Trẻ em đồng tính: Đòi lại quyền lợi đã mất

Anh Lương Thế Huy và chị Châu Loan, nhân viên dự án của ICS trò chuyện tại hội thảo Ảnh: Mi Ly
Anh Lương Thế Huy và chị Châu Loan, nhân viên dự án của ICS trò chuyện tại hội thảo Ảnh: Mi Ly
TP - Trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) vẫn là chủ đề lạ lẫm, bởi người ta thường chỉ nhắc đến những người LGBT trưởng thành. Nhưng chính trẻ em LGBT “bụi đời”, sống lang thang và bị kỳ thị, mới là nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội.

> 'Nhà gái' trần tình về đám cưới đồng tính nam

Hội thảo “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới” diễn ra sáng 31-5 tại Press Club, Lý Thái Tổ, Hà Nội, trong khán phòng trang trọng, với nhiều tổ chức xã hội vì quyền lợi của cộng đồng LGBT Việt Nam và nước ngoài.

Chủ đề không nhạy cảm

“Nhiều người cho đây là chủ đề nhạy cảm, tôi không nghĩ vậy. Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn: Đây chỉ là lấy lại những quyền lợi cơ bản đã bị tước đoạt của một nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, chứ không đòi hỏi thêm quyền lợi nào cả”, ông Stale T. Risa, Đại sứ Nauy tại Việt Nam nói.

Đáng lưu ý, các em không phải trẻ mồ côi mà có bố mẹ, nhà cửa hẳn hoi nhưng bỏ nhà ra đi vì nhiều lý do, phổ biến nhất là thái độ kỳ thị của gia đình và xã hội. Theo nghiên cứu chưa đầy đủ, hầu hết nhận thấy xu hướng tình dục của mình ở tuổi dậy thì.

TP HCM - nơi đông trẻ em LGBT đường phố nhất nước

Trò chuyện với Tiền Phong, chị Nguyễn Thu Nam, một trong hai nhân vật thực hiện đề tài nghiên cứu “Trẻ em đường phố LGBT đồng tính, song tính và chuyển giới tại TPHCM” cho biết: “Chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể nói TPHCM là địa phương các em tập trung đông đảo nhất, đến từ nhiều tỉnh thành của ĐBSCL, chẳng hạn Kiên Giang, Long An… để kiếm sống. Một lý do quan trọng khác là TPHCM mang lại cho các em môi trường sống tự do hơn so với địa phương khác”.

Hội thảo cũng dành chiếu phim tài liệu “Thế giới không có nhân vật lạ” do Lương Thế Huy, thành viên ICS - tổ chức của cộng đồng LGBT tại VN, cùng các đồng nghiệp thực hiện, nói về đời sống của trẻ em LGBT ở TP HCM.

Không thể kiếm sống lương thiện?

Có 3 thiếu niên đại diện cộng đồng LGBT đường phố từ TPHCM ra Hà Nội dự hội thảo. Một em chuyển giới (nam thành nữ) chia sẻ về cách kiếm sống của mình: “Em không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm gái”.

Em kể: “Em chỉ xin việc ở quán cơm, vậy mà người ta nói: Pê đê vô đây trộm cắp chứ làm gì? Tụi em muốn có công ăn việc làm đàng hoàng nhưng không có công việc nào cho tụi em hết”.

Sau khi chuyển giới, em để tóc dài và có thân hình nữ giới nhưng giọng nói vẫn trầm. Hỏi “Sao không cắt tóc? Chẳng phải thế thì xin việc dễ hơn sao?”, em nói: “Như thế còn hổ thẹn hơn. Được là chính mình quan trọng hơn phải ép mình thay đổi để có việc làm”.

Ngoài công việc trên, em còn đi hát đám ma, nhảy, cởi đồ, múa lửa… “do chủ yêu cầu để người xem thích hơn, có khi là tụi em tự đề nghị để kiếm được nhiều tiền hơn”.

Không thể “tự tự tin”

Những người tham gia hội thảo thống nhất quan điểm ủng hộ và không kỳ thị cộng đồng LGBT, nhưng có mâu thuẫn trong quan điểm về vai trò của xã hội đối với cộng đồng này.

Trong phần phát biểu, ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ trẻ em gợi ý: “Sẽ không ai kỳ thị cả nếu các em hành động như người bình thường”.

“Nhưng thế nào là bình thường?”, anh Lương Thế Huy đặt câu hỏi. “Chẳng hạn, với các em chuyển giới, những thứ với người khác bình thường thì với các em ấy lại không. Có em muốn là con gái, thích để tóc dài, không thể bắt các em cắt tóc ngắn mặc đồ nam để được coi là bình thường. Cũng như người dị tính, nếu là con trai mà bắt mặc đồ nữ cả ngày có chịu được không? Tôi nghĩ vấn đề là xã hội phải học cách chấp nhận sự đa dạng”.

Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em, UNICEF: “Chúng ta luôn nói các em phải tự tin, nhưng rõ ràng các em không thể tự tự tin mà cần có sự giúp sức của cộng đồng và xã hội”.

“Cầm tay chỉ việc”

Tại Philippines, người ta hỗ trợ trẻ em LGBT đường phố bằng cách mở các trung tâm làm cắt tóc, học nghề, vừa đào tạo vừa cung cấp việc làm. Ở Campuchia, có các trung tâm may mặc, thiết kế thời trang cho các em học việc.

Với Việt Nam, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, trung tâm đang nghiên cứu để áp dụng những mô hình này cho trẻ em LGBT đường phố.

Năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận đồng tính không phải là bệnh và không lây nhiễm. Anh Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu iSEE (đơn vị tổ chức hội thảo), nói rõ: “Ngày nay, khi nói về cộng đồng LGBT, chúng ta không bàn về khía cạnh y học nữa mà cần bàn xem làm thế nào để thay đổi nhận thức xã hội”.

Bên lề hội thảo, nhóm thiếu niên đường phố từ TPHCM rất cởi mở trả lời phỏng vấn báo chí, kể cả chuyện riêng tư nhất.

Nhưng khi hội thảo kết thúc, các em lo lắng về tác động của những bài báo đến cuộc sống của mình nên đề nghị không đưa tên thật và bất cứ hình ảnh nào của các em lên mặt báo. Nỗi sợ đó chứng tỏ xã hội vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Thực tế ở Việt Nam hiện nay rất giống nước Anh 30 năm trước. Người ta từng nói với chúng tôi: Hãy che giấu giới tính của mình để không bị kỳ thị. Chúng tôi đã làm thế, nhưng bạo lực vẫn không chấm dứt. Vì thế, đừng bắt người đồng tính chúng tôi phải thay đổi cho vừa lòng xã hội, mà chính xã hội phải thay đổi thái độ”, một đại biểu người Anh chia sẻ tại hội thảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG