Trò chuyện với tác giả của tiểu thuyết Hoang thai (*)

Trò chuyện với tác giả của tiểu thuyết Hoang thai (*)
TPCN - Ngay đầu tiểu thuyết Hoang thai, nữ nhà văn Dorota Terakowska viết: “Cuốn tiểu thuyết này không ra đời, nếu không có ý tưởng kịch bản của con gái tôi, Malgosia Szumowska.
Trò chuyện với tác giả của tiểu thuyết Hoang thai (*) ảnh 1

Dorota Terakowska - tác giả Hoang thai

Tôi đã mượn ý tưởng đó với sự đồng ý của con gái - mẹ cảm ơn con. ý tưởng gì vậy? Thai nghe được. Mỗi người chúng ta hiểu điều này giống nhau - tựa hồ mẹ và con gái giống nhau, và khác nhau - tựa hồ mẹ và con gái thường khác nhau”.

Từ ý tưởng “Thai nghe được” đã hình thành hai tác phẩm: tiểu thuyết của Dorota Terakowska và kịch bản phim của con gái của bà, cả hai  cùng tiêu đề Hoang thai.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên Renata Radlowska với tác giả của tiểu thuyết Hoang thai.

Renata Radlowska:

-  Ai là người đầu tiên nảy ra ý tưởng “Thai”?

Dorota Terakowska:

-  Malgosia, con gái tôi, đạo diễn điện ảnh. Đó là năm 2000, Malgosia được nhận giải thưởng quốc tế đầu tiên về kịch bản cho bộ phim “Người hạnh phúc”.

Lúc đó tôi vừa nộp bản thảo tiểu thuyết “Con nhộng” cho nhà xuất bản và bỗng tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng kinh khủng (vì tôi đã trao cho nhà xuất bản cái chỉ của riêng tôi, mỗi lúc tôi càng thấy ưu phiền, nhất là khi đại diện nhà xuất bản nói: “Cuốn này được”, thì tôi lại càng cảm thấy là cần vào computer và ấn “delete”).

Thế rồi, một ngày thu năm 2000, tôi đang trong trạng thái hụt hẫng, Malgosia  loanh quanh trong nhà bếp, bên ngoài cửa sổ - một buổi ban mai ảm đạm, hai mẹ con pha cà phê, thình lình đài phát thanh đưa tin: “Các nhà khoa học bảo rằng, hình như thai nhi trong bụng mẹ nghe được...”.

“Lạy Chúa, một ý tưởng tuyệt vời cho phim! Con sẽ viết kịch bản!” - Malgosia vui sướng hô to. Còn tôi góp thêm: “Phải gọi Thai là Ono”.

Năm 2001, khi kịch bản của con gái tôi đến Sundance, Mỹ, đã biết là có khả năng đoạt giải thưởng, tôi bèn nói với con tôi: “Con sướng thật đấy, con có ý tưởng, có kịch bản, còn lúc này mẹ chẳng có gì... Đầu mẹ rỗng tuếch”.

Chỗ này Malgosia nói: “Mẹ mà thích ý tưởng của con, thì mẹ đi mà viết tiểu thuyết! Đường nào thì truyện của mẹ cũng sẽ khác kịch bản của con!”. Mấy tháng liền tôi suy nghĩ về gợi ý của con gái, và khoảng một năm rưỡi sau đó tôi đặt bút viết.

-  Hai mẹ con cùng xuất phát từ một điểm: cô gái Ewa chửa hoang, “Thai” trong bụng mẹ. Còn sau đó thì sao? Mỗi người xây dựng câu chuyện của mình?

- Đúng. Tiểu thuyết và kịch bản chỉ giống nhau ở nữ nhân vật chính (cùng tên  Ewa) - trẻ trung, một cô gái bình thường, không một chút kiến thức, bỗng dưng tìm mọi cách bênh vực thế giới trước đứa con trong bụng mình, để cho “Thai” sẵn sàng đến với thế giới này.

Trong kịch bản của Malgosia cô gái Ewa có chửa do tình cờ, còn trong tiểu thuyết của tôi - do bị cưỡng dâm. Còn lại tiểu thuyết và kịch bản hoàn toàn khác nhau, dẫu còn có một nhân vật nữa giống nhau - người cha trong tiểu thuyết và trong phim đều rất nhạy cảm với âm nhạc.

Trong quá trình viết kịch bản Magosia liên tục thay đổi các tình tiết, rốt cuộc “Ono” (Thai) đi theo một hướng khác.

- Thế còn Ewa của bà và “Thai” của bà thì sao?

- Tôi tạo dựng một gia đình hoàn toàn khác với Malgosia, thậm chí địa điểm cũng khác. Ewa của Malgosia sống ở thành phố Krakow, còn Ewa của tôi thì ở một thị trấn nhỏ.

Thế nhưng, cả hai chúng tôi đều chú ý đến lối ứng xử lạnh lùng, không biết thể hiện tình cảm trong một gia đình đương đại, và hai mẹ con chúng tôi, mỗi người phát triển chủ đề này theo cách của mình.

Do tuổi còn trẻ cho nên trong kịch bản của con gái tôi câu chuyện hướng về phía trước, còn tôi - quan sát thế kỉ XXI tôi đồng thời nhìn về quá khứ.

- Giữa hai mẹ con có “Thai” nào không? Có mối liên hệ nào?

- Có. “Thai” chính là Malgosia ngày xưa, là tôi ngày xưa, là một đứa bé vẫn còn chưa ra đời của Malgosia. “Thai” là chính mình, nhưng đồng thời “Thai” cũng là chúng tôi. Khi viết tôi ý thức rằng, nữ nhân vật chính của tôi ra bộ đối thoại với đứa con trong bụng của mình, song thực ra là độc thoại với mình.

Cô gái ra công giảng giải, thuyết phục đứa con trong bụng, song thực ra là giảng giải, thuyết phục chính mình. Ewa trẻ tuổi đời phải phát hiện cho bằng được ở thế giới quanh mình điều mà vì nó cần phải sống, cần phải đến với thế giới này và ở lại đó.

-  Hai mẹ con có gì giống nhau? Bà và Malgosia?

- Tôi nghĩ, hồi ở tuổi nó tôi không chín chắn được như vậy, tôi biết là mình đã để uổng phí rất nhiều thời gian và những năm gần đây chính là “thời gian tôi tìm lại mình”. Malgosia là một cô gái làm việc hết mình, mà chơi cũng hết mình.

Thời tôi ở tuổi nó, hễ ham chơi là quên công việc. Khi đang học trung học phổ thông Malgosia đã chụp được những tấm ảnh cực đẹp, biết quay phim bằng máy nghiệp dư, say sưa với hội họa và âm nhạc - và tất thảy mọi thứ đó đã đơm hoa kết trái khi con gái tôi vào học trường Đại học Điện ảnh.

Tôi thường đưa các bản thảo tiểu thuyết của tôi cho cô con gái mới mười mấy tuổi đầu đọc, trước khi gửi tới nhà xuất bản, bởi tôi biết con gái tôi chính là một bạn đọc tuyệt hảo của tôi với bản năng nghệ thuật tuyệt vời.

-  Phim của Malgosia thế nào? Liệu bà có nhận ra ở đó nhân vật Ewa trong tiểu thuyết của bà?

- Có, bởi chắc chắn Ewa trên phim cũng chính là Ewa trong truyện. Cả hai cùng kiếm tìm những thứ như nhau, gặp nhiều cam go, lắm trắc trở trên bước đường tìm kiếm. Rốt cuộc tìm thấy được cái ý nghĩa đã bị thất lạc của cuộc trò chuyện đích thực.

Tôi nghĩ, tôi và Malgosia chúng tôi nhìn nhân vật Ewa giống nhau. Ewa của Malgosia có diện mạo của Malgosia Bela, diễn viên, người mẫu (đóng vai Ewa trong phim). Khi Bela đến vùng hồ Mazury gặp chúng tôi, tôi ngắm rất kĩ cô gái này và suy ngẫm, cô gái này là Ewa đến mức nào và không là Ewa đến mức nào.

Bela nhập vai rất nhanh, càng ngày càng đạt hơn. Con gái tôi và cô gái đi vào rừng, ở đó Malgosia hành hạ con bé tới số, bắt tập diễn trên mặt hồ, ở bãi trống, tập các cảnh khác nhau, tập lời thoại...

Xem kịch bản của con gái, tôi khen: “Con đã có được cái khác hẳn những cái mẹ đã biết lâu nay trong điện ảnh. Con đã tìm được cho bộ phim phong cách của mình”. Tôi thích xem những gì con gái tôi làm, còn con gái tôi lại thích đọc những cuốn tiểu thuyết do tay tôi viết...

(*)  Hoang thai, tác giả Dorota  Terakowska, Lê Bá Thự dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, qúy 4/2006.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.