Tranh nhái phong cách: Cần thêm lòng tự trọng và tăng cường quản lý

Tranh nhái phong cách: Cần thêm lòng tự trọng và tăng cường quản lý
TP - "Thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện nay đang phát triển tự nhiên chủ nghĩa, không đồng bộ, trục trặc và bất thường, cơ chế vận hành quân hồi vô phèng"- Nhà phê bình Phạm Trung nhận xét.

Từ sau đổi mới, thị trường nghệ thuật bắt đầu hình thành. Từ đây, bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những họa sĩ tự do, hoạt động sáng tác chuyên nghiệp và thành đạt, tạo được danh tiếng ra ngoài biên giới cũng như chiếm thị phần trong thị trường nghệ thuật.

Dù muốn hay không cũng vẫn phải thừa nhận rằng các họa sĩ thành danh vào thập kỷ 90 bằng các sáng tác của mình đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu mỹ thuật, giới thiệu sự phong phú đa dạng của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Thị hiếu thẩm mỹ xuống cấp

Tuy nhiên, cũng từ đây nảy sinh những vấn đề mới do hoạt động kinh tế thị trường phát triển tự nhiên, thiếu những điều luật cần thiết, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Các họa sĩ bán được tranh quá nhiều thì dễ dẫn đến sự trơ mòn sức sáng tạo khi mê mải làm hàng, “sản xuất” tranh.

Xuất hiện theo họ là một số họa sĩ trẻ, vì hám lợi trước mắt nên đã không ngần ngại copy, nhái tranh ngay của các họa sĩ đang còn sống và có giá trên thị trường, và cóp cả của một số họa sĩ mỹ thuật Đông Dương đã quá cố như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung, Dương Bích Liên, Nguyễn Gia Trí... (thậm chí, dư luận trong giới còn đồn rằng, trong một vài trường hợp chính một số học trò và người thân trong gia đình họa sĩ đã tham dự vào việc này).

Thực chất, những tác phẩm của các họa sĩ thời danh đang sống bị nhái nhiều không hẳn quá công phu về kỹ thuật và tạo hình (thế nên mới dễ bị chép bị nhái).

Song, họ cũng tạo ra được một bút pháp riêng, giàu chất trang trí, màu sắc rực rỡ, hình tượng nghệ thuật cô đọng, gợi vẻ dân tộc, khác nhiều so với lối tư duy của các thế hệ họa sĩ trước đó, hợp với mỹ cảm thị dân, phù hợp trưng bày trong nội thất hiện đại.

Do vậy, nghệ thuật của họ có một lượng công chúng nhất định. Hiển nhiên sẽ có một số người vẽ khác sẽ nhái theo bút pháp để “theo đóm ăn tàn”.

Như vậy, đối với một số họa sĩ trẻ, mỹ thuật cũng chỉ là một cái nghề kiếm tiền như bao nghề khác, thậm chí có phần nhàn hạ hơn, và nếu được một gallery nào đó o bế, dung nạp vào đội quân nhái tranh thì biết đâu đời lại lên hương, có thu nhập ổn định hơn gấp bao lần các đồng nghiệp đang cặm cụi sáng tác nghệ thuật đích thực.

Kể từ đầu tháng 3, Tiền Phong đã tổ chức một diễn đàn về tình trạng tranh “nhái phong cách” nhức nhối lâu nay trên thị trường nghệ thuật. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo hoạ sĩ, nhà kinh doanh gallery, giới chức lãnh đạo và quản lý mỹ thuật nói riêng, văn hóa nói chung.

Các ý kiến tham gia diễn đàn có khi trái chiều nhau, tạo lối mở cho suy nghĩ của cá nhân nghệ sĩ và của người có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý mỹ  thuật về khía cạnh đạo đức nghề nghiệp cũng như việc tạo dựng hàng rào pháp lý chặt chẽ nhằm góp phần cải thiện tình trạng này.

Tiền Phong xin khép lại diễn đàn này bằng bài viết này của nhà phê bình Phạm Trung- Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Nhưng khốn nỗi, chính những hành động copy, nhái tranh này, cùng sự khuyến khích chủ động, gợi ý của một số gallery đã ngày càng gây tác dụng ngược, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang còn trong giai đoạn hình thành rất trứng nước đã lại mất uy tín, mất giá nghiêm trọng và kết quả dẫn đến tình trạng bão hòa như hiện nay.

Các gallery hoạt động cầm chừng, tranh thật tranh giả lẫn lộn trên thị trường, môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ xuống cấp... Như báo Tiền Phong đã lên tiếng.

Nhớ lại cách đây chừng 10 - 15 năm, đời sống của mọi người dân Việt Nam còn rất nghèo, các nghệ sĩ còn nghèo hơn nữa, song tuyệt nhiên không thấy họa sĩ nào định kiếm tiền bằng cách “nhái tranh” của người khác, bởi họ coi đấy là sự sỉ nhục đối với lý tưởng và đạo đức nghề nghiệp.

Với nghệ sĩ, việc quá yêu thích và ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của một danh họa bậc thầy nào đó là điều thường tình trong một giai đoạn học tập ban đầu. Nhưng với một nghệ sĩ chân chính, họ sẽ tìm cách vượt qua cái bóng của bậc thầy để bộc lộ cá tính sáng tạo riêng.

Và cũng không ai đem những sao chép nghiên cứu, những bài học chịu ảnh hưởng ra kinh doanh cả. Chỉ ở Việt Nam, việc nhái tranh mới công khai và đòi có chỗ đứng ngang nhiên trong giới sáng tạo nghệ thuật.

Thừa và thiếu

Không thể coi gallery là cửa hàng đơn thuần kinh doanh như mọi cơ sở kinh doanh các mặt hàng khác. Mặc dù thực tế ở Việt Nam, hầu hết các chủ gallery đều không có bằng cấp về lịch sử mỹ thuật, quản lý mỹ thuật, tiêu chuẩn phòng ốc trưng bày thì tùy thuộc từng hoàn cảnh, nhưng cái đích hướng tới là cần chuyên nghiệp hóa hoạt động này theo thông lệ quốc tế.

Điều này không ai khác là chính cơ quan quản lý mỹ thuật cần phải xúc tiến nghiên cứu, ban hành các văn bản luật bổ sung cho hoạt động đặc thù này, tránh tình trạng thả nổi như hiện nay, các gallery, các tác giả chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, bị xâm hại cũng chẳng biết kêu ai, và lấy đâu chế tài để xử.

Có thể không nhất thiết bất cứ gallery nào cũng phải trở thành vệ tinh của hệ thống bảo tàng mỹ thuật quốc gia (nếu được thế thì quá tốt), có một bộ sưu tập riêng, nhưng đích hướng tới của một gallery phải là nơi kinh doanh sản phẩm văn hóa đồng thời là nơi ủng hộ phát triển văn hóa, quảng bá khuếch trương, tạo thương hiệu nghệ thuật, triển lãm và phát hiện những tài năng trẻ.

Có lẽ nhiều năm nay, phía các cấp quản lý mỹ thuật cũng như Hội Mỹ thuật VN - tổ chức xã hội chính trị nghề nghiệp đã nhìn nhận một cách đơn giản việc copy, nhái tranh trong hoạt động kinh doanh gallery, và thả nổi một thời gian dài không có ý kiến chấn chỉnh gì cho nên việc làm bậy này đã trở thành thông lệ.

Kết quả là, mỹ thuật “được mùa” các vụ nhái ý tưởng, sao chép hình thức, từ việc tranh cổ động nhái theo ảnh, đến tượng đài công nhân Việt Nam “học tập” tượng đài bên Trung Quốc, đến giải thưởng triển lãm MTTQ 2005 của sinh viên Lương Văn Trung copy cẩu thả tranh của một họa sĩ Nga... 

Điều này chứng tỏ các “nghệ sĩ” ta khá lười suy nghĩ, hoặc thời buổi này họ thích làm việc hưởng thụ theo kiểu mì ăn liền.

Hiện nay, chúng ta thừa công chức, lạm phát bằng cấp giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ nhưng thiếu chuyên gia. Ngành mỹ thuật cũng ở trong tình trạng tương tự, các họa sĩ - công chức lâu dần sống lên lão làng, rõ ràng thiếu hụt kiến thức làm luật, ngoại ngữ, quản trị nghệ thuật.

Do đó, trước thực tiễn phát triển rất nhanh, những qui chế, chính sách ban hành thường ra chậm và nếu có thì cũng không chặt chẽ, nhanh chóng bị lạc hậu trước đời sống xã hội.

Trong tương lai  gia nhập vào WTO, để hòa nhập không lạc điệu vào đời sống cộng đồng thế giới, bên cạnh việc tăng cường giáo dục nâng cao ý thức công dân, tôn trọng pháp luật, đạo đức nghề nghiệp trong các nhà trường mỹ thuật, có lẽ rất cần dịch các văn bản luật, các qui chế hành nghề mỹ thuật, gallery của một số nước tiên tiến đi trước để tham khảo và rút kinh nghiệm, học hỏi ứng dụng cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Cần một thị trường cạnh tranh lành mạnh

Xã hội văn minh cần có một thị trường cạnh tranh lành mạnh, được nhà nước bảo vệ bằng luật pháp và hành pháp cụ thể, đúng nghĩa. Rõ ràng thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện nay đang phát triển tự nhiên chủ nghĩa, không đồng bộ, trục trặc và bất thường, cơ chế vận hành quân hồi vô phèng.

Trong khi nước ta cần mở rộng dân chủ trong đời sống xã hội và quyền tự do công dân thì cũng lại rất cần một bàn tay mạnh mẽ thiết lập lại kỷ cương xã hội, bổ sung hoàn thiện luật pháp, giáo dục công dân tôn trọng thực thi luật pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho chính họ. 

Tháng 4/2006
Phạm Trung

MỚI - NÓNG