Trông vào thành Mạc Lạng Sơn

Cổng thành cổ. Ảnh: Trần Thanh
Cổng thành cổ. Ảnh: Trần Thanh
TP - Sau khi thành nhà Mạc ở Tuyên Quang bị trùng tu thành “cái lò gạch”, thành nhà Mạc ở Lạng Sơn cũng đang được chuẩn bị trùng tu. Dư luận đang trông đợi việc trùng tu này làm lợi cho di tích chứ không phải là tiếp tục phá hoại.
Cổng thành cổ. Ảnh: Trần Thanh
Cổng thành cổ. Ảnh: Trần Thanh.

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn (nay thuộc phường Tam Thanh) hiện còn một cổng thành và hai đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn nằm giữa hai đỉnh đồi. Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa. Nay chỉ còn những đoạn thành đứt quãng, cao thấp nối tiếp nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha xám.

Thành Nhà Mạc nằm trong quần thể di tích lịch sử và danh thắng Nhị, Tam Thanh, núi Tô Thị ở khu vực phường Tam Thanh thành phố Lạng Sơn. Xưa kia, thành nhà Mạc là căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ ải Bắc xuống phía Nam, là căn cứ của nhà Mạc chống lại quân của vua Lê, chúa Trịnh.

Giữa hai hẻm núi hùng vĩ, đứng từ điểm cao của thành có thể quan sát cả một vùng rộng lớn hiểm trở, những bức tường thành và những lỗ châu mai đã tạo cho thành cái thế “một người địch muôn người”. Với địa thế hiểm trở uy nghi, những lũy thành trên đã giúp cho nhà Mạc trấn giữ biên ải suốt gần một thế kỷ.

Thành nhà Mạc vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Ảnh: Trần Thanh
Thành nhà Mạc vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Ảnh: Trần Thanh.

Năm 1962, khu di tích thành nhà Mạc được xếp hạng di tích quốc gia loại 1.

Khu vực dự án nằm hoàn toàn trong thung lũng giữa dãy núi Tô Thị và núi Lô Cốt, không có nhà dân sinh sống. Vị trí cao, mát mẻ là lợi thế của thành, nhưng việc khai thác cho du lịch còn hạn chế. Khu dịch vụ, tuyến đường dạo lát đá lên núi chưa phát huy được giá trị di tích, chưa có công trình phụ trợ. Cổng thành bị sứt vỡ tạo thành các lỗ hổng, làm ảnh hưởng kết cấu và độ bền vững của thành. Cây cỏ mọc hoang vu, rễ cây bám vào thành, lớp vữa trát bị bong tróc, đá xây thành bị mất... Lan can đường lên thành xây quá hiện đại không phù hợp.

Thành nhà Mạc dự tính được tu bổ tôn tạo theo nguyên tắc đảm bảo tính nguyên gốc, ưu tiên bảo quản gia cố di tích trước khi áp dụng những biện pháp tu bổ phục hồi khác, việc thay thế chất liệu vật liệu bằng loại mới sẽ được thí nghiệm trước.

Dự án tập trung trùng tu hai đoạn tường thành phía tây bắc và phía đông. Hai đoạn tường thành này được xây bằng đá hộc, vữa truyền thống, hiện đang xuống cấp, nhiều chỗ bị bong tróc, nứt vỡ, chân móng bị rêu và cỏ dại xâm thực.

Theo ông Nông Đức Kiên- Phó ban quản lý di tích Nhị Tam Thanh, núi Tô Thị và thành nhà Mạc, ngoài việc tu bổ tường và cổng thành, sẽ trồng thêm cây xanh (đa) cũng như hoàn thiện hệ thống lưới điện trên núi. Ông Kiên nói, lượng khách đến với quần thể Nhị Tam Thanh và núi Tô Thị mỗi năm đạt 150.000 người, tuy nhiên, thành nhà Mạc (thuộc quần thể này) cho khách tham quan miễn phí vì chưa có hạ tầng dịch vụ.

"Dự án trùng tu, tôn tạo thành nhà Mạc đã trù trừ từ hai năm qua do kinh phí hạn hẹp. Có thể trong năm nay, dự án sẽ được thực thi." Ông Hoàng Văn Páo -Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn.

Chỉ cách thành Mạc một cái sân nền đất, tỉnh Lạng Sơn đã giao khu đất cho một doanh nghiệp khai thác, tương lai sẽ là khu giải trí sinh thái. Dù chưa đầu tư nhiều, nhưng địa điểm này có nhiều đường lên núi với cảnh quan thoáng đãng khiến du khách cảm thấy khá thư thái và có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn từ trên cao. Buổi tối, thanh niên lên núi uống cà phê, ngắm cảnh rất đông.

Ông Nông Đức Kiên cho biết, địa điểm mà doanh nghiệp khai thác thuộc khu vực bảo vệ 2 của di tích núi Tô Thị- thành nhà Mạc. ?

Năm 1592, nhà Lê được chúa Trịnh giúp đỡ đánh bật nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Tàn dư nhà Mạc chạy lên các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, lập căn cứ để chống lại tập đoàn phong kiến Lê Trịnh. Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là căn cứ quân sự quan trọng hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo giữa VN và Trung Quốc.

Hiện, thành nhà Mạc còn dấu tích tại Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn. Nhưng thành ở Tuyên Quang đang có nguy cơ bị xóa sổ do sự tu bổ kém cỏi, vô văn hóa. Lạng Sơn liệu có biết rút kinh nghiệm?

MỚI - NÓNG