Trôi nổi một cuốn băng ghi âm

Trôi nổi một cuốn băng ghi âm
TPCN - Khi vụ “đạo nhạc” trong giới nhạc tạm lắng xuống do chưa có kết luận cuối cùng mang tính pháp lý của một Hội đồng chức năng đủ tư cách thẩm định thì dư luận lại rộ lên về một cuốn băng ghi âm.
Trôi nổi một cuốn băng ghi âm ảnh 1
Người nói chuyện với nhạc sĩ Vĩnh Cát trong cuốn băng trôi nổi là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân.

Lúc đầu chỉ lan truyền trong giới nhạc sĩ ở Hà Nội. Về sau đã lan ra bên ngoài. Nhiều người ngoại đạo “âm nhạc” cũng tò mò bổ đi tìm kiếm cuốn băng này để thỏa tính hiếu kỳ.

Cuốn băng có nội dung gì?

Đó là cuốn băng ghi lại toàn bộ cuộc nói chuyện giữa hai nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam) và Vĩnh Cát (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, nay đã nghỉ hưu).

Đó không phải là cuộc đàm đạo về tình hình âm nhạc nước nhà, về nghề nghiệp sáng tác hoặc trao đổi về tác phẩm nào đó của một trong hai người – những vấn đề thường được chuyện trò khi các nhạc sĩ gặp nhau.

Cũng không phải là vị tân Chủ tịch Hội ở thế hệ đàn em, con cháu đến học hỏi kinh nghiệm, xin ý kiến một vị nhạc sĩ lão thành từng già đời trong nghề quản lý. Càng không phải để trưng cầu ý kiến cho việc bàn định một ý tưởng gì cao cả cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc nước nhà.

Vậy là gì? Đơn giản chỉ là Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân đến xin lỗi nhạc sĩ Vĩnh Cát – người khởi xướng việc kiện nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam đạo nhạc, lại dùng chính tác phẩm này để đề nghị được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (ngoài ra còn 4 nhạc sĩ nổi tiếng khác đều là đại tá cũng lên tiếng phản đối nếu vị cựu Tổng thư ký được nhận giải).

Dẫu việc xin lỗi là thực lòng, chân thành, nhưng có lẽ chỉ là cái cớ, là “khúc dạo đầu” để vị Chủ tịch Hội thuyết phục nhạc sĩ Vĩnh Cát đến dự một cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày hôm sau tại Hội Nhạc sĩ.

Và điều cần đạt được là có sự thống nhất trước những quan điểm chính các bên sẽ phát biểu trong cuộc họp này (Cuộc họp để Chủ tịch Hội chính thức gặp 5 vị nhạc sĩ lão thành, những người đã cực kỳ bất bình trước một công văn do ông Chủ tịch ký có ý bảo vệ vị cựu Tổng thư ký và phê phán, quy chụp 5 vị).

Trong quá trình đối thoại, đương kim Chủ tịch Hội bộc lộ một thái độ chân thành nhận ra sự nông nổi, cạn nghĩ, do bị quá nhiều “áp lực” từ nhiều phía mà dẫn tới việc ký một công văn đầy tính chất hồ đồ, thiên vị (Công văn này theo những nguồn tin không chính thức nhưng lại xác thực nói rằng do chính tay vị cựu lãnh đạo Hội Nhạc viết, để vị đương kim Chủ tịch chỉ việc ký).

Trước nay, từ khi vào Ban chấp hành Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (từ khóa trước), rồi Trưởng ban âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, rồi Chủ tịch Hội khóa này, đồng thời là nghị viên Quốc hội,  người ta ít khi thấy Đỗ Hồng Quân có giọng mềm mại, nhún nhường, chân thành, đầy vẻ phục thiện, cầu thị như cuộc nói chuyện với Vĩnh Cát này. Anh tự nhận là còn “non kinh nghiệm”, do rất khó xử trước các vị ở vai vế cha, chú, “không lường được hậu quả” v.v… nên mới ký một công văn dở như vậy.

Ngoài thái độ rất chân thành, trọng thị, nghe cuốn băng còn thấy Đỗ Hồng Quân đã rất thẳng thắn để nói một sự thật mà nhiều người nghe sẽ dễ bị “sốc”: ở nước ta chỉ có vài người đáng gọi là “nhạc sĩ đích thực”.

Những người này được trời phú cho tài năng thiên bẩm. Còn lại đều chỉ là có khả năng viết ca khúc, không biết viết khí nhạc, càng không biết gì về giao hưởng, kiến thức chung về âm nhạc nông cạn v.v.

Anh nói tên một vài người cụ thể dạy, đánh piano, cello, violon, đàn nguyệt cũng viết khí nhạc cho các đàn này diễn tấu trong khi chẳng có kiến thức gì về sáng tác.

Rồi anh nói nhiều đến vị cựu Chủ tịch Hội chỉ là nhạc sĩ loại… “thường thường bậc trung”, ngay cả trong nghề chỉ huy – bằng việc vị này tự cho mình là số 1 (và cũng nhiều người ở Việt Nam nghĩ vậy) thì anh Quân cũng có những minh chứng để cho rằng ở nước ngoài người ta chẳng biết vị là ai.

Anh lại nói rất nhiều về việc mình đã phát hiện cái ouverture có tên Chào mừng kia ngay từ lần đầu tiên được nghe vào năm 1986 giống giao hưởng của Sốt-xta-cô-vích như thế nào. Và khi ấy, rất hồn nhiên, anh đã nói thật ý nghĩ cho một người ở Nhạc viện nghe, sau đến tai tác giả rồi mối quan hệ của anh với vị từ đó “có vấn đề” như thế nào.

Anh bảo rằng chính vì thế mà tuy trưng cầu ý kiến quần chúng vào ghế quản lý Nhạc viện được số phiếu rất cao, rốt cuộc vẫn “chẳng đâu vào đâu” (ý nói anh vẫn bị… ra rìa!).

Tóm lại, ai nghe cũng thấy đó là những ý nghĩ thẳng thắn và khá chính xác về thực trạng nền âm nhạc nước ta.

Vì sao lại có cuốn băng?

Bà Kiều Duyên – phu nhân nhạc sĩ Vĩnh Cát vốn là người luôn quan tâm xít xao đến mọi hoạt động của chồng cho biết: “Tôi là người trực tiếp ghi âm. Ông ấy không biết, vì hai người nói chuyện ở tầng dưới, tôi đặt máy ngay đầu cầu thang ở tầng trên.

Mục đích của tôi chỉ đơn giản là để tự bảo vệ, phòng khi anh Quân sau đó lúc ra cuộc họp nói khác những điều hôm nay nói với chồng tôi. Còn nếu không xảy ra điều này thì chẳng có ai biết cuốn băng ghi âm này.

Sở dĩ có sự “phòng xa”, “cảnh giác” này là vì trước đây, anh Quân gọi điện thoại nói chuyện với ông Cát khác, nhưng ngay sau đó lại ký cái công văn khiến ông ấy và 4 vị đại tá rất bực mình. Cho nên lần này tôi phải đề phòng, biết đâu lặp lại như lần trước thì sao?…”.

Vậy là rất dễ hiểu. Chỉ đơn thuần là sự tự “phòng vệ” của vợ chồng nhạc sĩ Vĩnh Cát. Và ông bà chẳng muốn bất cứ ai biết việc “cực chẳng đã” này làm gì? Nhưng vì sao cuốn băng ghi âm này lại đến tay rất nhiều người?

Bà Duyên lại cho biết: “Sau cuộc nói chuyện giữa chồng tôi và anh Quân hôm đó, vài ngày sau, có một nhạc sĩ đến chơi giữa lúc tôi đang nghe lại cuốn băng.

Vị này có ý muốn nghe. Tôi thấy nội dung cuộc nói chuyện giữa hai người là tốt đẹp, cởi mở, chân tình, đúng đắn, thiện chí nên chẳng cần phải giấu, đã cho vị nhạc sĩ kia nghe. Không ngờ họ đã bí mật bật điện thoại di động để thu lại (mà tôi thì do không dùng điện thoại di động nên chẳng biết gì).

Việc này sau đó mọi người suy đoán chứ lúc đó tôi không thể biết. Rồi có một người ở Hãng bảo hộ quyền tác giả âm nhạc đã in ra rất nhiều đĩa, phát tán khắp nơi…”.

Phu nhân nhạc sĩ Vĩnh Cát còn nói rõ tên người này – cũng là một nhạc sĩ xuất hiện nhiều trên ti vi trong một thời gian dài, gắn với một chương trình mang tính quần chúng trong vai trò người đi tổ chức.

Đôi lời bình

Sự việc là như vậy. Việc ghi âm là quyền của mỗi người khi cần lưu giữ, có thể để làm “kỷ niệm” một cuộc trò chuyện nào đó, hoặc đề phòng một bất trắc nào đó như trường hợp bà Duyên.

Luật pháp không ngăn cấm việc này vì là quyền tự do của con người khi không gây hại cho bất cứ ai. (Vì bà Duyên không hề có ý định sử dụng cuốn băng vào bất cứ việc gì như đã nói, càng không có ý làm ảnh hưởng gì đến nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân).

Nhưng người đã đến thu lại và sau đó, người cho nhân bản rồi phát tán cuốn băng này đến nhiều người khác là việc làm rõ ràng là có động cơ, muốn gây ảnh hưởng cho người khác?

Trong khi dư luận xã hội đang còn rất nóng xung quanh nghi án đạo nhạc liên quan đến việc xét tặng danh hiệu giải thưởng cho người cựu đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì việc phát tán cuốn băng ghi âm trên rõ ràng chỉ làm rối rắm thêm vấn đề vốn dĩ đang khiến nhiều nhạc sĩ đứng đắn, chân chính không thể vui.

Những nhạc sĩ này muốn mọi việc được minh định ngã ngũ để lấy lại không khí nhân văn, nghệ sĩ vốn có từ lâu trong giới sáng tạo. Nhưng một vài người lại muốn sự việc rối thêm.

Không biết việc phát tán cuốn băng ghi âm này (sau in thành đĩa) có liên quan gì đến việc tổ chức lấy chữ ký để đề nghị phế bỏ người Chủ tịch Hội khi anh ta chưa có tội lỗi gì cụ thể, đáng phải rời khỏi vai trò, nếu không nói là không dễ có thể tìm người thay thế trong tình hình thực tế hiện nay?

Nhạc sĩ Nguyên Đình San

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.