Trọng Tấn: Không làm để lấy thành tích

Trọng Tấn: Không làm để lấy thành tích
Lột xác với album "Thanh Lam - Trọng Tấn", giọng ca vàng này đặt nhiều hy vọng cho lần làm mới mình. Rất cởi mở, Trọng Tấn kể chuyện nghề, chuyện nhà và cả chuyện mua ôtô, thăm vợ đẻ.
Trọng Tấn: Không làm để lấy thành tích ảnh 1

Phong cách bán cổ điển với Lê Minh Sơn sẽ tiếp tục thế nào sau album Thanh Lam - Trọng Tấn?

Chắc sẽ còn nữa đấy. Tôi đang muốn nói với Sơn làm cái sau hơi mang tính chất đồng quê hơn. Cách hát của tôi cũng cố gắng sẽ khác đi một tí. Chắc để sang đầu năm tới, vì năm nay nhiều quá. Tôi không làm để lấy thành tích.

Trở thành nam ca sĩ đầu tiên "át" được Thanh Lam, cảm giác của anh thế nào?

Trong đĩa này, nhóm cũng thống nhất Sơn viết ý đồ như thế, hoàn toàn tôn trọng nhau, không ai làm phụ hay làm chính cho ai. Nhưng ở nốt cao như thế, giọng tenor bao giờ cũng có độ rung át những giọng khác chứ không phải cố tình át chị Lam đi. Thực tế âm thanh như vậy.

Trên sân khấu từ trước đến giờ phong cách anh rất ổn định, nhưng với những ca khúc mới đây, người nghe cảm thấy có sự thay đổi. Anh nói sao?

Kể cả hát những bài như vừa rồi, có tiết tấu một chút nhưng tôi không thể nào nhảy được, vì độ đằm ở đấy là của một thằng đàn ông vững chãi. Một thằng thô ráp, đứng im như cái cọc cho một cô rất mềm mại ở bên cạnh cũng là một cái hay... Dòng semi-classic thế giới cũng chỉ tạo sự thanh thản ở con người và giọng hát thôi. Người ta lấy uy lực ở giọng hát, chứ không phải ở thân thể làm gì cả.

Phong cách luôn ổn định, sự nghiệp vững vàng, vậy anh thấy sự nổi tiếng của mình thuộc dạng nào?

Tôi chẳng cố lên đỉnh gì cả, nhưng mọi người cứ yêu mến mãi như thế.

Có sự hâm mộ nào thái quá với anh?

Thái quá thì chưa. Các em lớp 8-9-10 chắc không phải là fan của tôi, nên tôi không bị xé áo trong các cuộc diễn. Những người nghe nhạc đỏ, nghe nhạc sang thế này hầu như làm trong công sở, cùng lắm là sinh viên, có biểu hiện cũng chỉ là xin chữ ký hoặc cho em chụp cùng anh kiểu ảnh.

Ngày xưa, có một bác gửi cho tôi bài thơ, viết là yêu mến con và rất mong con cứ mãi sống, cống hiến với nghệ thuật chân chính như thế. Những lời động viên ấy làm tôi rất hạnh phúc. Người ấy cũng chẳng đề tên ai, ở đâu... Hoặc có nhiều tin nhắn, nhiều cái bắt tay, nhiều cuộc nói chuyện sau cuộc diễn bày tỏ sự yêu mến. Đấy chính là sự sang trọng của dòng nhạc.

Nhưng song song với đó, cát-xê không được ngất ngưởng như sao thị trường. Anh nghĩ sao?

Cái đấy cũng có hai mặt, vì nói thế chứ thị trường người ta hát có vài năm thôi. Chưa xét về mặt đóng góp nghệ thuật. Đóng góp hay không là khán giả, lịch sử ghi nhận, chứ chính mình cũng chẳng tự ghi nhận được bản thân.

Còn xét về khía cạnh thị trường, họ có chiêu kiếm tiền giỏi thì mình cũng phải công nhận chứ. Không có khả năng mà làm được cho người ta thích, thế là quá giỏi. Thật sự, riêng về mặt đấy chẳng có gì đáng phê phán cả.

Cát-xê cao nhất của anh từ trước đến nay là bao nhiêu?

Không quá 10 triệu đồng. Trong khoảng 7-8 triệu gì đấy là đi tỉnh xa. Ở Hà Nội, ngoài các chương trình truyền hình trực tiếp thì còn làm gì có mấy. Những chương trình bán vé ngoài kia chỉ 2-3 triệu đồng, nhiều khi diễn cho đoàn như đoàn anh Trần Bình chỉ 1-1,5 triệu. Chứ còn diễn cho các cơ quan là chính, 7-8 trăm nghìn đến 1 triệu chẳng hạn.

Thanh Lam hay Lê Minh Sơn là người rủ anh làm đĩa?

Cả 3 gần như có ý tưởng, nói ra một cái là cùng nhau luôn. Tôi thấy làm được, bởi chị Thanh Lam là hàng đầu nhưng rất tôn trọng tôi. Những lúc làm việc, tôi thấy Lam rất hay, sòng phẳng, rất đàn chị. Chúng tôi cũng đang dự định xin tài trợ làm một đêm diễn của hai chị em. Không biết có thực hiện được cuối năm nay không...

Anh nghĩ sao nếu có người nói rằng không tham gia đĩa này thì cũng còn lâu lắm Trọng Tấn mới có cơ hội làm mới mình?

Tôi vẫn tìm và vẫn muốn tự làm lâu rồi ấy chứ. Nếu không có đĩa này thì chắn chắn đã ra những bản tình ca nổi tiếng thế giới. Nhưng thực ra cái đấy cũng chẳng phải mới, chỉ hát một cách khác hơn thôi.

Ngoài Lê Minh Sơn, anh còn lựa chọn nhạc sĩ nào khác trong dòng bán cổ điển?

Không biết đã nên nói ra chưa, nhưng có thể từ giờ đến cuối năm, chưa chắc lắm về tiến độ, sẽ có sự đồng cảm trong công việc giữa tôi với Dương Thụ. Đó là những ấp ủ, lâu lắm chú không dám đưa ai hát. Chú muốn tôi hát chính từ sau chương trình "Con đường âm nhạc" của chú. Chú ấy rất ưng ca khúc Trở về. Chú bảo, muốn Tấn thể hiện cái gì đấy, thật như chính giọng của Tấn...

Tới đây, trong lựa chọn bài vở cho tôi, chú sẽ xoáy sâu vào mảng trữ tình, học thuật. Sẽ có những bài tương đối nặng, và đó là điều tương đối hiếm ở nhạc sĩ Dương Thụ.

Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn thì khi thu bài "Xa xa", anh đã khóc. Sự thật thế nào?

Hôm ấy thu xong, tôi cũng hơi xúc động thật. Bài đấy là bài tôi thích nhất trong đĩa. Nó nhẹ nhàng mà hát khó ghê lắm. Chỉ có "Ôi cánh chim buồn lẻ loi" mà thu lại mấy lần. Tôi bảo: "Không có cảm xúc Sơn ạ".

Chiều buồn, ngồi một mình uống rượu, một mình đánh cờ, Sơn ngồi ngoài nói, Tấn phải tưởng tượng ra đi, tưởng tượng một thằng ngồi không nó buồn lắm... thì đến lúc nhập được vào, xúc động thật sự mới hát được câu ấy, hơi có rè cổ một tí. Đấy, lại phải thế, chứ hát trong veo Sơn không thích (cười).

Tóm lại là nhỏ nước mắt trong hay sau khi hát?

Thực ra nói rơi nước mắt là cũng cách điệu lên thôi. Đó là sự "gai người" vẫn thường gặp khi thăng hoa nghệ thuật. Thật ra tôi rất cứng rắn, chỉ bị xao xuyến trong nghệ thuật, hoặc những cái gì mang tính xã hội... Cái gì nó lớn ấy. Chứ còn những cái đau đớn đơn thuần, người ta có thể khóc lóc, nhưng tôi không bao giờ khóc được.

Trọng Tấn: Không làm để lấy thành tích ảnh 2
Hình ảnh ca sĩ Trọng Tấn trong album "Thanh Lam - Trọng Tấn".

Bà xã có nằm trong số người hâm mộ giọng hát của anh?

Vợ tôi học sau tôi một lớp cấp III. Bọn tôi quen nhau, yêu nhau từ lúc chẳng biết ông này sau có nổi tiếng hay là cái gì cả.

Hiếm có mối tình nào từ thời trung học mà thành, nhất là nghề nghiệp... như anh?

Cái ấy do mình thôi, do sự nghiêm túc. Bản chất con người như thế, cũng chỉ làm được những cái sang trọng thôi. Chứ những cái chơi chơi... thôi để dành cho người khác.

Nghĩa là sự nghiệp cho đến tình yêu luôn luôn bình ổn, không có sóng gió gì cả?

Có chứ! Thực ra năm thứ 2-3 đại học, có thời gian tưởng là cũng khó theo nghề. Tự nhiên tôi có cảm giác như mình không nắm được kỹ thuật. Đi hát vài bài là đã đau cổ. Rất nguy hiểm. Đã có 2-3 lần mất tiếng không nói được, chưa nói gì đến hát. Đã bơm cổ họng mấy lần rồi ấy chứ.

Tại sao anh lại bị thế?

Không phải vì chạy sô nhiều, mà là do hát hỏng kỹ thuật. Thanh nhạc hoàn toàn trừu tượng, đâu giống như đàn nốt đồ là đồ đâu. Bây giờ bảo vị trí cao ở chỗ ấy nhé, có ông nào thò tay vào chỉ được đâu. Mình phải tự tưởng tượng ra cái vị trí, và lâu dần thành thói quen. Cho nên bác Kiên (NSND Trung Kiên) đúc kết rất đúng: "Ca hát là một thói quen đúng".

Sự nghiệp thì thế, còn tình yêu bao nhiêu lần sóng gió?

Có chứ, nhưng sóng gió nhỏ thôi. Nói chung về gia đình, tôi cảm thấy hạnh phúc. Cái đấy cũng do tôi chắt chiu mà thành. Cứ yêu nhau rồi cũng thật sự hết mình vì nhau. Hoa rất chăm chú đến nghề của tôi, nhiều khi có những lời khuyên tôi thấy rất cần thiết. Như bài Về miền Trung, Linh thiêng hào hoa trong đĩa trước tôi chỉ thu chơi. Hoa bảo, anh nên đưa những bài này vào, người nghe sẽ thích... Rồi trang phục cho tôi, Hoa cũng mày mò đi mua, đi may. Ngay cả thay đổi phong cách, chính vợ là người đốc thúc nhiều hơn.

Từ xưa đến nay, anh có bóng dáng cô gái nào khác ngoài vợ?

Thực ra, nếu nói về khán giả yêu mến thì nhiều, tôi cũng biết điều đó, nhưng làm sao bằng tình yêu của gia đình. Chắc chắn như thế.

Anh mua ôtô từ năm nào?

Cuối 2004, đầu 2005 gì đấy. Tôi cũng chẳng đủ tiền để mua xe mới. Cũng là Toyota Camry - xe hàng xuất nhưng từ đời 93. Thực ra, nhu cầu thiết yếu nhất là bảo vệ cái cổ họng. Từ khi có cu con, muốn đi đâu che nắng che mưa cho đỡ vất vả. Môi trường của tôi quá bụi. Có những hôm đi diễn bằng xe máy về, thực sự là cắn răng còn sạn sạn.

Thời điểm mua xe, với điều kiện của mình, phải gắng sức như thế nào?

Thực ra là hơi cố. Thôi kệ, mua là được, cứ mua. Vả lại cũng là yêu thích. Các chương trình về ôtô xe máy trên truyền hình tôi cũng hay xem. Xe mới bây giờ công năng sử dụng, độ an toàn lớn, mỗi tội giá ở Việt Nam kinh khủng. Đi nước ngoài, tôi thấy đúng là không đánh thuế thì chắc dân VN ai cũng mua được.

Bên kia, một cái xe bãi 2.000 USD là đẹp khủng khiếp, BMW đàng hoàng, hoặc Lexus, Audi... mà mới đi lướt khoảng vài tháng. Bên ấy, anh bạn tôi bảo, một năm hoặc chưa đến một năm là phải đổi xe một lần. Xe nó đơn giản thế thôi.

Bao giờ thì anh đổi xe?

Trước mắt thì chưa. Nếu thực sự có điều kiện mua một cái xe theo ý thích của mình thì được, không thì cái xe như thế này với cái xe hơn một chút cũng thế. Tôi cũng không phải là người quá chăm chút xe đâu. Nhiều người xót xa lắm, ôtô trau chuốt có khi còn hơn cả vợ con. Tôi thấy thường, ôtô cũng như xe máy có gì đâu. Nó phục vụ mình chứ mình có phục vụ nó đâu. Nhưng quan trọng, đi ôtô cần phải xem có nuôi được nó không. Tóm lại nó phải thật sự phục vụ cho công việc, thì mình mới có tiền ở đấy để đập lại.

Anh chạy sô bằng xe riêng quãng đường xa nhất là bao nhiêu km?

Chạy xa nhất là vào Vinh... Đi xa khoảng trên 100 km. Tôi hay gọi một ông bạn đi cùng, thay nhau lái.

Lúc đầu lái thì quệt là thường. Thường thì tự mình làm, kiểu lùi vào gốc cây, hoặc xe máy xe hồ quệt vào mình... Thôi những cái đấy cho qua. Lại mất công bắn sơn mất độ vài trăm nghìn đồng. Có xe thì chấp nhận.

Cảm giác làm bố của anh thế nào?

Hạnh phúc chứ. Thằng cu mình bế đầu tiên luôn. Được vào phòng hộ sinh. Đứng cạnh vợ bên bàn đẻ. Đúng là phải chứng kiến mới thấy phụ nữ chịu đựng âm thầm hơn đàn ông. Vợ mình cũng thuộc dạng đẻ nhanh, nhưng nằm chờ 1-2 tiếng như thế cũng thấy khủng khiếp.

Được đặc cách vào phòng đẻ, nhưng ông bố thường thì làm gì được?

Hôm đấy, bác sĩ trực chính lại là một fan của mình, thế là anh ấy gọi vào, vợ mình thì đau ở phòng bên, nhưng anh ấy cứ ngồi nói chuyện âm nhạc thôi (cười). Mình cứ ngồi, cứ lo không biết thế nào. Đúng là nghề của người ta, là chuyện bình thường mà...

Bố Tấn có ru con ngủ?

Ru ngủ á? Toàn bà thôi, nó ít ngủ với bố mẹ.

Tuổi tam thập, anh nghĩ sao về một liveshow?

Cũng muốn, nhưng tự làm thì eo hẹp kinh tế. Cũng có lẽ phải nhờ một công ty xin tài trợ giúp. Nếu đã làm, tôi tin tưởng về vấn đề vé với sự ủng hộ của công chúng Hà Nội.

Theo Thị Trường Quốc Tế Tiêu Dùng

MỚI - NÓNG