Trẻ con thích thú, người lớn giật mình

Trẻ con thích thú, người lớn giật mình
TP - Xoay quanh những câu chuyện chối tỉ của Tí Chổi, một thế giới ấu thơ trong trẻo hiện ra, vừa mời gọi người ta trở về thời thơ bé, lại vừa khiến ta chợt giật mình nhìn lại bản thân mình.
Trẻ con thích thú, người lớn giật mình ảnh 1
 

“Khi chúng ta còn thơ bé/ Hãy tưởng tượng nhiều đi mơ ước nhiều đi/ Hãy bay lên bay lên cao mãi/ Chúng ta làm những gì ta thích”, vì “Mọi việc chúng ta làm / Chỉ là trò chơi”. Đó có thể được coi là “tuyên ngôn” của cô bé Tí Chổi – nhân vật chính trong cuốn “Tí Chổi” của Trang Thanh vừa trở lại với bạn đọc nhỏ tuổi trong tập hai của cuốn sách với tên gọi “Tí Chổi và Bà mẹ Camera” (NXB Kim Đồng - 8/2011).

Không còn luôn thèm khát những món khoái khẩu như hồi thơ bé, cô bé Tí Chổi nay đã lớn. Giờ thì cô không còn mong làm người lớn để được làm bất cứ thứ gì mình thích, ngược lại, cô bé không thích lớn vì “càng lớn càng phải suy nghĩ nhiều hơn” và cô ghét điều đó. Tí Chổi chỉ ước có “một con ngựa hay một cái máy bay thì cũng tàm tạm” để bay bổng với những người bạn trong mơ, cùng với họ “ăn – chơi –phiêu lưu - tán dóc” và phù phép để thoát ra khỏi bốn bức tường im ỉm của Bà mẹ Camera chối tỉ.

Cùng với cô bạn Áo Choàng tội nghiệp đang đi lưu lạc và nhị vị ngũ quậy trong mơ, Tí Chổi không chỉ dẫn dắt độc giả nhỏ tuổi cùng “làm những gì mình thích” và “không cần lo sợ” trong chuyến phiêu lưu mới mà còn khiến người lớn chúng ta – những người “phải nghĩ quá nhiều mà không biết tưởng tượng” thêm một lần được trở về ấu thơ khi soi mình trước những tâm hồn con trẻ trong veo.

Qua câu chuyện của mình, cô bé Tí Chổi muốn nhắn nhủ rằng, hãy tưởng tượng và mơ ước nhiều hơn, cho tới khi “mọi việc chúng ta làm chỉ là trò chơi” thì trẻ em đã có thể đưa người lớn cùng nhập cuộc chơi của mình. Cũng như ở ngoài đời, cô bé Bống từng bảo với mẹ mình “mẹ hãy viết thứ văn có thể cười” vậy.

Rốt cuộc thì chúng ta đang sống như thế nào và thay vì quan trọng hóa mọi chuyện khiến cuộc sống trở thành cuộc thực thi những trách nhiệm cần phải làm, sao chúng ta không làm cho cuộc sống hồn nhiên hơn? Chí ít thì ta cũng nên tôn trọng “sự khác biệt” – thứ mà cô bé Tí Chổi luôn muốn có.

Bởi vì mẹ cô ở thời đại buồn rầu (và thích áp đặt con cái) nên chẳng thể hiểu được lí do vì sao Tí Chổi lại “trở nên chối tỉ tí mỏi” trong con mắt của người lớn như vậy. Cô bé bảo với mẹ rằng: “Mẹ chả bao giờ hiểu được đâu, nếu mẹ không cùng con trở lại tuổi thơ”.

Thì đây, Trang Thanh đã đưa chúng ta cùng trở lại tuổi thơ qua cái nhìn ngược của một cô bé mười một tuổi, nay đã lớn, đã biết cách lý sự và thích phản biện. Đối tượng để cô bé phản biện và chế giễu chính là “Bà mẹ Camera vĩ đại” của mình. Cũng từ những màn đấu khẩu và cả “đấu trí” giữa hai mẹ con, Tí Chổi giúp mẹ và cả độc giả của mình nhận ra không gian chật hẹp của đời sống thường nhật để rồi tìm cách thoát khỏi nó, tìm đến một thế giới khác bằng trí tưởng tượng bay bổng.

Cuối cùng thì không phải người lớn có quyền áp đặt cho con trẻ một cuộc sống như - chúng – ta - muốn, mà chính trẻ con, với tâm hồn trong veo không toan tính đã khiến người lớn phải giật mình nhìn lại, xem mình có mang lại được cho các con cuộc - sống - mà – chúng - cần?

 

Nhà văn không quên trách nhiệm xã hội, sau khi “Tí Chổi” tập 1 ra mắt, Trang Thanh đã nhờ cơ duyên này kêu gọi được các nhà hảo tâm: Tập đoàn Tài chính SVA, Báo An ninh Thủ đô, Chương trình Trái tim cho em - Viettel, tài trợ cho bé Phương Thùy 2 tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên số tiền 76 triệu đồng để bé vượt qua ca mổ tim bẩm sinh vào tháng 10 năm 2010.

Dịp Trung thu vừa qua, tham gia chương trình Vầng trăng nhân ái do Trường Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội tổ chức, Trang Thanh đã bán được 90 cuốn “Tí Chổi và Bà mẹ Camera” (do NXB Kim Đồng tài trợ) với “giá tùy tâm”, thu được 10.347.000 đồng, trao lại toàn bộ cho BTC chương trình dành để ủng hộ cho 3 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Việt Trì và ở phường Nhân Chính, Hà Nội. Tập đoàn Tài chính SVA nhận bảo trợ cho bé Hồng Anh – Việt Trì (nhân vật được giải cứu khỏi đánh đập của gã bố hờ, năm 2010) đến năm bé 18 tuổi.

Thừa nhận rằng câu chuyện xung quanh nhân vật Tí Chổi ngày càng rộng ra và ảo hơn, nhà thơ Trang Thanh muốn tác phẩm của mình “Sẽ hướng tới mục đích cao nhất là thể hiện ước mơ, khát vọng của trẻ em, bay bổng vượt lên trên thực tại mà các em đang sống”.

Và hẳn chất men say cho cuộc sống này sẽ được chắp thêm đôi cánh tưởng tượng khi tác giả tiết lộ, chị đã có kế hoạch chuyển thể bộ truyện “Tí Chổi” (dự định 5 tập) của mình thành kịch bản phim.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.