Trịnh Thịnh - Jean Gabin Việt Nam

Trịnh Thịnh trong phim “Lời nguyền của dòng sông”
Trịnh Thịnh trong phim “Lời nguyền của dòng sông”
TP - Xem Trịnh Thịnh hoàn thành dễ dàng các vai diễn của mình, tôi nhớ một Jean Gabin của điện ảnh Pháp, người có ngoại hình xù xì với mũi hơi lớn, đã hóa thân nhân vật trứ danh Jean Valjean trong phim Những người khốn khổ sản xuất năm 1958 một cách không thể xuất sắc hơn.

Những vai diễn làm nên Jean Gabin Việt Nam

Jean Valjean của Jean Gabin còn hay hơn Jean Valjean của Jean Paul Belmondo, dù Belmondo cũng là một đại danh. Về sau này điện ảnh Pháp còn có Gerard Depardieu nom vụng về như một con gấu, mũi gẫy súc sỉu nhưng đôi mắt có lúc tròn, trong như giọt thủy ngân và diễn xuất thì quá biến hóa.

Từ cái tên Trịnh Văn Thịnh mộc mạc, diễn viên đời đầu của thế hệ “Chung một dòng sông” đã sáng ý bỏ tên đệm, thành ra Trịnh Thịnh không đụng hàng! Vần “ịnh” nghe quả có hơi nặng song càng ngẫm càng thấy hợp ngoại hình của Trịnh Thịnh, vẻ hóm hỉnh của ông. Riêng làm nghệ thuật, muốn nổi tiếng, thoạt tiên nên có tên ra tên. Trịnh Thịnh là cái tên như thế!

Và ông cũng hay được khán giả gọi bằng tên nhân vật. Cuối thập kỷ 70- 80 của thế kỷ trước, ai mà không biết ông Củng (Vợ chồng anh Lực), Hai Dong (Không nơi ẩn nấp)… Nhất là Hai Dong, vai phản diện của Trịnh Thịnh trong bộ phim đề tài an ninh, cảnh giác.

Trịnh Thịnh - Jean Gabin Việt Nam ảnh 1

Trịnh Thịnh trong “Vợ chồng A Phủ”.

Vừa mới đây, thật may, ti vi phát lại bộ phim Thằng Bờm của đạo diễn Lê Đức Tiến, khiến có cơ hội gặp lại vai diễn đã mang lại Bông sen vàng cho Trịnh Thịnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8. Tam đại đồng đường nhà Bờm thực sự thú vị. Lấy những tích dân gian, tiếu lâm trong kho tàng tiếu lâm Việt Nam làm tình huống dẫn chuyện, bộ phim đầy chi tiết quen thuộc mà xem vẫn thấy tò mò, hào hứng. Bờm nghe lời bố và ông, cầm tiền đi mua mắm và rau, đi chán thì quay về hỏi thế đồng nào mua mắm đồng nào mua rau? Vác cái cây dài ngoằng thì lại hùng dũng vác ngang nên không thể qua lọt cổng, ấy vậy mà ba thế hệ đều hỉ hả “Mừng cả họ nhà ta khôn!”.

Buổi chiều 15/4, trong dòng người chờ viếng ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, cùng với đạo diễn Trần Quốc Trọng chúng tôi ôn lại các vai diễn của NSND Trịnh Thịnh. Quốc Trọng từng làm phó cho đạo diễn Lê Đức Tiến trong phim Thằng Bờm.

“Trịnh Thịnh rất tinh, luôn tìm ra những chỗ nhỏ nhỏ để xoáy vào mà diễn. Nhớ cảnh thấy Bờm bị ông nội đánh, bố Bờm (Trọng Phan) tức quá bèn quay ra tự đánh vào người mình, bảo Ông đánh con tôi thì tôi phải hành hạ con ông; ông nội Bờm: Mày hành hạ con tao thì tao phải treo cổ bố mày lên!, nói đoạn với lấy cái dây thừng. Đoạn này nếu diễn không khéo, diễn kiểu cố tình sẽ thành ra hề chứ không phải hài. Trịnh Thịnh diễn tự nhiên, khiến người ta bật cười một cách tự nhiên bởi lớp diễn ra được cái chất tam đại gàn! Với Hoàng Hiệp, vai Bờm cũng là vai diễn hay nhất cuộc đời làm nghệ thuật của anh ấy”. (Hoàng Hiệp đã mất khá lâu ở lứa tuổi 40).

Quốc Trọng nói tiếp: “Đóng Số đỏ, nếu Trịnh Mai (Min-toa) bô lô ba la, tuệch toạc- cũng là một kiểu diễn, thì Trịnh Thịnh (Min-đơ) khác hẳn, cứ lặng như không, mặt ngây ngây, và chỉ cần bắt đầu diễn, leo lên cái xe đạp là mọi người (đoàn phim) đã không nhịn được cười!”. Phim này, ông Xuân tóc đỏ Quốc Trọng cũng kiêm phó đạo diễn cho Hà Văn Trọng.

Trịnh Thịnh - Jean Gabin Việt Nam ảnh 2

Jean Gabin (trái) trong phim “Những người khốn khổ”. Bên cạnh là các diễn viên đóng Marius và Cosette

Vai bi trong phim truyền hình Lời nguyền của dòng sông được nhắc trong những ngày tưởng nhớ Trịnh Thịnh này, song tôi nhớ lại cảm giác ngạc nhiên của mình khi xem Tự thú trước bình minh của đạo diễn Phạm Kỳ Nam - với một loạt hình ảnh tươi mới của điện ảnh thời kỳ đầu thống nhất đất nước.  Nào Lê Vân lần đầu xuất hiện, đẹp thánh thiện; nào Thế Anh diễn quá đàn ông vai thiếu tá Vĩnh Quán. Còn Trịnh Thịnh! Vẻ quê mùa biến mất, ông đóng bộ củ vào một vai phụ thôi- giáo sư tóc lưa thưa kính dày cộp, trong khoảnh khắc “trước bình minh” đã kịp nhận ra sự ươn hèn của một bộ phận “tầng lớp trên” của miền Nam. Chỉ ít phút ngắn ngủi, nhân vật của Trịnh Thịnh đã kịp có màn độc thoại ấn tượng, pha hứng đạn ấn tượng!

Hàng trăm bộ phim đã đóng, nhân vật bi hài đủ cả, ông đã làm việc với những đạo diễn nổi tiếng nhất. Kể cả đạo diễn việt kiều như Trần Anh Hùng hoặc đạo diễn người Pháp (phim Đông Dương). Gần đây “người đẹp” Chánh Tín - được khán giả ưu ái gọi “Alain Delon Việt Nam”, kết luận: “Diễn viên muốn thành công thì ngoại hình chiếm 50%”, không sai. Còn Trịnh Thịnh là kiểu diễn viên cho thấy với ngoại hình có thể không tuyệt mỹ, cả ngoại hình cả tính cách đều giản dị chân thật, người ta vẫn có thể là diễn viên nổi tiếng loại nhất, khiến người xem yêu mến cũng loại nhất. Như Jean Gabin.

Trịnh Thịnh - Jean Gabin Việt Nam ảnh 3 Trnh Thịnh (bên trái) vai Min-đơ trong Số đỏ. Ảnh Quốc Trọng chụp từ DVD. 

“Ông này thì nhất rồi”

Năm 1996, tôi có bài viết Câu chuyện của Quyền Linh và những bi kịch nhỏ phía sau màn bạc. Hồi đó truyện vừa Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê xôn xao dư luận, còn Quyền Linh là ngôi sao đang lên với mắt nâu trên gương mặt đẹp rắn rỏi hơi Tây.

Trò chuyện về hậu trường phim Nhật thực làng Hạ, cái tên được Quyền Linh nhắc đầy trân trọng là Trịnh Thịnh, đóng ông Cửu- bố anh trong phim. Còn thì phàn nàn nhiều, về phong cách làm phim thiếu chuyên nghiệp thiếu tình người của các cộng sự phía Bắc- điều anh không ngờ tới.

“Ông ấy thì nhất rồi!” Nghe tôi nhắc Quyền Linh- Trịnh Thịnh, đạo diễn Nhật thực làng Hạ - Phạm Lộc (cũng trong đoàn chờ viếng), nói. “Chưa thấy ai nghiêm túc, say nghề thế. Thuộc kịch bản kinh khủng, diễn không thể chê. Tính thì hiền lành nhẫn nhịn, không bao giờ đòi hỏi thù lao hoặc ra điều kiện ăn ở nọ kia, khác hẳn một số “mét” (bậc thầy) khác. Có khó chịu điều gì cũng chỉ đi đi lại lại một chỗ chứ không tỏ thái độ hay phản ứng”.

“Nom ảnh Trịnh Thịnh hồi trẻ ngon trai phết. Chắc cũng như mọi người, nghệ sĩ đã trải nhiều gian khó?” “Ông ấy có khổ cũng không ai biết vì có bao giờ kể với ai đâu!” “Liệu có nhiều không những diễn viên thế hệ trước như Trịnh Thịnh, không tì vết, lao động nghệ thuật nghiêm túc?” “So sánh kể cũng khó, chỉ có thể nói ông ấy là người đặc biệt, và đáng kính”- Phạm Lộc nói.

Mới đây trên báo Tiền Phong, NSƯT Phạm Bằng kể, ra trường quay bây giờ mới biết diễn viên có khi chẳng cần đọc hết kịch bản mà chỉ cần đọc những lớp có mình diễn, cắt khúc ra mà đóng cho xong còn chạy đi làm việc khác. Nhân vật nọ không cần biết số phận, tình huống của nhân vật kia!

Cho nên, dù điện ảnh- truyền hình bây giờ không thiếu gương mặt “nam thì anh tuấn nữ thì thanh tú” nhưng nói về nó, Trịnh Thịnh- Phạm Bằng vẫn có lý do để khó tính và buồn, là thế.

Trong dòng người tiễn ông hôm nay, có đủ lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 như Minh Châu, Thanh Quý, Thanh Hiền, Ngọc Thu… Rồi Thanh Loan (ni cô Huyền Trang thuở nào). Lứa trước có Lịch Du, Minh Đức…Nom NSƯT Trần Hạnh yếu gầy, còn diễn viên cùng Nhà hát Kịch Hà Nội, trẻ hơn như Trần Đức đầy phong độ. NSƯT Hoàng Yến được con gái - NSƯT Thùy Hương đưa đi viếng bạn. Bà Yến nói: ‘Tôi năm nay 82 rồi còn khỏe nữa đâu nhưng mình đi sau, tiễn được ai thì tiễn nhất là ông ấy, con người hiền lành chân thật không ai bằng”.

Ông đã sống một cuộc đời trường thọ, với những vai diễn trường thọ. Nhớ đến ông là nhớ điểm sáng, điềm lành, ngày tháng đẹp của điện ảnh Việt Nam.

> Xem thêm ảnh Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh trên phim

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.