Triệu phú quan họ

Triệu phú quan họ
(TPO) Ông “triệu phú quan họ” có 64 tuổi đời và ngót 40 tuổi nghề. Trong tay ông có tới gần 1000 bài dân ca ngọt ngào vùng Kinh Bắc. Ông là Nguyễn Văn Quyển ở làng Yên, phường Kinh Bắc, Thị xã Bắc Ninh.

Khi tìm về nhà ông, đứa cháu nhỏ cho biết: “Tháng hội này chẳng mấy khi ông cháu ở nhà đâu”. Một cụ già cười khà khà bảo: “Cụ Quyển hả, cái ông triệu phú quan họ đó thì ở đây hầu như ai cũng biết. Ông ấy vừa về, chắc giờ này đang ngồi hát ở nhà bà Nhung chứ đi ngủ làm sao được. Người như ông ấy chắc chỉ có một, cả đời sống vì quan họ”.

Những năm 60 của thế kỷ trước, một chàng trai đang là thầy giáo tiểu học với lương ba cọc ba đồng ngạc nhiên thắc mắc khi thấy những đoàn ca nhạc, những nhà nghiên cứu văn hóa về ăn ở cùng dân để học hát.

“Thế ra mình đang sống trên mỏ vàng quan họ mà không biết. Họ từ xa đến học, mình ở ngay trong cái nôi quan họ mà mình không hiểu, không học được là có tội với tổ tiên. Vậy là tôi bắt đầu say những làn điệu dân ca ngọt ngào ấy” - Ông Quyển trầm ngâm nhớ lại:

Quan họ như chất men càng uống càng say, khi ngấm thì ông đã trở thành một “tín đồ” không thể dứt ra được. Ngày ngày ngoài việc dạy học, đồng áng, ông lại tranh thủ đi tỉ tê ngồi “hóng chuyện”, cắp đàn theo từng cụ nghệ nhân quan họ để nghe hát. Đi hết các vùng gần thị xã như làng Niềm Xá, Thị Chung, lúc rảnh rỗi ông lại lóc cóc đạp xe lên tận Châu Khê, Diềm Xá...

“Các cụ đi giao lưu, chỉ nghe hát và hát đối cho vui, nhưng mình thì phải ghi chép, ghi âm lại. Về nhà lại lần giở, nắm được giai điệu thì ký âm lại. Đến những làng khác thấy các dị bản lại có so sánh, đối chiếu, sưu tầm. Như bài Cái áo xếp nguyên có 8 dị bản, bài Giăng già cũng có đến gần chục bản khác nhau”.

Trong những lần đi tìm quan họ, có khi ông đã phải trở thành… điệp viên. “Khi tôi đến làng D.X. các cụ thấy mình mang máy ra ghi, cụ không hát, không nói gì. Cụ sợ mình học mất kỹ thuật bí truyền, đến khi tham gia thi hát, các diễn viên làng cụ sẽ mất giải. Hôm sau mình quay lại, cho máy ghi âm vào túi và bật lên, có lúc nó kẹt băng kêu rè rè, phải cố nói to để át đi, tránh bị phát hiện”.

Nói chuyện chiếc máy ghi âm, ông lật giở băng đã sờn mép, đầu từ đã mòn đến lõi giọng tiếc nuối: “Có lần tôi tìm được một cụ hát bài Hận giăng, là bài nửa nói nửa hát, lại phải nhại giọng của một anh lính xứ Nghệ nên hát cho ra chất không dễ. 

Ở Làng Yên chỉ còn sót lại cụ Chi là người hát được rất chuẩn. Khi mang máy ghi âm đến, ghi được một chút thì máy lại kẹt băng, đành mất. Người hát được bài đó như cụ Chi giờ hiếm lắm”.

Triệu phú nhưng thiếu tiền

“Bây giờ lớp trẻ họ hát nhanh quá, những bài đối nhiều khi không chuẩn nữa. Trong quan họ cổ, đối phải đối cả nhạc, đối cả lời thơ. Thơ bốn chữ phải đối với bốn chữ, bảy chữ phải đối với bảy chữ. Chất đối nó hay lắm, chặt chẽ lắm, đối là phải đúng luật. Như cách đối trong bài Lúng liếng: Lúng liếng là lúng liếng ơi/ miệng cười lúng liếng  như đôi đồng tiền” thì trong bài Lóng lánh đối lại là:Lóng lánh là lóng lánh ơi/Mắt người lóng lánh như sao trên trời”.

“Ngày xưa các cụ dạy học hát rất bài bản, tập trung thanh thiếu niên lại, cho ngủ bọn (ngủ tập trung), học từ những điệu cơ bản như La Rằng, Kim Loan, Cây Gạo... rồi mới cho học bài. Nhưng bây giờ các bạn trẻ nhiều người không học những điệu chuẩn mà học vặt.

Suốt nửa cuộc đời đi tìm quan họ, ông có trong tay tới gần 1000 bài quan họ cổ: 200 bài gốc, 200 bài đối và 377 dị bản; Cùng với hơn 100 bài độc, chưa có đối.

Học từng bài nên có thể hát được bài này mà không thể hát bài kia, hát không đạt được 4 tiêu chí: vang, rền, nền, nảy. Họ hát nhanh lắm, không ra được cái luyến láy, cái tình cảm, ý nhị trong từng lời hát xưa”.

Năm 2000, được sự giúp đỡ của câu lạc bộ UNESCO Hà Nội, câu lạc bộ UNESCO quan họ đã được thành lập, ông Quyển được cử làm chủ nhiệm CLB và đặt trụ sở ngay tại nhà mình.

Từ vài người tham gia ban đầu, giờ đây, câu lạc bộ đã phát triển ra gần khắp các huyện với trên 150 hội viên. Thứ 7 hàng tuần, các thành viên lại vào nhà ông học hát. Những người am hiểu, yêu thích quan họ cùng nghe băng, tập lời, học lại theo lối dạy của các cụ xưa, học từ cơ bản rồi mới đến từng bài.

Có bác ngày ngày đi chợ, cấy lúa, tối lại bắt xe ôm vào chỉ để nghe và học hát quan họ cho đúng. Bà Nguyễn Thị Lùng ở Làng Lim ngày ngày đi chợ, lo việc đồng áng để mỗi tuần một lần lại bắt xe ôm vào nhà ông Quyển với quãng đường gần 7 cây số. Chưa buổi nào bà vắng mặt.

Không có xe máy, không có máy quay, từ khi nghỉ hưu, ông quan họ ấy dành toàn bộ thời gian vào việc đi săn tìm làn điệu cổ. Thỉnh thoảng các thành viên lại tự đóng góp để đi giao lưu, hát đối với các làng khác.

Ông Quyển trầm ngâm: “Giờ trong tay tôi có 20 tập sách về quan họ, tôi chỉ mong sao mình có thể có được nhà tài trợ nào để in được hết những bài quan họ này ra, có ký âm, chép lời bản gốc, các dị bản, những so sánh, lưu ý, và nếu có thể thì dịch ra tiếng Anh cho bạn bè quốc tế thì tốt quá. Bây giờ hầu hết công trình của tôi chỉ là viết tay, có những trang đã nhòe mực. Nếu không in được thì e rằng một ngày nào đó”... 

MỚI - NÓNG