Trẻ vẫn lép vế

Trẻ vẫn lép vế
TP - Cứ 5 năm một lần, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp lại một lần đại hội. Biết bao chuyện, bao đường hướng, bao nhiêu ghi nhận, bao nhiêu mong đợi ở tương lai.

Nhắc đến múa, là gợi ngay đến vẻ đẹp thanh xuân. Cái trẻ trung, mạnh mẽ, duyên dáng của động tác. Cái đẹp của hình thể, của chuyển động. Cái đẹp tươi mới. Ít ai múa ở tuổi 40.

Thế mà, 70 % đại biểu tại đại hội Hội Nghệ sỹ Múa vừa qua ở lứa tuổi 55- 65. Số còn lại, phần lớn là trên 44 tuổi - không thể gọi là trẻ so với nghề. Phiên bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới, nghệ sỹ Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Múa TPHCM, được cho là trẻ, chiếm số phiếu cao nhất. Điều ấy cho thấy đại hội mong đợi một sự thay đổi.

Bất ngờ, Thế Dũng không lọt Thường vụ hội! Người bình tĩnh như NSND Trần Bình - cũng được coi là trẻ trong số hội viên múa - phải bất bình: “Mười năm qua, hội múa toàn U60, U70. Bây giờ có tín hiệu cách tân lại không được ghi nhận thì ngành múa vẫn thế thôi”.

Người chủ chốt của hội hưởng lương ngang thứ trưởng. Nhiều thứ trưởng (sắp) về hưu thường làm chủ tịch hội nào đó. Trước nhiều đại hội của các ngành bao giờ cũng có hội diễn, liên hoan, triển lãm toàn quốc, nơi những cơn mưa rào huy chương vàng bạc trút xuống. Ai cũng vui. Để rồi sau đó là những cuộc trả ơn. Bằng những lá phiếu tại cuộc bầu ban chấp hành.

Hội - có thể nhiều năm không lên tiếng bênh vực hội viên, có thể ít hoạt động, hay có những hoạt động mà chẳng ai biết. Nhưng hội có tiền. Mỗi năm nhận 4- 5 tỷ đồng từ nhà nước. Trong khi, có nhà hát 150 nghệ sỹ, nhân viên chỉ được khoán chi 4 tỷ đồng. So thế, thấy hội khỏe hơn gấp bội.

Những tín hiệu canh tân thường đến từ người trẻ, đáng phải được tôn trọng nâng niu. Quá tuổi, hết sức, mất sáng tạo vẫn bám riết đồng lương nhà nước chính là bám riết những lề thói cũ, trì níu dòng chảy mới của nghệ thuật và cuộc sống.

MỚI - NÓNG