Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010: Nhiều, to và...

Một góc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010
Một góc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010
TP - Không nên coi Triển lãm mỹ thuật toàn quốc là một sân chơi vui vẻ bởi sân chơi nào thì cũng cần có một sự bình đẳng trân trọng tối thiểu. Cái bất bình đẳng ở đây là có đến gần một nửa số tranh không đến mức phải bày ra bằng được.
Một góc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010
Một góc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010.

Năm năm một lần, giới nghệ sĩ tạo hình lại họp mặt tương đối đông đủ tại Triển lãm mĩ thuật toàn quốc. Điều ngạc nhiên là không ngờ hoạt động nghệ thuật này cũng mang tính nhiệm kì như các hoạt động hành chính khác. Và cái khoảng cách năm năm cũng chỉ nói lên ngần ấy. Nghệ thuật phát triển từng ngày, thậm chí từng giờ, nếu đúng như thế thì khoảng cách năm năm là quá dài. Ngược lại sẽ là quá ngắn khi mĩ thuật không phát hiện ra điều gì mới mẻ hơn năm năm trước.

Trong phạm vi một bài viết ngắn, tác giả không có tham vọng đưa đến một cái nhìn chi tiết mang tính kĩ thuật. Lại càng không tham vọng đi sâu vào phân tích tác phẩm.

Đây là một cuộc triển lãm lớn. Không nghi ngờ gì khi mà có đến hơn 800 tác phẩm hội họa, đồ họa và hàng trăm tác phẩm điêu khắc có mặt tại đây.

Cuộc triển lãm đã quy tụ được hầu hết các gương mặt nghệ sĩ tài năng của đất nước. Sự lúng túng thiếu nhất quán và định hướng của Hội đồng nghệ thuật trong việc chọn tranh trưng bày lại là một ưu điểm nổi bật hơn cả. Nó đã giúp người xem có được cái nhìn rộng mở với nhiều thể loại, đề tài, chất liệu và ngôn ngữ tạo hình phong phú, đa dạng.

Nghệ sĩ đã được tôn trọng hơn ở sự khác biệt. Những thủ pháp nghệ thuật được đào xới kĩ càng trong rất nhiều tác phẩm cho thấy một diện mạo hội nhập thế giới của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã thấp thoáng hé lộ những hi vọng.

Nhưng còn khá nhiều những điều đáng bàn ở cuộc triển lãm này.

Thứ nhất là Nhiều

Xin được nói ngay cảm giác đầu tiên bước vào phòng triển lãm là choáng ngợp về số lượng. Đây không biết có phải là ý đồ của ban tổ chức hay không? Nếu có thì để phục vụ mục đích gì?

Nếu chỉ tính số lượng tranh tượng được trưng bày trong một không gian khá chật hẹp thì có lẽ đây là một kỉ lục thế giới? Khao khát kỉ lục không chỉ còn nằm ở các hoạt động nhằm quảng cáo thương hiệu thực phẩm bánh chưng, giò lụa, chả mực nữa rồi? Nó đã từng bước tiến vào nghệ thuật tạo hình. Bắt đầu là “Con đường gốm sứ” trên đê sông Hồng.

Dứt khoát không phải để phục vụ người xem một món ăn tinh thần sang trọng khi mà tranh tượng được bày ken dày đã xảy ra những tương tác không mong muốn. Những người làm công tác trưng bày hẳn là sẽ rất vất vả khi cân nhắc đặt cho đúng chỗ một bức tranh, bức tượng để cho chúng khỏi ảnh hưởng đến nhau đã là một việc khó.

Thứ hai là To

Hình như đây rõ ràng là một tiêu chí lựa chọn của Hội đồng nghệ thuật? Hay không có một họa sĩ đủ uy tín nghề nghiệp để thuyết trình với hội đồng rằng to không phải là tiêu chí? Nhiều bức tranh ngoài việc to ra đã chẳng nói lên được chuyện gì.

Một tác phẩm điêu khắc tại triển lãm
Một tác phẩm điêu khắc tại triển lãm.

Thủ pháp kĩ thuật lúng túng. Bố cục hồn nhiên “như cô tiên”. Hòa sắc dưới trung bình. Hình họa dò dẫm. Nội dung tư tưởng hớ hênh lộ liễu. Điều này dĩ nhiên có lỗi một phần lớn ở nghệ sĩ.

Hình như theo tôi nhớ thì các trường mĩ thuật ở ta chưa bao giờ có bài học nào về kích thước và tầm vóc của một tác phẩm. Kích thước một bức tranh nhiều khi chưa được cân nhắc kĩ lưỡng trong sáng tác. Và cũng không hiếm trường hợp nhầm lẫn giữa kích thước và tầm vóc của một tác phẩm.

Dĩ nhiên tâm lí của các nghệ sĩ khi bày tranh ở một cuộc triển lãm lớn nhất nước luôn muốn mình nổi bật, thu hút được người xem nhất là Hội đồng nghệ thuật. Một trong những yếu tố có sức nặng thuyết phục là khuôn khổ kích thước áp đảo của tác phẩm. Thế nhưng Hội đồng nghệ thuật có tâm lí ấy không? Và có bao nhiêu phần trăm trong thành phần của mình?

Có cần thiết phải vẽ những bức tranh phong cảnh rộng bằng hai chiếc chiếu trong đó các tác giả nỗ lực đến tuyệt vọng để phản ánh hiện thực mà hiệu quả không hơn gì nếu như nó được vẽ ở khuôn khổ chiếc bảng học trò trong cặp sách?

Câu chuyện được kể ở đây dường như không xứng tầm với cách kể đao to búa lớn? Nó cứ như một anh chàng to béo mặc áo hoa sặc sỡ chạy lăng xăng trong đám ma? Đó là còn chưa kể đến những bức tranh trừu tượng kích thước khổng lồ với tổng hợp các thủ pháp “phun, cào, đào, bới” và hòa sắc ồn ào kém thẩm mĩ. Sự ồn ào mất kiểm soát chứ không phải là sôi nổi phấn khích biểu cảm.

Những bức tranh lớn như vậy đang là thảm họa cho những bức bên cạnh khi chúng được treo quá gần nhau.

Cuối cùng Và…

Một việc không thể không nhắc đến. Đó là hệ thống khung tranh và bục bệ tượng phần lớn do tác giả tự “trang bị” cho tác phẩm của mình với tâm lí họa sĩ Việt Nam không có ai xếp thứ nhì.

Những chiếc khung và cách trình bày kì hình dị tướng và ít nhiều gây phản cảm. Gắn gương, chạm gỗ dày như sập gụ tủ chè, áp hai tấm mi ca bắt vít như ở cửa hàng thời trang, nẹp trên nẹp dưới thò thụt khiêu khích…Muôn hình vạn trạng.

Cảm giác hỗn độn mất kiểm soát là không thể tránh khỏi. Lỗi ở đây không phải là chiếc khung. Tôi rất muốn biết ai là người có trách nhiệm cao nhất trong việc này và đã đi dò hỏi. Nhưng tuyệt không thấy. Câu hỏi đặt ra ở đây là, các vị trong hội đồng duyệt tranh có dám loại bỏ một bức tranh khi cái khung của nó không phù hợp với toàn bộ phòng trưng bày?

Tôi nghĩ việc ấy cũng quan trọng như việc chọn một bức tranh vậy. Hoa hậu cũng đôi khi bị loại bởi trang phục đấy thôi? Hoặc ai đó ở cơ quan tổ chức triển lãm cũng nên lên tiếng đề ra quy định cho khung tranh và bục tượng nếu như muốn được trưng bày. Cái đẹp ở đây phải là cái đẹp nằm trong một tổng hòa nhã nhặn sang trọng. Những chiếc khung quá nổi bật có khi lại gây hiệu ứng ngược lại với mong muốn.

Một cố gắng rất đáng kể của những cán bộ tham gia dàn dựng triển lãm đã phần nào làm giảm bớt những yếu kém của Triển lãm mĩ thuật toàn quốc lần này cũng như những lần trước. Tuy nhiên, người xem và kể cả những tác giả có mặt trong triển lãm vẫn mong muốn ban tổ chức điều hành có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn.

Đếm sơ qua phòng triển lãm có đến gần chục bức tranh vẽ chiếc cầu Long Biên! Một đề tài không có gì mới so với vài chục năm trước. Bên cạnh đó, mảng tranh đề tài chân dung lãnh tụ khá yếu kém. Các họa sĩ vẽ lãnh tụ đã tỏ ra đuối sức so với ngay chính bản thân mình trước đây. 

Hòa Phong
Hà Nội 11-2010

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.