Trò chuyện với linh hồn

Trò chuyện với linh hồn
TP - Để tiếp cận Nói chuyện với thiên đường của James Van Praagh (NXB Văn hóa Thông tin 2009), người đọc cần (tạm thời) tin rằng người chết chỉ là về phần xác, linh hồn vẫn tồn tại. Và nếu chúng ta mong được họ lắng nghe thì họ cũng có nhiều chuyện muốn nói với chúng ta.
Trò chuyện với linh hồn ảnh 1
Trang bìa cuốn sách về thế giới bên kia

Giúp người sống giao tiếp với linh hồn (đôi khi của cả động vật) là công việc hàng ngày của James Van Praagh. Những gì ông viết không chỉ đáp ứng tò mò mà có thông điệp nghiêm túc, thậm chí biến đổi thế giới quan người đọc. Van Praaph: “Trước khi được sinh ra, chúng ta đã xây dựng xong kế hoạch chi tiết cho hành trình cuộc đời mình”.

Đương nhiên trò chuyện với linh hồn không dễ như với người sống. Khi linh hồn nói: Xin chào bạn có khỏe không, Van Praagh có thể chỉ nghe thấy: ào, có ỏe ông(!)

Một trong những buổi làm việc ly kỳ nhất của Van Praagh: Linh hồn một cậu bé chỉ dẫn cho cha mẹ và cảnh sát tìm ra kẻ sát hại mình. Trước đó mọi người đều đinh ninh cậu tự sát. Lại có chuyện thật dễ thương, như cụ ông 80 tuổi nhờ tác giả gọi hồn cụ bà về kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

Van Praagh cho hay, các nghệ sĩ, nhà khoa học thiên tài chính là những nhà tâm linh. Ông viết: “Một nhóm linh hồn có thể ghi dấu vào cá thể trên cõi trần bằng tư tưởng cảm hứng để viết những bản nhạc, vẽ những bức tranh cụ thể”.

Trò chuyện với linh hồn ảnh 2
James Van Praagh

Chính Mozart bày tỏ trong một bức thư: “Những lúc tôi một mình với tâm trạng thoải mái, từ đâu những luồng nhạc cứ cuồn cuộn chảy đến. Những luồng nhạc ấy hình thành, cấu tạo ra sao, tôi cũng không hiểu nổi, không phụ thuộc vào ý muốn của tôi. Những mảng âm nhạc đó cứ lan tỏa, và tôi chỉ việc làm cho chúng sáng tỏ thêm. Chúng cứ như được hoàn thiện ngay trong đầu. Phải chăng đó là quà tặng tuyệt diệu nhất mà Trời mang đến!” (trích tạp chí Âm nhạc Việt Nam số tháng 7/2009).

Nhưng không có nghĩa là ta có thể dựa dẫm nhiều hơn vào các linh hồn. “Chuyển sang cuộc sống bên kia, không có nghĩa là anh hay cô ta biết được toàn bộ bí mật của vũ trụ”, Van Praagh thông báo.

Theo ông, nhận thức của linh hồn nói chung có hơn chúng ta một chút. Hơn nữa, có những luật lệ khiến cho linh hồn không thể can thiệp vào quá trình nghiệp chướng của người khác.

Như cái tên Nói chuyện với thiên đường, dường như những người hiện hồn về với tác giả đều trở nên sáng suốt và đang ở một thế giới tươi đẹp hơn.

Có lẽ để tránh gây ngộ nhận, trong phần II (Các buổi thoát trần tục), tác giả dành hẳn một chương cho các buổi gọi hồn những người tự sát. Theo Van Praaph: “Các nạn nhân tự tử đều chia sẻ cảm xúc hối hận vì đã phạm tội với linh hồn của mình.” Tác giả cũng dành chương riêng nói về AIDS.

Phần ba của sách là những chỉ dẫn thực hành mong giúp thân nhân người chết vượt qua nỗi đau mất mát cũng như cách thức rèn luyện để họ có thể liên lạc với người thân đã mất.

James Van Praagh vào trường dòng từ năm 14 tuổi. Ông tốt nghiệp ĐHTH bang San Francisco, ngành Phát thanh Truyền hình và Truyền thông.

Tháng 12/1997, Van Praagh trở thành ông đồng đầu tiên xuất hiện trong chương trình của Larry King để giới thiệu cuốn sách đầu tay Nói chuyện với thiên đường (Talking To Heaven).

Cũng qua chương trình này, tháng 5/2009, người ta biết ông có cuộc hôn nhân đồng tính. (Theo Wikipedia)

MỚI - NÓNG