện miền Trung của báo Tiền Phong tại Đà Nẵng. Các tác phẩm đã in của anh có: Ma thuật ngón (thơ, 2008), Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà (ký sự nhân vật, 2008), Uống cafe trên đường của Vũ (ký sự lang thang, 2017), Chậm hơn sự dừng lại (thơ, 2017).

“Cảm hứng và suy tưởng của Trần Tuấn tập trung vào những vấn đề tư tưởng của sự sáng tạo tinh thần: đường đi của những người làm nghệ thuật, cách đi của họ và cả những “dấu chân” họ để lại trên đường (…) Suy nghĩ của con người cũng mong manh như sinh mệnh của nó nhưng “không bao giờ cạn” (Hoàng Ngọc Hiến, Tạp chí Sông Hương,  9/2009).

MỚI - NÓNG