Triển lãm ấn chương triều Nguyễn

Triển lãm ấn chương triều Nguyễn
TP - Khoảng 140 hình dấu của hoàng tộc, quân đội, cơ quan địa phương trưng bày từ sáng nay tại Hà Nội, giúp người xem hiểu được phần nào hệ thống hành chính triều Nguyễn.

> Lần đầu tiên ra mắt cổ ngọc Việt

Dấu “Quốc gia tín bảo” (trên) và “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”. Ảnh.: T.T
Dấu “Quốc gia tín bảo” (trên) và “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”. Ảnh.: T.T.
 

Trưng bày Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn (từ ngày 12-10 đến hết 31-12 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1) thể hiện các hình dấu in trên hơn 90 phiên bản tài liệu lưu trữ Châu bản - văn thư chữ Hán viết trên giấy- triều Nguyễn do Trung tâm bảo quản.

Đợt trưng bày này giới thiệu đến công chúng tư liệu dấu in trên châu bản ở 3 hệ thống: Kim Bảo của Hoàng đế, ấn của phủ Tôn nhân và Hoàng thân; Ấn của các cơ quan trung ương và quân đội; Ấn của các cơ quan chính quyền địa phương. Ấn chương thể hiện sự xác tín, khẳng định tính hợp pháp của văn bản được ban hành. Tuy xuất hiện sớm ở Việt Nam, nhưng ấn chương còn lại hiện chủ yếu thuộc thời Nguyễn.

Qua nghiên cứu con dấu, có thể hiểu được sự thay đổi của hệ thống hành chính triều Nguyễn, nhất là giai đoạn sau này. Sự thay đổi này còn thể hiện ở hình thức: dấu về sau được khắc cả tiếng Pháp. Đó là trường hợp ấn Kiêm đốc hành nhân ty thời Đồng Khánh, hình tròn bên ngoài khắc tiếng Pháp, trong là chữ Hán.

Bộ ấn Tôn nhân phủ ấn được cấp cho Phủ Tôn nhân, cơ quan đặc biệt trong tổ chức chính quyền triều Nguyễn, thay mặt nhà vua quản lý các vấn đề trong Hoàng tộc. Ngay trong bộ ấn này cũng có sự thay đổi, ban đầu tôn có nghĩa là “tôn tộc”, sau này vua Thiệu Trị đổi thành nghĩa “tôn kính”. Ấn Hoàng thân giới thiệu đợt này tương đối phong phú, với 12 hình dấu của các Hoàng tử, Hoàng tôn nhà Nguyễn.

Ở khu vực trưng bày Ấn của các cơ quan trung ương và quân đội, phần ấn các viện, tự, ty khá ổn định về tên gọi, thể hiện qua 19 hình dấu in trên 13 phiên bản tài liệu. Ngược lại, Nội các là cơ quan trực tiếp giúp nhà vua quản lý văn thư, trải qua nhiều đời vua cũng thay đổi về tên gọi.

Từ thời vua Gia Long đến vua Bảo Đại, nhiều loại ấn chương được sử dụng: Bảo, Tỷ, Ấn, Chương, Quan phòng, Đồ ký, Kiềm ký, Tín Ký, Ký… Mỗi loại đi kèm với quy định chặt chẽ, nhưng đến nay hiện vật còn lại rất ít, nên giới nghiên cứu chỉ còn cách khảo cứu trên hình dấu đóng ở tài liệu.

Ban tổ chức phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đặt một số hình ảnh minh họa của Kim bảo bên cạnh hình ấn, giúp người xem hình dung rõ hơn hoa văn, họa tiết chiếc ấn được sử dụng. Kim Bảo là loại con dấu của vua, được đúc bằng vàng, bạc thường được đóng trên chiếu, chỉ, dụ. Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, Quốc gia tín bảo, Ngự tiền chi bảo, Văn lý mật sát được chọn trưng bày trong khu vực Kim Bảo và ấn phủ Tôn nhân.

Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, đời Gia Long, kích thước 3,9 x 5,1 cm, được coi là Kim Bảo truyền quốc, thường được gọi là Tiểu long bảo. Trong Châu bản, khi có dấu của Kim bảo này thì phần ghi niên hiệu sẽ có dấu Kim bảo Quốc gia tín bảo và nhiều văn bản sẽ có cả kiềm bảo Văn lý mật sát.

Quốc gia tín bảo là dấu đóng trên các loại chiếu, chỉ, dụ và văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ. Dấu đóng ở dòng ghi niên hiệu cuối văn bản và thường được đóng đài lên trên chữ “niên”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.