Tranh Đông Hồ còn lại chút này

Tranh Đông Hồ còn lại chút này
TP - Ông là một trong số ít những nghệ nhân quyết bám trụ đến cùng với nghề trong lúc dòng tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) có nguy cơ bị xoá sổ.

> Đông Hồ hàng mã

Nhưng những nỗ lực ấy đã không hoài công khi mới đây nghề làm tranh này chính thức được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Long đong nghề tranh

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tâm sự: "Dòng tranh Đông Hồ trải qua bao thăng trầm, vậy mà nó vẫn tồn tại, nghĩa là di sản văn hóa của cha ông sẽ không thể bị mất đi". Nhắc tới bản sắc dòng tranh quê mình, ông đọc câu thơ của cố thi sĩ Hoàng Cầm: "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".

Rồi ông cho biết, tranh Đông Hồ được làm bằng những chất liệu có trong thiên nhiên, mang bản sắc văn hóa tao nhã của người Việt. Tranh được in trên giấy làm từ cây dó, chất liệu xốp nên dễ bắt màu, dễ hút và thoát ẩm. Giấy được quết một loại hỗn hợp từ vỏ con điệp và hồ nếp, có màu trắng lấp lánh mảnh điệp nhỏ, được gọi là giấy điệp.

Màu đỏ khai thác từ đất đá của đồi núi, màu vàng chắt lọc từ hoa hòe, màu xanh từ gỉ đồng, màu đen từ tro của lá tre, màu trắng từ vỏ con điệp. Năm màu chủ đạo này sẽ được pha thành nhiều màu khác nhau. Các bản gỗ khắc tranh được làm bằng gỗ thị, một loại gỗ dai và quánh, khi khắc những nét rất nhỏ cũng không bị vỡ.

Nhưng đáng kể hơn cả là nội dung các bức tranh đã thể hiện ý tứ sâu xa của cha ông được đúc kết từ thực tế cuộc sống. "Đơn cử bức tranh Đám cưới chuột thể hiện cá lớn nuốt cá bé; Trèo dừa, đánh ghen muốn phê phán sự không chung thủy; Đàn gà nói lên tình mẫu tử, một mẹ nuôi được nhiều con" - Ông Sam cho biết.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam chia sẻ, cái hồn của tranh Đông Hồ đã giữ ông ở lại với nghề này suốt một đời. Khoảng chục tuổi, ông đã biết giúp cha sơn hồ, quết điệp, thu dọn giấy khô rồi học cách in tranh sao cho đúng màu sắc.

Đó là thời điểm những năm 40 của thế kỷ trước, tại những phiên chợ họp vào tháng chạp cuối năm, khách thập phương kéo đến làng Hồ đông nghẹt để mua tranh đón tết với mong ước về sự sinh sôi, phồn thịnh trong mùa xuân mới. Tranh Đông Hồ nhiều thể loại, từ tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh thờ tự cho đến tranh sinh hoạt, trong đó thể hiện được tư tưởng, triết lý sống của người Việt xưa nay.

“Đến tết năm Ất Dậu 1945, giữa nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp Bắc kỳ, chợ tranh làng Hồ vẫn mở. Tôi dịp đó được bố mẹ cho gánh tranh ra chợ bán, không ngờ đó chính là phiên chợ tranh cuối cùng của làng mà bản thân được chứng kiến" - ông Sam cho biết.

Sau đó, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, quân Pháp kéo đến bờ sông Đuống, người dân làng Hồ phải bỏ lại nhiều đồ đạc để di tản, nhưng không ít người vẫn cố mang theo những bản khắc gỗ in tranh. Tuy nhiên sau khi hòa bình lập lại, chưa năm nào người làng Hồ tổ chức lại được chợ tranh tết như xưa, dù vẫn có không ít những người tâm huyết với nghề như Nguyễn Hữu Sam.

Đến năm 1967, ông Sam được tỉnh mời lên bàn kế hoạch phục hồi dòng tranh Đông Hồ. Sau đó, ông đứng ra tập hợp được khoảng 50 người có tay nghề của làng, đồng thời thu gom hàng trăm bản khắc gỗ in tranh để thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ.

Dưới sự chèo lái của ông, dòng tranh Đông Hồ dần khôi phục trở lại, nhiều người qua đó cũng trở lại với nghề xưa. Những bức tranh truyền thống như Đám cưới chuột, Đàn lợn âm dương, Tiếng sáo mục đồng, Vinh hoa phú quý, Hứng dừa...? với những đường nét truyền thống được sống lại.

Âm thầm giữ nghề

Đến năm 1990, cơ chế dần có những thay đổi khiến sản phẩm của Hợp tác xã làm tranh Đông Hồ khó tiêu thụ, dẫn đến phải giải thể. Ông Sam đau xót khi thấy một số gia đình mang bản khắc gỗ in tranh làm củi đun, đóng chuồng gà hoặc kê để băm rau lợn. Ông cùng với một số người tâm huyết khác của làng như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đến từng nhà thuyết phục người dân bán lại những bản khắc gỗ này.

Qua các đợt thu gom, riêng nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam lưu giữ được khoảng 600 bản khắc gỗ cổ. Sau này, có một số du khách nước ngoài tìm đến làng tranh Đông Hồ hỏi mua những bản khắc cổ ấy, nhưng ông không bán. Thậm chí, có những bản dùng lâu không thể in tranh được nữa, hiện đã được nghệ nhân sao sang bản khắc mới, nhưng ông vẫn không chịu bán bản cũ dù được trả giá cao.

Những năm gần đây, có đến 90% người dân làng Hồ chuyển sang làm vàng mã để có thu nhập cao hơn, nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn khuyên nhủ con cháu giữ lấy nghề. Nhà ở sâu trong ngõ, lại tự nhận mình không giỏi về quảng bá tiếp thị, nhưng trong những năm qua gia đình ông vẫn sống được với nghề tranh.

Tranh Đông Hồ còn lại chút này ảnh 1

Đến tết năm Ất Dậu 1945, giữa nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp Bắc kỳ, chợ tranh làng Hồ vẫn mở. Tôi dịp đó được bố mẹ cho gánh tranh ra chợ bán, không ngờ đó chính là phiên chợ tranh cuối cùng của làng mà bản thân được chứng kiến".

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam

Ông thường bảo: "Nghề làng cũng là nghề nhà, con cháu trong nhà phải biết làm, sống chết phải giữ lấy nghề". Hiện nhà ông là kho tư liệu lưu giữ hàng nghìn bức tranh Đông Hồ, hằng trăm bản khắc gỗ in tranh, đầy đủ phương tiện để sản xuất tranh dưới các hình thức như in tranh truyền thống, vẽ tranh, vừa in vừa vẽ và khắc bản gỗ. Cơ sở sản xuất tranh của ông giờ là một địa chỉ văn hóa để du khách nước ngoài tìm đến thưởng lãm và mua tranh, cũng là nơi để các học sinh tới tham quan. Được biết, đối với học sinh, gia đình ông chỉ bán mỗi bức tranh Đông Hồ truyền thống với giá 10 ngàn đồng, rẻ nửa so với nơi khác.

“Gia đình tôi làm vậy để các em học sinh có thể mua và biết hơn về tranh Đông Hô" - ông nói.

Bên cạnh việc làm những bức tranh truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam còn sáng tác thêm một số bản khắc mới như Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, Múa quạt quan họ, Đến hẹn lại lên, Tấm áo mẹ vá năm xưa...? Gần đây, ông còn tạo thêm nhiều bức tranh Đông Hồ khắc trên gỗ. Ông cho biết, ngày xưa những bức tranh này được gọi là bản dương (bản khắc gỗ in tranh Đông Hồ gọi là bản âm), có rất ít.

Bởi thời đó đời sống người dân chưa thật sung túc nên họ chủ yếu mua tranh in về dán tường, sau một năm nếu tranh bị hỏng sẽ bỏ đi mua bức khác. Nhưng hiện nay, không ít người muốn mua tranh khắc gỗ về treo, vừa bền đẹp lại có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, để làm những bức tranh này mất nhiều công và phải có tay nghề cao. Rồi ông chỉ cho tôi một số bức tranh treo trên tường như Bát tiên, Tứ quý..., và bảo muốn giữ nghề thì cũng cần biết sáng tạo.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là Hội viên Hội Văn nghệ dân gian, hội viên Hiệp hội Câu lạc bộ Unesco Việt Nam. Ông tâm sự: "Cả đời tôi gắn bó với nghề làng và coi đó là nghiệp của mình. Tôi cố giữ nó chỉ mong góp phần giữ lại cái hồn dân tộc".

Tuy thực tế là vậy, nhưng nếu chỉ để một vài người như nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cố gắng giữ nghề thì dòng tranh này vẫn dễ bị mai một dần theo thời gian. Vì vậy ngày 16/3 vừa qua, ông phấn chấn hẳn lên khi được mời đến dự lễ đón nhận nghề làm tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được diễn ra tại tỉnh nhà.

Ông bày tỏ, nếu được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, tranh Đông Hồ sẽ có thêm những cơ hội mới để vươn ra nước ngoài qua những sản phẩm lưu niệm. Việc tạo dựng được "đầu ra" là điều kiện tốt nhất để bảo tồn dòng tranh Đông Hồ trong cơ chế thị trường hiện nay.

Truyền nghề đến các cháu

Bữa tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, thấy con dâu trưởng và cháu dâu của ông đang cần mẫn làm tranh, một hình ảnh khá hiếm trong bối cảnh hiện nay tại làng Đông Hồ.

Cháu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làm tranh Đông Hồ. Ảnh: Kiến Nghĩa
Cháu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làm tranh Đông Hồ.
Ảnh: Kiến Nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Oanh, con dâu trưởng nghệ nhân cho biết, sau khi Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ giải thể, đến năm 1993 nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam hướng cho gia đình làm tranh tại nhà. Không chỉ các con, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam dạy cho các cháu thành thạo nghề làm tranh. Ông coi việc đó cũng góp phần bảo tồn, gìn giữ dòng tranh Đông Hồ.

Anh Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam hiện làm chủ một cơ sở sản xuất tranh trong làng. Anh vừa được phong danh hiệu nghệ nhân. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho rằng thế hệ sau bây giờ có việc còn giỏi hơn mình, như anh Quả thành thạo hơn ông về chữ Hán.

Ông cho biết, người làm tranh cần phải hiểu cả về chữ nghĩa, bởi trên mỗi bức tranh hay có những câu thơ, câu đề dẫn bằng chữ Nôm, chữ Hán. Người không biết khi làm tranh dễ tam sao thất bản, mất giá trị của tranh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG