Trịnh Thanh Sơn: Quên ung thư, nói về rượu và phụ nữ

Trịnh Thanh Sơn: Quên ung thư, nói về rượu và phụ nữ
TP - Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối. Ông biết, quỹ thời gian của mình chỉ còn rất, rất ngắn. Nhưng, Trịnh Thanh Sơn có được một tâm thế mà nhiều người bệnh mong muốn: ông hoàn toàn ung dung.
Trịnh Thanh Sơn: Quên ung thư, nói về rượu và phụ nữ ảnh 1
Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn cách đây 11 năm. Ảnh: N. Đ.Toán

Xin chào tất cả, tôi đã sẵn sàng! Ông cho tôi xem hình ngôi mộ của chính mình mà ông tự thiết kế, bức chân dung ông mặc com lê, thắt cà vạt rất “oách” và nói: “Cái này sẽ đặt cạnh nải chuối đấy!”.

Ông viết truyện ngắn, viết kịch, viết phê bình và làm thơ. Tuy nhiên người ta biết đến ông nhiều với hai tư cách: nhà thơ và nhà phê bình. Vậy ông thích là…

Tôi thích mình là nhà thơ vì tôi vốn là một nhà thơ. Tôi viết phê bình bởi bạn bè làm thơ viết văn nhiều mà không ai lăng xê, không ai viết phê bình. Tôi muốn viết về họ để cho độc giả biết, và để thơ sống được với công chúng.

Nhưng khi viết phê bình, hình như ông toàn khen cả?

Đấy là chủ trương hẳn hoi của tôi. Mà không phải tôi nghĩ ra, tôi học Hoài Thanh, ông ấy nói rằng ông ấy chỉ viết về những cái hay, những cái dở bản thân nó không nói lên được điều gì nên chẳng viết làm gì.

Khi viết phê bình, tôi chọn những câu thơ hay, những xu hướng hay để viết. Ai có cái gì hay là tôi phải khen cho bằng được. Cách của tôi cũng không khoa học thật, nhà phê bình chuyên nghiệp không nên có thái độ như tôi.

Mỗi người viết đều chọn cho mình một lối đi riêng. Lối đi ông chọn là gì?

Đó phải là thơ của mình, là thơ Thanh Hóa ở Việt Nam. Dòng Thanh Hóa có Trần Mai Ninh, Hữu Loan… Nó thể hiện cái tính cách quyết liệt, kiểu như câu thơ của Hữu Loan: “Người đập mảnh chai/Vểnh cằm/ Cạo râu”. Ông Hoàng Cầm bảo tôi nửa quê nửa tỉnh. Chính xác hơn, tôi 2/3 quê, 1/3 tỉnh.

Ông ra được 5 tập thơ. Trong hành trình của mình, ông đã và chưa làm được gì?

Tôi làm được phần nào. Nhưng nói thật là chưa hài lòng. Lẽ ra mình làm được hơn thế rất nhiều, mình cũng mải chơi, lang thang, uống rượu, yêu đương…

Vậy rượu ảnh hưởng gì đến thơ ông không?

Rượu làm mình thăng hoa. Rất nhiều bài kha khá của tôi đều có hơi rượu. Khi có rượu mình liều hơn, mình dám nói thật hơn. Thơ tôi chuộng sự thật tâm hồn, không uốn éo làm duyên.

Nhiều bài viết ra dễ đụng chạm, rồi lại xấu hổ với vợ con. Ý thức công dân, ý thức làm chồng, làm cha nó đẩy thẳng thi sĩ về phía sau, còn khi hơi tàng tàng say thì nhất ông thi sĩ.

Còn phụ nữ?

Không có phụ nữ, không có tình yêu không làm thơ được. Rượu làm mình liều, còn người phụ nữ mình yêu làm mình thăng hoa, giàu cảm xúc. Có phụ nữ thì nắng cũng nắng khác, mưa cũng mưa khác, ghét cũng ghét khác... Nói chung con người mình được đẩy đến một giới hạn cao hơn.

Giới hạn cao hơn ấy biểu hiện như thế nào, thưa ông?

Thơ nói chung là sự ngoa ngoắt, một cách nói ngoa. Thi sĩ nói ngoa thì sẽ thành thơ. Ngoa lộ liễu thì hỏng, ngoa phải khéo, phải văn hóa. Người thật thà hiền lành quá không làm thơ được. Ai càng ngoa càng làm thơ hay.

Người ta cũng buồn nhưng thi sĩ thì buồn như sắp chết, như trời sập, như sắp rã rời, tan nát đến nơi. Đường về thu trước xa lăm lắm/ Mà kẻ đi về chỉ một tôi. Làm gì có một tôi, bao nhiêu người cũng về đấy chứ. Nhưng nói thế người ta mới tin.

Bài thơ "Trước cửa đài Hoàn Vũ" viết về ngày sắp ra đi của ông làm rất nhiều người cảm động...

Đó là bài thơ cuối cùng của tôi, thế nên nó thành thật, thậm chí có thể là bài hay nhất trong đời thơ. Bài thơ có nhiều câu tôi viết rất khôi hài, ví dụ:

Ngày mai tôi sẽ lên bàn mổ!         
Thú thật với các bạn             
Tôi hết sức bất ngờ             
Để căn bệnh Ung thư đánh úp và quật đổ!      
Tên thực quản- đệ tử tin cậy của tôi - người bạn bia rượu một đời - đã ngang nhiên phản bội!
Cuộc đấu tay bo này tôi đành ấm lưng trắng bụng
      
Cuộc đấu với những tế bào phản thùng này tôi đành hai tay buông xuôi!

Nhưng lại đau xót. Khôi hài và đau xót là phẩm chất bàng bạc suốt đời thơ của tôi. Lúc nào đau xót nhất thì tôi lại khôi hài, giễu nhại. Nhưng khi đang khôi hài, giễu nhại là lúc tôi đau xót: Chiều về qua ngang chợ/ Bất ngờ gặp gã say/ Nhìn thấy mà thảng thốt/ Hắn hay là ta đây!

Trịnh Thanh Sơn đọc xong và cười ra chiều tâm đắc. Say say tỉnh tỉnh, chớp mắt mà đã một đời người. Nhưng tôi tin chắc, dù thân thể ông có lẫn vào cát bụi như người đời xưa nay vẫn thế, thì gương mặt thơ Trịnh Thanh Sơn vẫn không thể lẫn. 

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy ghi

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.