Trưa qua đỉnh Huế

Trưa qua đỉnh Huế
Từ Vọng Cảnh, người ta cảm được những khoảnh khắc không lặp lại của thiên nhiên của cái đẹp, bí ẩn của thời tiết và độ ẩm, các mùa thay lá và khói lam chiều...
Trưa qua đỉnh Huế ảnh 1

Vào miền Trung dịp cuối tuần chúng tôi kéo nhau lên đồi Vọng Cảnh. 

Tôi có một phần quê quan trọng là miền Trung, đương nhiên mảnh đất quý phái và gian truân tôi chẳng xa lạ gì. Thế mà, 35 tuổi, lần đầu tiên lên đồi Vọng Cảnh.

Ví dụ không có vụ bút chiến vừa rồi xung quanh cái dự án xây dựng khách sạn nơi này thì chắc chắn chúng tôi vẫn tiếp tục chưa lên đỉnh Huế. Huế và miền Trung có nhiều cảnh đẹp nhiều mối lo toan, đi cả đời không hết. Đồi núi chưa mòn, sông xanh chưa cạn, vội làm gì.

Thế rồi vụ đồi Vọng Cảnh xảy ra, đến cả thầy dạy võ của chúng tôi, một võ sư cũng xuống bút luận tranh, hai báo Tiền phongTuổi trẻ cùng mấy báo bạn ngày đêm đưa bài phản đối mô hình khách sạn, địa danh hôm trước còn lúc nhớ lúc quên bây giờ đã văng vẳng trong lòng mình như một tiếng gọi đò xa xăm xao xác.

Con đường lên đồi còn khúc khuỷu nhưng khách khứa ban trưa vẫn có mấy đoàn, xe máy ô tô. Trên đồi còn lô cốt cũ, trên lô cốt đôi du khách nước ngoài chụp ảnh lia lịa, chẳng biết có phải cũng tìm đến Vọng Cảnh do biết vụ xì căng đan hay không.

Ông anh của chúng tôi làm báo ở Huế tham gia bảo vệ đồi từ hồi đầu tiên, bảo: “Vụ Vọng Cảnh xảy ra, du khách đến đây đông hơn hẳn”.

Anh còn làm chúng tôi ngạc nhiên hơn, anh vui vẻ, anh hiếm khi vui vẻ, anh cười bảo: “Thắng lợi lớn nhất của vụ đồi Vọng Cảnh là anh thấy người Huế, người khắp nơi, cả trong nước và nước ngoài, đều còn yêu và lo cho danh lam thắng cảnh. Chưa bao giờ anh thấy mọi người đồng lòng như dịp này”.

Một dự án có thể thay đổi và hoàn toàn có thể thay đổi thậm chí thay đổi là chuyện thường tình, nhưng lòng yêu thắng cảnh, yêu những giá trị của cuộc sống, tình quê, tình non nước sớm hôm thì mong là mãi mãi vẫn thủy chung giữa tháng năm bề bộn, nắng mưa. Niềm vui của anh, nụ cười của anh, bên bụi lau thưa, không bao giờ chúng tôi quên được.

Làm sao có thể mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên của cuộc đời nhìn từ Vọng Cảnh nhỉ? Để có thể cho ai chưa từng tới nơi đây hiểu được phần nào lý do mà bao nhiêu người bảo vệ một ngọn đồi. Tôi tin không thể bút mực nào tả hết được. Bởi vì nơi này nắng gió mây mưa sẽ lập tức thay đổi hình ảnh mà mình vừa kịp ngắm nhìn.

Những khoảnh khắc không lặp lại, lộ diện bởi đám mây, dải nắng, thậm chí một đàn cò. Tự do của thiên nhiên của cái đẹp, bí ẩn của thời tiết và độ ẩm, các mùa thay lá và khói lam chiều.

Tâm sự riêng tư, những ẩn ức hay là kỷ niệm, vui buồn mỗi lúc mỗi cung độ, tất cả đều có thể bỗng dưng kiến tạo nên khung cảnh không bao giờ quên, tựa như cơn mưa không nằm trong bản tin dự báo, ướt đẫm không ngờ.

Nơi đây sông Hương như hai cánh tay dang rộng, đồi Vọng Cảnh chính là vị trí của trái tim.

Nơi đây sông Hương như đôi cánh chim xanh mải miết mà đỉnh Huế chính là cặp mắt ngoái lại nhìn quê hương.

Tim cùng nhịp bốn mùa, ánh nhìn dõi theo sương sa.

Sông Hương làm điểm tựa toàn bộ quy hoạch của cố đô Việt Nam thành phố đặc trưng cho trí tuệ và cảm xúc mấy trăm năm của dân tộc. Một sợi dây xanh biếc, sông đang xâu chuỗi tất cả di sản, từ thành quách, làng quê, đình đền miếu mạo, đến lăng tẩm chùa chiền.

Vọng Cảnh không phải đồi cao nhưng là vị trí nơi sông đổi chiều, như tia nắng va phải núi mà phản quang rực rỡ, anh đứng đây nhìn được sông dài nhất, rộng nhất, uốn khúc nhất.

Trong thành nội anh cũng nhìn thấy Huế, nhưng tưởng như nhìn thấy phần có thực nhất, phần thể xác. Những hào sâu, thành cao, cửa dày, súng thần công và vạc dầu. Còn nơi đây, cũng nhìn thấy Huế, nhưng là nhìn thấy phần biến ảo nhất, bao la, xanh thắm nhất, tưởng như nhìn thấy linh hồn của Huế. Bắt đầu từ những khóm lau mềm mại trắng lơ thơ sẽ chìm vào bóng đêm dịu mát mỗi chiều.

Anh sẽ không thể nhìn thấy làng mạc Việt Nam. Nhưng chính điều ấy lại làm cho anh cảm động. Đấy bởi bên sông vô số cây cối xanh tươi vẫn còn che chở, và bóng mát là hai từ vượt thời gian.

Người anh của chúng tôi bảo nếu ở đây xây dựng khách sạn sẽ lập tức mọc lên các nhà hàng thiết kế lố bịch, những khách sạn tư nhân kệch cỡm chướng mắt, rất có thể như thế vì nhiều nơi đã như thế. Cây cối sẽ là thứ phải triệt đầu tiên.

Anh em chúng tôi nghe thế thì hoảng quá. Ngồi lại chẳng muốn về.

Nơi đây Huế như một phần của đô thị cổ xưa nghìn năm truyền lại mà  ta nhìn thấy được từ góc nhìn Vọng Cảnh, qua nhiều triều đại qua nhiều mất mát đau thương, nó náu mình trong thiên nhiên rất đỗi dịu dàng. Phía trước là thành trì phía sau là bia mộ. Tất cả đều khuất lấp dưới tán cây.

Thượng nguồn có nhiều núi, nơi dòng sông sinh thành và nhờ con người nó có một cái tên riêng. Núi đầu sông, núi phơi mình dưới nắng, xa xa, chúng nhỏ nhắn như thể trái cây chưa chín. Rất nhiều những “trái cây”.

Bất chợt nắng gió thế nào, cũng có thể do mây mờ và độ ẩm, núi xa không còn xanh nữa, chúng như được tráng một lớp nhũ bạc óng ánh.

Càng lên thượng nguồn sông càng nhỏ lại, nhỏ lại, xuôi về hạ  sông mở rộng chính mình, sông ra biển, biển chỉ cách một quãng mấy phút chim vỗ cánh.

Trên sông thuyền ngược ngược xuôi xuôi, cái nào cũng vẽ rồng, màu sắc không ăn nhập gì với cảnh làng quê cây cỏ mộc mạc. Nhưng tiếng thuyền máy tạch tạch vọng lại làm bức tranh Huế kia cũng như chợt giật mình quay rẽ về phía mặt trời đang ngả hướng Tây.

Chúng tôi đứng dậy, và chợt nhận ra mình còn vô số những điều chưa biết, còn nợ vô số những danh lam thắng cảnh, còn nợ không kể xiết những góc nhìn của cổ nhân.

Bàn nhau xem quay ra Bắc có đi bằng ô tô nữa không, đứa nào cũng lắc đầu “mệt quá”. Quyết định mua vé tàu, lại ngồi à, ừ.

Tàu chạy giữa Huế mà người ngồi gật gù ngủ, cái đầu giật giật như phao cá cắn câu.

Mới nổi còi một lúc mà tàu đã ra khỏi Di sản văn hóa thế giới.

Hai anh bạn của tôi đều đã ngủ say sau hai ngày vừa đi vừa chạy vừa ngủ ngồi lại đau bụng vì ăn uống lung tung beng. Mệt thờ mệt thẫn. Chẳng biết có mơ thấy đồi Vọng Cảnh không, trong giấc mơ chợt gặp lại góc nhìn từ cái đỉnh Huế ấy không ?

Người đàn anh của chúng tôi đã bảo “theo dự án thì có thể người ta đặt bể bơi trên đồi”. Đương nhiên đám trí thức và công chức quèn không phải nạp thuế thu nhập khó mà bơi trên ấy. Chúng tôi biết rằng cả thiên nhiên bao la cũng dễ dàng biến thành sở hữu của một nhúm người. Vấn đề ở chỗ ai sẽ chiếm lĩnh được góc nhìn duy nhất đúng của một vùng non nước nghìn năm.

Dào ơi, thế là ổn rồi, nếu điều tệ hại nhất xảy ra thì chúng tôi cũng đã một lần được tự do nhìn Huế từ trên đồi Vọng Cảnh.

Chỉ có điều, cũng phát hiện mới: Một lần? Với thiên nhiên là không đủ.

Sẽ phải nhiều chuyến quay lại thiên nhiên, với những trầm tích của đời sống không tự dưng mà được ngợi ca tán tụng, được lên tiếng giữ gìn.

Thiên nhiên đã như quả chín đầu sào.

Có thể gặp một lần mà chẳng bao giờ kỳ ngộ nữa.

MỚI - NÓNG