'Trăng nơi đáy giếng' có khó phát hành?

'Trăng nơi đáy giếng' có khó phát hành?
TP - Dù dư âm giải Cánh Diều Bạc còn đó, dù đã có buổi ra mắt "Trăng nơi đáy giếng" ở TPHCM sáng 10/3 tại rạp Cinebox, vẫn chưa thể đưa trăng ra khỏi đáy giếng - để phát hành rộng khắp.
'Trăng nơi đáy giếng' có khó phát hành? ảnh 1
Cảnh phim “Trăng nơi đáy giếng”

Ông Thái Hòa - GĐ Hãng phim Giải Phóng lạc quan: “Kế hoạch phát hành phải kéo dài, chiếu nhỏ giọt. Trước mắt tiếp tục tham dự LHP quốc tế và phát hành ở nước ngoài. Chờ cụm rạp mới của Hãng hoàn thành thì phim có thể nằm dài hạn phục vụ khán giả”.

Trường hợp Trăng nơi đáy giếng gần giống Cú và chim se sẻ - chưa chiếu trong nước nhưng lênh đênh LHP quốc tế và chiếu túc tắc nước ngoài, thu về gần tỷ đồng.

Có khán giả hỏi, Hồng Ánh vào vai Hạnh - phụ nữ Huế điển hình mà lại không nói giọng Huế?

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn mang phim về Huế ra mắt ngày 11/3 nói: “Chắc người Huế xem cũng buồn nhưng Hồng Ánh là lựa chọn tốt nhất cho vai diễn này và phim phải lồng tiếng trực tiếp”.

Còn Hồng Ánh lý giải: “Nếu tôi học nói giọng Huế mà không chuẩn thì còn bị phản ứng hơn”.

Có sinh viên lo lắng: “Đạo diễn xây dựng hình ảnh cô vợ hai ban đầu chỉ muốn đẻ mướn kiếm tiền, như vậy có làm ảnh hưởng hình ảnh người phụ nữ VN”? Vị khán giả nghe nói đang học chuyên ngành đạo diễn mà còn suy luận cứng nhắc, chả trách ta quá thiếu phim hay! 

Về việc Vinh Sơn không được giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Cánh Diều 2008, xin mượn lời đạo diễn Vương Đức: Xét trên bình diện phim nhựa tranh giải Cánh Diều 2008, Trăng nơi đáy giếng, Cú và chim se sẻ nên đặt sang một chiếu khác thì hơn.

Trong phim, đạo diễn kiên gan để nhân vật chính cứ mở cửa, đóng cửa mất đến ba phút trong khi thông thường chỉ cần năm giây. Anh phân tích:

“Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai đẩy bi kịch lên cao, Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể thành kịch Hãy khóc đi em rất ăn khách. Nhưng tôi không nhấn bi kịch. Người xem có nhu cầu nạp thông tin, tôi ngược lại: ít thông tin, nhiều cảm xúc. Ấy là tôi học phong cách của Đặng Nhật Minh, hợp tạng tôi”.

Đúng là phim không đẩy bi kịch lên cao, mà bi kịch là tự thân trong mỗi con người, chính Hạnh cũng có lỗi khi tự đẩy mình vào hoàn cảnh “li hôn giả, mất chồng thật”.

Câu chuyện này, cách kể này có cũ? Đạo diễn trầm ngâm: “Hạnh sau này chăm sóc những bức tượng cô tin là chồng, con mình ở cõi âm thì có khác nào nhiều phụ nữ độc thân yêu thích nuôi chó, mèo? Nhiều bạn trẻ bây giờ cũng đắm chìm với các mối quan hệ trên internet và rút vào niềm tin ảo, thế giới ảo - trăng nơi đáy giếng”.

Khoác lên mình bộ quần áo lụa và quanh quẩn chợ búa bếp núc, Hồng Ánh biến thành phụ nữ “chăm sóc, nâng niu chồng đến không chịu nổi”. Nhưng như thế không có nghĩa cô Hạnh của Ánh hoàn toàn là nội trợ chỉn chu, khéo léo.

Đôi chỗ động tác của Ánh còn cứng, chưa nuột như khi ướp trà sen, bưng mâm cơm để mành cửa quét cả vào thức ăn… Và phim cũng không tránh được đôi lúc chuyển cảnh hụt hẫng, diễn biến tâm lý nhân vật đột ngột khiến mạch cảm xúc bị đứt gãy không đáng có.

Nhưng về chỉnh thể, đây là tác phẩm đáng nâng niu giữa thời buổi đạo diễn bị đặt gánh nặng quá lớn về doanh thu.

MỚI - NÓNG